Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở Trường Sa như thế nào? - Kỳ 3: Đau đáu Xu Bi, Vành Khăn

14/05/2015 07:57 GMT+7

(TNO) Các hoạt động nạo vét biển của Trung Quốc trong quá trình xây đảo nhân tạo đã làm thay đổi môi trường biển xung quanh, tàn phá môi trường sống của sinh vật biển. Điều này là trái với luật quốc tế, trong đó đòi hỏi các quốc gia trong thời gian tranh chấp không được có các hành động đơn phương dẫn tới thay đổi môi trường biển vĩnh viễn.

(TNO) Các hoạt động nạo vét biển của Trung Quốc trong quá trình xây đảo nhân tạo đã làm thay đổi môi trường biển xung quanh, tàn phá môi trường sống của sinh vật biển. Điều này là trái với luật quốc tế, trong đó đòi hỏi các quốc gia trong thời gian tranh chấp không được có các hành động đơn phương dẫn tới thay đổi môi trường biển vĩnh viễn.  

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả những luật lệ và đạo lý đó, vẫn đang ngày đêm thay đổi môi trường và hiện trạng ở đá Xu Bi và Vành Khăn.

Xu Bi (Subi Reef)
Ảnh vệ tinh bãi Xu Bi ngày 25.11.2014. Vẫn chưa có dấu hiệu bồi đắp xây đảo ở đây. Nguồn: CSIS

Kể từ khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988, đá Xu Bi (tên quốc tế Subi) là tiền đồn nằm xa nhất về phía Bắc trong số các thực thể Trung Quốc chiếm giữ phi pháp tại quần đảo Trường Sa, ở tọa độ 10°54' Bắc, 114°06' Đông. 

Bãi đá này có hình dạng như một viên kim cương với trục dài nằm theo hướng đông - đông bắc, chiều dài khoảng 3,7 hải lý và trục ngắn hơn có độ dài khoảng 2,7 hải lý. Xu Bi nằm trong cụm đảo Thị Tứ và cách đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng khoảng 14 hải lý. Cụm đảo Thị Tứ là một trong những cụm đảo đã được Pháp là quốc gia đầu tiên tuyên bố chiếm hữu từ năm 1933. Theo Hancox và Prescott (1995), bãi này nửa nổi nửa chìm. 

Trong đệ trình lên Tòa án trọng tài, Philippines cho rằng bãi Xu Bi là bãi nửa nổi nửa chìm (low-tide elevation), không được hưởng quy chế lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế riêng. Trong phân loại của Robert Beckman và Clive Schofield  cũng không cho bãi Xu Bi là đảo và số liệu cũng không thống nhất để có thể kết luận chắc chắn Xu Bi là đá.
Trạm radar Trung Quốc mới xây ở Đá Xu Bi chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. Nay Xu Bi đang bị Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất để xây thành đảo nhân tạo - Ảnh: Không quân Philippines

Trước khi quá trình xây đảo bắt đầu, theo xác nhận của đại tá Neil Estrella, phát ngôn viên Bộ chỉ huy phía tây của Phillipines, Trung Quốc đã cho xây dựng một bãi đáp trực thăng, một đồn gác nhỏ làm bằng bê-tông để quân đội luân phiên đóng quân, một ụ nổi nhỏ đặt trên cửa biển ra vào để hướng dẫn tàu hải quân tiến vào vũng biển bên trong. 

Đến tháng 5.2012, Trung Quốc cho xây thêm một radar hình vòm đặt trên đỉnh của tòa nhà bốn tầng xây kiên cố tại đây.

Quân đội Philippines đã ghi nhận được có đến 6 tàu nạo vét thềm lục địa của Trung Quốc liên tục luân phiên nhau mở rộng kích thước của hai đảo nhân tạo Vành Khăn và đá Xu Bi. 

