Trung Quốc sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

14/11/2016 11:00 GMT+7

Chiến thắng của ông Donald Trump dường như là thiệt hại cho Trung Quốc. Song liệu thực tế có phải thế? Bài viết của nhà báo hãng tin Bloomberg Michael Schuman sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ gợi ý câu trả lời giúp bạn.

Chiến thắng lớn của ông Donald Trump có thể là thiệt hại to dành cho Trung Quốc. Sau khi dành phần lớn chiến dịch vận động tranh cử để gọi Trung Quốc là lừa đảo, cướp việc làm của Mỹ, việc ông Trump đắc cử tổng thống gần như chắc chắn đồng nghĩa với chuyện Washington sẽ cứng rắn hơn nhiều trước vấn đề thương mại, tiền tệ và những vấn đề kinh tế gây tranh cãi khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể sẽ chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì sự bùng phát chủ nghĩa dân tộc mà ông ấy gợi mở cuối cùng phục vụ lợi ích kinh tế Trung Quốc, không phải Mỹ.
Hẳn nhiên ông Trump sẽ gây ra một số xáo trộn trong ngắn hạn. Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Mỹ đến nay là quan trọng nhất vì Đại lục cần khách Mỹ mua hàng xuất khẩu, cần đầu tư và công nghệ Mỹ để nâng cấp ngành công nghiệp. Những gì ông Trump đã đe dọa, gồm chuyện tăng thuế, tái đàm phán hiệp định thương mại và gán cho Trung Quốc cái danh “thao túng tiền tệ”, có thể là đòn giáng mạnh vào tăng trưởng của quốc gia châu Á khi nước này chật vật với núi nợ, chuyện dư thừa công suất và xuất khẩu trì trệ.

tin liên quan

Nước nào chiến thắng khi Mỹ thụt lùi?
Bài viết dưới đây là nhận định của Giáo sư Eswar Prasad thuộc trường Dyson ở Đại học Cornell. Ông là hội viên thâm niên tại Viện Brookings và là tác giả quyển sách Đồng tiền thắng cuộc: Sự nổi lên của nhân dân tệ.
Dù vậy, các chính sách của ông Donald Trump cuối cùng sẽ tốt cho lợi ích Đại lục, vì trên thực tế, một Trung Quốc mà ông gán mác “đánh cắp” công ăn việc làm với nhiều động thái thiếu công bằng và lao động giá rẻ chẳng còn tồn tại. Trung Quốc ngày nay không còn quan tâm đến dây chuyền may quần jean hay lắp ráp iPhone. Với giá cả leo cao, Trung Quốc đang mất nhiều việc làm đến các nước đang phát triển khác, và đến Mỹ.
Trung Quốc mới này có mục tiêu lớn hơn, mạnh mẽ hơn - điều mà dường như ông Trump không hiểu. Thay vì đứng ở vị trí công xưởng thế giới, tung ra những mặt hàng giá rẻ cho Wal-Mart Store, Trung Quốc có ý định tạo ra những nhà vô địch quốc gia để cạnh tranh, thậm chí thay thế Mỹ. Giới lãnh đạo Đại lục muốn khách hàng Mỹ mua smartphone Trung Quốc chạy bằng hệ điều hành Trung Quốc, thay vì khách hàng Trung Quốc mua sản phẩm của Apple.
Chính phủ quốc gia Đông Á hỗ trợ kế hoạch trên bằng các khoản trợ cấp và những biện pháp hậu thuẫn khác cho giới doanh nghiệp Đại lục đang phát triển công nghệ, sản phẩm mới, từ xe điện đến chất bán dẫn. Chiến lược công nghiệp quốc gia có tên “Made in China 2025” được thiết kế để thúc đẩy sản xuất tàu công nghệ cao, thiết bị y tế, người máy và nhiều thiết bị tiên tiến khác. Chính quyền địa phương chi tiền cho các doanh nghiệp vừa chớm nở.
Người nước ngoài không được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp quốc tế cho rằng chính phủ và môi trường kinh doanh Trung Quốc đang trở nên ít thân thiện hơn. Họ than phiền về nhiều vụ điều tra quy định bí ẩn, tệ quan liêu và rào cản đầu tư cản trở doanh nghiệp. Chính sách của ông Trump sẽ cho Trung Quốc cái cớ để củng cố các biện pháp này.
Thị trường Đại lục trở nên quan trọng với các doanh nghiệp Mỹ, từ Starbucks cho đến Boeing. Nếu Đại lục đóng cửa thêm thị trường nội địa vốn có người tiêu dùng ngày càng giàu và đang phát triển, doanh thu cùng lợi nhuận công ty Mỹ sẽ giảm, số lượng công ăn việc làm mà các doanh nghiệp này tạo ra ở quê nhà cũng đi xuống.

tin liên quan

Kinh tế Mỹ - Trung Quốc: 10 năm tới ai hơn ai?
Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Liệu điều này có khả thi trong một thập kỷ tới hay không? Bài viết này sẽ cho bạn lời giải. 
Quan điểm chống thương mại của Trung Quốc cũng cho phép Đại lục mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của mình ở châu Á. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng chết với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Cùng với nó, cơ hội củng cố sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á quan trọng về mặt kinh tế, chuyện tăng áp lực buộc Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn thương mại do Mỹ thiết kế cũng chết. Việc này mở đường cho Trung Quốc thúc đẩy các hiệp định thương mại toàn châu Á của chính họ. Như nhà kinh tế trưởng châu Á Mark Williams của hãng nghiên cứu Capital Economics viết trong báo cáo ngày 9.11: “Nếu Mỹ bớt tương tác với châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội định hình hội nhập chính trị, kinh tế khu vực theo cách riêng của nước này”.
Công bằng mà nói, ông Trump có lý do chính đáng để khắt khe với Trung Quốc. Sự tiến bộ của Đại lục trong lời hứa cải cách “mở cửa” không đáng kể. Vấn đề trong cách tiếp cận của ông Trump là ông đang chiến đấu với cuộc chiến của ngày hôm qua, với các ngành công nghiệp và việc làm của ngày hôm qua trong khi hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và việc làm của ngày hôm nay ở Trung Quốc. Thay vì đưa Trung Quốc đi xuống, ông sẽ giúp nước này cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
Ông Donald Trump từng nói giới lãnh đạo Trung Quốc thông minh hơn Mỹ. Về điểm này, ông ấy đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.