Weekly Dong-A dẫn lời các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho rằng các quan chức cấp cao Trung Quốc đã đến thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong hai ngày 10-11.6, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 6.8 dẫn lại Weekly Dong-A.
Các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận đạt được giữa Bộ trưởng Hàn Quốc và Philippines hồi 30.5, theo đó Seoul cung cấp một tàu đổ bộ và 16 tàu cao tốc cho Manila, theo nguồn tin nói trên.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Hàn Quốc sẽ cung cấp một tàu hộ tống nhỏ cho Hải quân Philippines vào cuối năm nay.
Nguồn tin cho rằng các quan chức Trung Quốc đề nghị Hàn Quốc không cung cấp các tàu chiến cho Philippines.
Philippines, được cho là có quân đội thuộc hàng yếu ớt nhất khu vực, liên tục nâng cấp năng lực quốc phòng trong những năm gần đây.
Manila cũng tăng cường hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc vào tháng 3.2014, khi đó nước này ký kết thỏa thuận mua 12 chiến đấu cơ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất, trị giá khoảng 421,12 triệu USD.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Philippines trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Ông Clinton nói Manila quá yếu ớt để một mình chống chọi với Bắc Kinh.
Ông Clinton cho rằng Trung Quốc và tất cả các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông nên giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại đa phương.
Tuy nhiên, Bắc Kinh trong những tháng gần đây liên tục có những động thái làm gia tăng căng thẳng nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông, theo AFP.
Vào ngày 4.8, Philippines cho biết nước này đang nhận được sự ủng hộ từ Việt Nam, Indonesia và Brunei về "kế hoạch ba hành động" mà Manila đề xuất nhằm xoa dịu căng thẳng trên biển Đông.
Philippines dự kiến sẽ trình bày kế hoạch nói trên tại hội nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Myanmar trong tuần này, theo AFP. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đã có những tuyên bố chủ quyền “nuốt trọn” gần cả biển Đông.
"Kế hoạch ba hành động" của Manila, bao gồm các biện pháp "ngay lập tức", "trung gian" và "cuối cùng" nhằm mục đích kêu gọi tạm ngừng những hành động làm leo thang căng thẳng và triển khai một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Cũng theo kế hoạch này, Philippines kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002, đồng thời đưa ra các cơ chế dựa vào luật quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN sẽ bao gồm các buổi hội đàm giữa các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra còn có một cuộc đối thoại an ninh khu vực với sự tham dự của lãnh đạo 27 quốc gia, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Úc, theo AFP.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc rằng cuộc họp ASEAN trong tuần này sẽ là “một cuộc chiến cam go” cho các nhà ngoại giao Trung Quốc vì họ phải đối mặt với áp lực từ Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Mỹ liên quan đến vấn đề biển Đông.
Phúc Duy
>> Hàn Quốc cung cấp tàu chiến cho Philippines
>> Quân đội Việt Nam, Philippines giao lưu thể thao tại Trường Sa
>> Philippines: Trung Quốc tiếp tục khiêu khích để thực hiện kế hoạch bành trướng biển Đông
>> Philippines nghi Trung Quốc tiếp tục hoạt động phi pháp ở Trường Sa
>> Tự mình ‘thao túng’ ASEAN, Trung Quốc đi đổ vấy cho Việt Nam-Philippines
>> Bắc Kinh sẽ phớt lờ bất chấp tòa quốc tế yêu cầu trả lời vụ kiện của Philippines
>> Nhật sẽ 'hỗ trợ hết mình' Việt Nam, Philippines bảo vệ lãnh hải và không phận
Bình luận (0)