Trung Quốc đưa 'Tư tưởng Tập Cận Bình' vào điều lệ đảng

25/10/2017 08:03 GMT+7

Việc bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc nâng vị thế của nhà lãnh đạo này lên ngang hàng với Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Ngày 24.10, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), hơn 2.300 đại biểu biểu quyết đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới” vào điều lệ đảng. “Tư tưởng này là sự kế thừa và phát triển của Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học”, theo Tân Hoa xã trích nội dung của một nghị quyết được đại hội thông qua. Nghị quyết nhấn mạnh “Tư tưởng Tập Cận Bình” là “thành tựu mới nhất của việc áp dụng Chủ nghĩa Marx cho bối cảnh Trung Quốc”, đồng thời kêu gọi tất cả đảng viên dùng tư tưởng này để đạt được sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động.
Sự kiện trên đánh dấu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành vị lãnh đạo CPC đương nhiệm thứ 2 được ghi tên vào điều lệ đảng, chỉ sau Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trước đó, tên nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng được ghi vào điều lệ đảng, với “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, nhưng học thuyết này chỉ được đưa vào sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997. Trong khi đó, Thuyết Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân và Quan điểm phát triển khoa học của ông Hồ Cẩm Đào cũng được đưa vào điều lệ đảng nhưng không gắn liền với danh tính chủ nhân.
Dự kiến vào sáng nay 25.10, Ban Chấp hành T.Ư CPC khóa 19 tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên và bầu ra các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới. Sau đó, các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ có cuộc ra mắt với báo chí tại Đại lễ đường Nhân dân vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 25.10 (10 giờ 45 phút, giờ VN), theo Tân Hoa xã.
Tại phiên bế mạc đại hội, các đại biểu còn nhất trí đưa vào điều lệ đảng tư duy quân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình và nêu rõ quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội Trung Quốc. Các đại biểu cũng nhất trí đưa công cuộc chống tham nhũng và nội dung sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào điều lệ đảng. Sáng kiến này do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2013 nhằm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi. Bên cạnh đó, các đại biểu thông qua báo cáo chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình đọc tại phiên khai mạc đại hội hôm 18.10. Theo báo cáo, CPC đã vạch ra kế hoạch phát triển gồm 2 giai đoạn 2020 - 2035 và 2035 - 2050 để đưa Trung Quốc lên tầm “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, phồn vinh và tươi đẹp” và trở thành “cường quốc hàng đầu thế giới”.
Dàn lãnh đạo mới
Trong phiên bế mạc hôm qua, đại hội còn bầu 204 ủy viên và 172 ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành T.Ư CPC khóa 19 và 133 ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư (CCDI) khóa mới. Tuy nhiên, trong các bản tin, Tân Hoa xã chỉ liệt kê danh tính một số ủy viên ban chấp hành mới từng góp mặt trong Bộ Chính trị ở khóa 18, gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các vị Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư và Hàn Chính.
Trong khi đó, Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn và Phó chủ tịch nước Lý Nguyên Triều không có trong ban chấp hành khóa mới. Ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, cũng không nằm trong 133 người được bầu vào CCDI, vốn bao gồm ông Triệu Lạc Tế. Điều này có nghĩa ông Vương sẽ không tiếp tục giữ vị trí hiện nay sau khi đại hội kết thúc. Ông Vương được đánh giá là cánh tay mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ năm 2012.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.