Hiện nay, đang có khoảng 4 tàu nạo vét cùng hơn 10 tàu xây dựng các loại đang tiến hành mở rộng khu vực phía tây nam đá Xu Bi. 
Ảnh vệ tinh cận cảnh hoạt động nạo vét và xây đảo nhân tạo trên bãi Xu Bi ngày 6.2.2015. Nguồn ảnh: Victor Robert Lee và Airbus Defense & Space
Truyền thông Trung Quốc khẳng định, kích thước của đá Xu Bi đã nhanh chóng tăng thêm 1,8 km vuông đất, gấp 2 lần đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất của Trường Sa, hiện đang do Đài Loan chiếm đóng phi pháp. Đối chiếu với các ảnh chụp vệ tinh hồi 10.3, đá Xu Bi đã tăng kích cỡ lên gấp 3 lần ban đầu. 

Hồi tháng 1.2015, Hải quân Philippines cũng ghi nhận xuất hiện một tàu đổ bộ hải quân lớp Yuting II tại bãi Xu Bi.

Vành Khăn (Mischief Reef)

Bãi Vành Khăn (tên quốc tế là Mischief Reef) nằm ở tọa độ 9°55’ Bắc, 115°32’ Đông, cách cụm đảo Sinh Tồn khoảng 50 hải lý (92,6 km) về phía đông. Bãi có hình dạng khá tròn, trải dài khoảng 3 hải lý (5,5km) từ bắc xuống nam và khoảng 4,2 hải lý (7,7km) từ Đông sang Tây. Bãi ngập sóng và có một vài mỏm đá nửa chìm nửa nổi.  
Ảnh vệ tinh bãi Vành Khăn ngày 17.2.2015, với một đảo nhân tạo đang được bồi đắp ở vành phía nam của bãi. Nguồn: Victor Robert Lee và Digital Globe.

Trong đệ trình lên Tòa án trọng tài vào tháng 3.2014, Philippines cho rằng Vành Khăn là bãi đá chìm (subermeged bank), không được hưởng lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế riêng.

Vào cuối tháng 1.1995, một thuyền trưởng tàu đánh cá của Philippines đã trình báo với chính quyền Manila, khẳng định mình đã bị tạm giữ suốt một tuần bởi một số người Trung Quốc đang đóng tại bãi Vành Khăn. Thị trưởng của đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng do Philippines chiếm đóng) cũng xác nhận có một số thuyền Trung Quốc xuất hiện ở khu vực.

Đến tháng 2.1995, chính quyền Philippines quyết định gửi một tàu hải quân và một máy bay đến khu vực để xác thực tình hình. Ngày 5.2.1995, Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép bãi đá. 

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Trần Kiện (Chen Jian) đã khẳng định: “Các công trình được Trung Quốc xây trên bãi (Vành Khăn) là để đảm bảo sự an toàn và tính mạng, cũng như hoạt động sản xuất, của các ngư dân đánh cá ở vùng biển quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa)”.
Ảnh vệ tinh cận cảnh đảo nhân tạo và hoạt động bồi đắp, cách đó không xa là công trình nhân tạo đã được Trung Quốc dựng lên hơn 10 năm trước đó - Nguồn: Victor Robert Lee và Digital Globe

Đến ngày 13.5.1995, các quan chức Bộ Quốc phòng Philippines đã tổ chức một tàu hải quân đi khảo sát thực địa tại bãi Vành Khăn với sự tham gia của 38 phóng viên trong nước và quốc tế. Thế nhưng, khi tàu chỉ còn cách Vành Khăn khoảng 10 km, 2 tàu chiến Trung Quốc xuất phát từ Gạc Ma đã tiến đến chặn đường, buộc tàu Philippines phải quay về.

Đến cuối tháng 10.1998, các báo cáo trinh sát của quân đội Philippines đã ghi nhận sự hiện diện của nhiều tàu thuyền Trung Quốc, bao gồm 4 tàu tiếp tế của hải quân, gần bãi Vành Khăn cùng hơn 100 công nhân xây dựng tại khu vực. 

