Trung Quốc ngang ngược nhằm độc chiếm Biển Đông

19/04/2020 08:00 GMT+7

Hôm qua (18.4), truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính phủ nước này vừa phê chuẩn cái gọi là thành phố Tam Sa lập hai huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc thành lập H.Tây Sa và H.Nam Sa. Lâu nay, Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tây Sa, Trường Sa là Nam Sa. Theo trách nhiệm hành chính do Trung Quốc vừa tự đặt ra, H.Tây Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh.
Chính quyền của “H.Tây Sa” đặt ở đảo Phú Lâm. Còn H.Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh. Chính quyền H.Nam Sa được Trung Quốc đặt ở đá Chữ Thập của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Tăng cường kiểm soát thực tế

Trả lời Thanh Niên vào ngày 18.4 về động thái trên của Bắc Kinh, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng: “Trung Quốc đang muốn tăng cường kiểm soát thực tế ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng bắt nạt trên Biển Đông

* Máy bay trinh sát Mỹ hoạt động ở Biển Đông

Bình luận về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 08 của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18.4 bày tỏ lo ngại về thông tin này và cho rằng Trung Quốc đang lặp lại hành động khiêu khích nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước tranh chấp tại vùng biển này, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc nên “ngừng hành vi bắt nạt” và tránh thực hiện “hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”, đồng thời cáo buộc hành động của Bắc Kinh gây đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực.
Cùng ngày 18.4, qua mạng xã hội Twitter, chuyên trang theo dõi hoạt động của máy bay quân sự Aircraft Spots thông báo máy bay chống tàu ngầm, tuần tra biển P-3C thuộc hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Trước đó một ngày, Aircraft Spots cũng thông tin máy bay trinh sát RC-135U Combat Sent của không quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông, gần không phận phía nam của Đài Loan.
Nhà phân tích Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng Đài Loan nhận định đường bay của RC-135U từ khu vực gần eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines, đến Biển Đông cho thấy máy bay này theo dõi hoạt động bất thường của quân đội Trung Quốc trong khu vực.
Bảo Vinh - Văn Khoa
“Trước khi xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành các đảo nhân tạo, đặc biệt ở Trường Sa, Trung Quốc chỉ có một trung tâm hành chính đặt ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Như thế, với Bắc Kinh là khó khăn khi một trung tâm hành chính kiểm soát cả một khu vực rộng lớn với 2 nhóm đảo riêng biệt (Hoàng Sa và Trường Sa). Từ năm 2014, các đảo nhân tạo với hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hình thành, thì Bắc Kinh sẽ tiến thêm bước tiếp theo là mở rộng hệ thống quản lý hành chính, phân chia thành các nhóm quản lý”, ông Collin Koh nhận định và phân tích thêm: “Động thái này cũng thể hiện việc Trung Quốc bất chấp việc Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) vào năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông. Không những thế, động thái này còn ẩn chứa dấu hiệu Trung Quốc sẽ xây dựng hạ tầng và quân sự hóa quần đảo Trường Sa nhiều hơn. Đây có thể là một phần trong kế hoạch dài hạn kể từ khi cái gọi là “TP.Tam Sa” được thành lập vào năm 2012”.
“Hiện nay, khi các nước tập trung ứng phó đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội để tiến hành động thái trên. Đồng thời, động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nên Bắc Kinh đang muốn tạo thêm lợi thế sẵn có, mà hiệu quả phản ứng của ASEAN thì có lẽ không đủ mạnh mẽ”, TS Collin Koh đánh giá.

Tự tạo bằng chứng

Cùng ngày 18.4, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: Việc thành lập 2 huyện trên là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tự tạo ra “bằng chứng” về quyền kiểm soát hành chính đối với Biển Đông.
“Lâu nay, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông bị bác bỏ bởi một phần là Trung Quốc không hề có bằng chứng về hệ thống quản lý hành chính đối với các vùng biển mà nước này đặt ra yêu sách. Thông qua việc thành lập H.Tây Sa và H.Nam Sa, Trung Quốc đang tìm cách tự đặt ra cái gọi là “bằng chứng” về mặt kiểm soát hành chính để củng cố hồ sơ pháp lý”, ông Nagy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.