Trung Quốc giữa cuộc chiến sống còn

08/09/2021 11:30 GMT+7

Đổ tiền vào các siêu nhà máy sản xuất chip, Trung Quốc liệu sẽ hái quả ngọt hay thất bại trong tham vọng làm chủ công nghệ bán dẫn vốn đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế nước này.

Mới đây, tờ Nikkei Asia dẫn thông tin từ SMIC - Nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đại lục tiết lộ tập đoàn này sắp đầu tư gần 9 tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Thượng Hải. Đây là dự án nhằm cạnh tranh với Tập đoàn TSMC (Đài Loan) trong cuộc chạy đua dẫn đầu ngành sản xuất chip.

Phụ thuộc chưa có lối thoát

Kế hoạch của SMIC có thể xem là bước đi mới nhất của Trung Quốc trong tham vọng làm chủ nguồn cung cấp chip.

Thời gian qua, chiến lược trở thành cường quốc công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức cơ bản nhưng mang ý nghĩa sống còn: Quốc gia này không kiểm soát được công nghệ bán dẫn vốn là nền tảng tiên quyết cho mọi thứ công nghệ hiện đại, từ thiết bị gia dụng, điện thoại thông minh cho tới ô tô tự hành. Bắc Kinh từ nhiều chục năm qua đã cố gắng tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương Tây trong lĩnh vực bán dẫn. Nếu không thành công và vẫn tiếp tục phụ thuộc, tương lai của Trung Quốc trong cuộc chạy đua về công nghệ sẽ trở nên mù mịt. 

Theo tờ South China Morning Post dẫn số liệu thống kê cung cấp bởi Cục thống kê quốc gia (NBS), sản lượng vi mạch tích hợp (IC) và robot công nghiệp của Trung Quốc năm 2020 đã tăng 16,2% so với năm trước.

Tham vọng dẫn đầu về công nghệ yêu cầu Trung Quốc phải tự chủ về chip bán dẫn

Ảnh: Reuters

Thế nhưng, Bắc Kinh chưa thể tự lực về nguồn chip. Theo Bloomberg, riêng năm 2020, Trung Quốc đã chi 350 tỉ USD để mua chip phục vụ cho những ngành công nghiệp sản xuất khác. Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đại lục vẫn phải lệ thuộc vào nguồn chip tiên tiến thuộc về các công ty như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) hay TSMC (Đài Loan).

Bài toán mà Bắc Kinh phải đối mặt đã trở nên khắc nghiệt hơn từ năm 2020, sau khi hàng loạt những công ty công nghệ tại nước này bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Trong số đó có cả SMIC vốn đã được chính phủ hỗ trợ trong nhiều dự án trước đây.

Theo tờ Nikkei Asia, Giám đốc điều hành SMIC Triệu Hải Quân từng thừa nhận rằng kể từ khi tập đoàn này bị đưa vào danh sách đen của Mỹ hồi tháng 9.2020, SMIC không còn tiếp cận được các trang thiết bị sản xuất bán dẫn thế hệ mới của Mỹ. Hậu quả là không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, mà việc phát triển công nghệ mới của SMIC cũng bị ảnh hưởng.

Khó càng thêm khó

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu, càng khiến cho nhiều ngành của Trung Quốc gặp thêm nhiều khó khăn. Giữa tình thế như vậy, các công ty sản xuất chip tại Trung Quốc buộc phải tìm cách mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng được nhu cầu đang tăng liên tục của thị trường.

Điều đó được thể hiện qua việc SMIC đầu tư nhà máy sản xuất chip trị giá gần 9 tỉ USD tại Thượng Hải như đã nói ở trên. Hồi tháng 3, tập đoàn này cũng đã công bố dự án nhà máy chip trị giá 2,35 tỉ USD từ nguồn tài chính của chính quyền thành phố Thâm Quyến.

Các nhà máy của SMIC sẽ sản xuất những con chip trên tiến trình 28 nm vốn đã cũ, nhưng vẫn được sử dụng trên nhiều sản phẩm, từ các bo mạch điều khiển đồ gia dụng, cho tới cảm biến hình ảnh, chip kết nối wifi…

Trong ngắn hạn, nó sẽ giúp Trung Quốc phần nào giải quyết được cơn khát chip của nhiều ngành công nghiệp nội địa. Mặt khác, SMIC sẽ có thêm năng lực để cạnh tranh trên thị trường sản xuất bán dẫn trên thế giới hiện do TSMC dẫn đầu.

Núi tiền có “mua” được công nghệ lõi?

Trong khi đó, việc nâng cao sản lượng chip sản xuất nội địa chỉ giải quyết được một phần nhỏ của vấn đề. Trước hết đây đều là thế hệ chip cũ, sử dụng cho các mục đích phổ thông. Những thiết bị ngày càng thông minh như điện thoại di động thông minh, ô tô tự hành... đòi hỏi phải có những con chip tiên tiến với nhiều ưu điểm về tốc độ xử lý, tiết kiệm năng lượng và bảo mật hơn.

Đến nay, tiến trình chip hiện đại nhất đã được thương mại hóa là 5nm. Công nghệ thiết kế những con chip này cùng với vật liệu tiên tiến, thiết bị sản xuất quan trọng hiện tại vẫn nằm trong tay Mỹ và các đồng minh như TSMC, Samsung, Intel...

Trước đây Trung Quốc từng có những công ty manh nha góp mặt vào danh sách sản xuất chip công nghệ cao như Huawei, HiSilicon... Tuy nhiên, việc các công ty này bị Washington cấm vận đã chặn đường tiếp cận vừa nêu của Bắc Kinh.

Giữa bối cảnh như vậy, Bắc Kinh phải tự lực công nghệ sản xuất chip và một trong các đích đến có thể là làm chủ công nghệ chip thế hệ thứ 3. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đây vẫn là một con đường cực kỳ khó khăn với các giới hạn công nghệ hiện tại, đặc biệt là trong tình thế bị giới hạn tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Hơn nữa, các quốc gia phương Tây cũng nhận thấy điều đó và đang nỗ lực nghiên cứu với những tiềm lực có ưu thế hơn so với Trung Quốc.

Huawei đã bị cản bước trong tham vọng làm chủ công nghệ sản xuất chip

Ảnh: Reuters

Ngoài ra, các căng thẳng trong quan hệ quốc tế còn khiến các công ty Trung Quốc đại lục bị giới hạn về năng lực cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài. Điển hình, trong khi các công ty Trung Quốc hiện chỉ phục vụ thị trường nội địa, các công ty bán dẫn đối thủ được tiếp cận tới một thị trường rộng lớn hơn, có thêm nhiều nguồn lực để nhanh chóng tiếp tục phát triển công nghệ tiên tiến nhằm tạo lợi thế.

Mới đây, Bloomberg đưa tin chính quyền Đài Loan xem xét cấm các chuyên gia về công nghệ của vùng lãnh thổ này đến Trung Quốc đại lục. Đây là động thái có thể gây tổn thất nghiêm trọng về nguồn nhân lực cao cấp đối với ngành sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc đại lục.

Bởi thực tế thì nguồn nhân lực trình độ cao, điều kiện nghiên cứu phát triển là các khó khăn lớn đối với Trung Quốc. Chính vì thế, dù đầu tư nhiều tiền, nhưng Trung Quốc cần giải quyết rất nhiều thách thức để phát triển vị thế trong ngành sản xuất chip.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.