Trung Quốc thách thức Mỹ bằng chiến lược quân sự hướng ra biển

31/05/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc mới công bố gần đây cho thấy nước này đang hướng chiến lược quân sự của mình ra đại dương và tập trung vào sức mạnh hải quân. Điều này có thể là một sự thách thức đối với các nước láng giềng và thách thức Mỹ, nước đang xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương.

(TNO) Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc mới công bố gần đây cho thấy nước này đang hướng chiến lược quân sự của mình ra đại dương và tập trung vào sức mạnh hải quân. Điều này có thể là một sự thách thức đối với các nước láng giềng và thách thức Mỹ, quốc gia đang xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến lược hướng ra biển của Trung Quốc

Một bức không ảnh chụp hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn vào ngày 11.5 - Ảnh: Reuters

Văn phòng thông tin chính phủ Trung Quốc hôm 26.5 công bố sách trắng quốc phòng có tựa Chiến lược quân sự Trung Quốc, cho thấy chiến lược quân sự và những thay đổi trong tư duy quốc phòng của nước này.
Một trong những điểm đáng chú ý trong chiến lược quân sự mới là yêu cầu chuyển hướng tư duy về biển và đất liền. Nếu như trước đây, Trung Quốc coi trọng phát triển lục quân và tiềm lực trên đất liền hơn, thì chiến lược mới đòi hỏi loại bỏ tư duy đó, theo Wall Street Journal ngày 29.5.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý và bảo vệ lợi ích trên biển. Chiến lược này được cụ thể hóa qua những động thái trong những năm gần đây khi Trung Quốc liên tục đầu tư ngày càng nhiều cho lực lượng hải quân và gia tăng các hành động khó lường trên biển.
Thêm vào đó, Trung Quốc đã khẳng định trong chính sách quân sự của mình rằng, với chiến lược “chủ động phòng vệ”, hải quân nước này sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào “bảo vệ vùng biển xa” so với “bảo vệ vùng biển gần bờ”.
Theo Wall Street Journal, báo cáo mới đây của Cục tình báo Hải quân Mỹ cho thấy Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2014 đã hạ thủy nhiều tàu hơn bất cứ quốc gia nào. Đồng thời, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng 10%, và số đó được chi rất nhiều cho việc hiện đại hóa toàn diện về hải quân.
Tình báo Hải quân Mỹ dự đoán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ triển khai khoảng 78 tàu ngầm và hơn 170 chiến hạm lớn, hầu hết đều được trang bị rất hiện đại.
Về các hoạt động trên biển, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” tuyên bố chủ quyền phi pháp hầu hết Biển Đông. Không chỉ vậy, nước này còn tiến hành cải tạo, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam với tốc độ và quy mô khó lường.
Mới đây, ngày 29.5, phía Mỹ còn cho biết Trung Quốc đã bố trí pháo trên một trong các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp, khiến các nước thêm lo ngại về nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa các đảo đó.
Trung Quốc thách thức Mỹ?

Tàu ngầm và tàu chiến của Trung Quốc trong một cuộc tập trận hải quân - Ảnh: Reuters

Chiến lược quân sự mới của Trung Quốc được nhận định là đang thách thức Mỹ.
Trung Quốc cho rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương là đáng lo ngại. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc có đoạn: “Một số quốc gia bên ngoài nỗ lực can thiệp vào vấn đề Biển Đông; một vài nước vẫn còn duy trì hoạt động trinh sát trên không và trên biển chống lại Trung Quốc”, ám chỉ việc Mỹ điều máy bay quân sự tuần tra gần đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Mặc dù không có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Mỹ luôn nhấn mạnh lợi ích an ninh và tự do hàng hải ở khu vực này. Theo đó, những hành động của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến những lợi ích hàng hải mà Mỹ muốn bảo vệ.
Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Barack Obama những năm gần đây đã đẩy mạnh chính sách xoay trục, hay tái cân bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ triển khai 50% số tàu của mình tại Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực, theo Wall Street Journal.
Trước những động thái từ phía Trung Quốc, Mỹ cũng thẳng thừng tuyên bố lập trường của mình. Trước hết, Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động xây cất nhân tạo, phản đối việc quân sự hóa trên biển; khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần thám và triển khai tàu tuần tra ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc là họ đã đi quá xa các thông lệ và giao ước quốc tế, khiến các nước khác đã xích lại gần nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 28.5 ngày khẳng định Mỹ sẽ can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục là lực lượng an ninh chủ đạo của khu vực trong nhiều thập niên tới. Tiếp đó, tại Đối thoại Shangri-La ngày 30.5, ông Carter tiếp tục nhấn mạnh chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và nói thẳng rằng việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông đang làm hủy hoại an ninh khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.