Trung Quốc dùng công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ để chế tạo tàu ngầm

14/05/2015 09:50 GMT+7

(TNO) Trung Quốc đã sử dụng trái phép công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ để phát triển tàu ngầm hạt nhân của nước này, vi phạm thỏa thuận hợp tác hai nước ký vào năm 1985, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.

(TNO) Trung Quốc đã sử dụng trái phép công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ để phát triển tàu ngầm hạt nhân của nước này, vi phạm thỏa thuận hợp tác hai nước ký vào năm 1985, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.

Một hạm đội tàu ngầm Trung Quốc - Ảnh: AFP
Một hạm đội tàu ngầm Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trung Quốc còn vi phạm những cam kết quốc tế với Nhóm Nhà cung cấp Hạt nhân khi xuất khẩu các lò phản ứng hạt nhân, trong số đó có dùng công nghệ Mỹ, cho Pakistan, trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 13.5 dẫn báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Những vi phạm của Trung Quốc đã được phơi bày trong phiên điều trần về thỏa thuận hợp tác hạt nhân Mỹ-Trung ký kết vào năm 1985 và sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2015. Thỏa thuận năm 1985 từng bị gián đoạn trong vòng 13 năm do Mỹ lo ngại Trung Quốc bán công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên và Iran. Nhưng thỏa thuận tiếp tục có hiệu lực kể từ khi được thông qua dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định sẽ ký kết thỏa thuận mới với Trung Quốc, được gọi là thỏa thuận 123.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez cho hay, Trung Quốc biến máy bơm làm mát lò phản ứng hạt nhân dân sự do tập đoàn Curtiss-Wright (Mỹ) sản xuất thành máy bơm dùng cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này. Curtiss-Wright cũng sản xuất máy bơm dùng cho tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Ông Thomas Countryman, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh quốc tế, nói rằng những bằng chứng về việc Bắc Kinh dùng công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ trong chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã được đem ra thảo luận chi tiết trong một cuộc họp kín ngày 11.5.
Theo ông Countryman, hành động trên của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận hiện tại và cả dự thảo thỏa thuận 123.
Còn Thượng nghị sĩ Ben Cardin đặt vấn đề liệu Mỹ có nên tiếp tục hợp tác hạt nhân dân sự với Trung Quốc hay không, sau khi thỏa thuận năm 1985 hết hiệu lực. “Nhiều báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu các vật liệu, công nghệ hạt nhân để phục vụ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo ở Iran và Triều Tiên”, ông Cardin cho hay.
Ông Cardin cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lên kế hoạch xuất khẩu những nhà máy điện hạt nhân dựa trên công nghệ mà công ty Westinghouse (Mỹ) cung cấp cho Bắc Kinh.
Đề cập đến việc Trung Quốc bán lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan, ông Cardin cho hay Trung Quốc luôn miệng khẳng định thương vụ này không vi phạm quy định của Nhóm Nhà cung cấp hạt nhân - một cơ quan đa quốc gia chịu trách nhiệm kiểm soát việc xuất vật liệu, công nghệ hạt nhân có nguy cơ bị sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. “Tuy nhiên, Trung Quốc lại lên kế hoạch xuất khẩu những lò phản ứng hạt nhân dựa trên công nghệ Mỹ cho những quốc gia khác”, ông Cardin cho biết thêm.
“Phiên điều trần này cho thấy Trung Quốc vi phạm những cam kết của họ là không được phép dùng công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Mỹ để tạo ra lò phản ứng hạt nhân dùng cho tàu ngầm hạt nhân”, ông Henry Sokolski, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về giải trừ hạt nhân của Mỹ, nhận định.
Ngoài ra, các thượng nghị sĩ Mỹ còn quan ngại về vấn đề tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống máy tính để trộm bí mật công nghệ hạt nhân Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa có bình luận gì về những thông tin kể trên.
Tuy nhiên, trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói Trung Quốc nên sử dụng nhiều hơn công nghệ dân sự để hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quân sự nước này, theo The Washington Free Beacon.
Theo báo cáo thường niên mới công bố của Lầu Năm Góc cho thấy Trung Quốc đang tăng cường xây dựng đội tàu ngầm hạt nhân của nước này.
Quân đội Trung Quốc hiện có 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 4 tàu ngầm được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh đã lên kế hoạch sản xuất thêm 4 tàu ngầm tấn công, ngoài ra có 5 tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân đang được đóng. Số tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân dự kiến sẽ tham gia hoạt động tuần tra trong năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.