Cho tới cuối năm 2014, các công trình nhân tạo duy nhất tại bãi đá này chỉ gồm một trạm gác, một trạm đánh cá, một đồn quân sự với các tàu chiến và tàu tuần tra biển của Trung Quốc. Các hình ảnh trinh sát chụp tại Vành Khăn hồi tháng 10.2014 không ghi nhận được bất kỳ hoạt động xây đảo nhân tạo nào của Trung Quốc. 
Ảnh vệ tinh đảo nhân tạo của bãi Vành Khăn ngày 17.3.2015 - Nguồn: CSIS/AMTI
Ngày 5.2.2015, chuẩn Đô Đốc Hải quân Philippines ông Alexander Lopez, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy phía tây của quân đội Philippines, khẳng định với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc đã bắt đầu cho tàu nạo vét tạo đảo tại bãi đá Vành Khăn, lo ngại phía Trung Quốc đang chuẩn bị để mở rộng các cơ sở của mình tại khu vực. 
Quá trình nạo vét tạo đảo tại Vành Khăn chỉ bắt đầu từ ngày 14.1.2015. Đến nay, từ một công trình nhân tạo với kích thước 1.909 mét vuông (tính từ tháng 2.2013) đã trở thành một đảo nhân tạo với kích thước tăng lên khoảng 32.062 mét vuông.

Song song với quá trình tạo đảo, các tàu của hải quân Trung Quốc cũng tăng cường tuần tra khu vực. Hồi tháng 1.2015, giới quan sát ghi nhận một tàu chiến lớp Jianghu của Trung Quốc xuất hiện tại bãi Vành Khăn. 
Ảnh vệ tinh đá Vành Khăn tháng 2.2015 - Nguồn:  Victor Robert Lee và Digital Globe

Rommel Banlaoi, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, từng xác nhận vào năm 2013 rằng Vành Khăn đang được Trung Quốc biến đổi thành một căn cứ hải quân cơ động, nhằm gây sức ép và buộc chính quyền Philippines phải rút quân đội của mình khỏi bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) hay theo cách gọi của Philippines là bãi Ayungin. 

Những thông tin nêu trên về tình trạng tự nhiên ban đầu của các thực thể trước khi Trung Quốc chiếm đóng, về hoạt động và quy mô xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, biến các bãi đá hoặc bãi nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo, tức là biến từ không có thành có, có thể thấy rằng các hoạt động của Trung Quốc, so với các hoạt động tôn tạo khác của Việt Nam và các quốc gia khác trên vùng đất đã có sẵn trên đảo nổi tự nhiên, là hoàn toàn khác nhau. 

Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo với quy mô lớn nhằm biến đổi tình trạng pháp lý tự nhiên ban đầu của các thực thể này, phá vỡ thực trạng hiện tại trên Trường Sa, là trái với tinh thần của DOC. 
Các hoạt động nạo vét biển của Trung Quốc trong quá trình xây đảo đã làm thay đổi môi trường biển xung quanh, tàn phá môi trường sống của các nguồn cá . Điều này là trái với luật quốc tế, trong đó đòi hỏi các quốc gia trong thời gian tranh chấp không được có các hành động đơn phương dẫn tới thay đổi môi trường biển vĩnh viễn.  
Ảnh vệ tinh đảo nhân tạo trên bãi Vành Khăn ngày 16.3.2015 cho thấy đảo đã được mở rộng cùng với nhiều công trình mới được xây trên đảo - Nguồn: CSIS/AMTI

Do Biển Đông là biển nửa kín được bao bọc bởi nhiều quốc gia, hoạt động của Trung Quốc cũng trái với điều 123 của UNCLOS, đòi hỏi các quốc gia ven biển có nghĩa vụ hợp tác với nhau bảo vệ môi trường biển.    

Khi đang viết phần kết luận của hồ sơ này, chúng tôi nhận được thông tin về những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy tốc độ mở rộng đảo nhân tạo mạnh mẽ trên bãi Vành Khăn, với những tòa nhà mới được xây, và có sự hiện diện của tàu chiến đổ bộ, có khả năng chứa 500-800 quân, tuần tra quanh đó, cùng với nhiều tàu cuốc khác tích cực tham gia vào quá trình xây đảo. 

Trung Quốc cũng công khai thừa nhận một trong những mục đích để xây đảo là lý do quân sự.  Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động mở rộng đảo nhân tạo, xây các công trình mới và tăng cường năng lực quân sự ở Trường Sa, bất chấp luật pháp quốc tế, tinh thần tuyên bố DOC do Trung Quốc ký kết cũng như phản đối và lo ngại từ cộng đồng quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.