Theo số liệu tính toán của Ủy ban Thống kê quốc gia, GDP của Trung Quốc trong năm 2008 đã đạt 31.405 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4.600 tỉ USD). Trong khi đó, GDP năm 2007 là 30.067 tỉ nhân dân tệ, và GDP cùng kỳ của nền kinh tế xứ mặt trời mọc cũng chỉ vào khoảng 4.900 tỉ USD (theo dự báo của Ngân hàng thế giới - WB).
Theo dự báo của các quan chức Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2009 có thể cao hơn 8% và thậm chí có thể vượt qua Nhật Bản trong năm tiếp theo (dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF). Các đánh giá trong năm 2009 cho thấy không có yếu tố nào ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc.
Bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế lan rộng toàn cầu, trong 3 quý đầu năm 2009, kinh tế Trung Quốc đã lần lượt tăng trưởng dương 6,1%, 7,9% và 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là nhờ vào các gói kích thích kinh tế và việc nới lỏng các chính sách tiền tệ của chính phủ.
Một loạt chính sách mà chính phủ Trung Quốc thi hành trong thời gian qua đã giúp nước này thu hút thêm nhiều đầu tư. Trong tháng 11 vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng tới 32% so với cùng kỳ năm 2008, lên mức 7 tỉ USD. Hãng sản xuất xe hơi hạng sang Bayerische Motoren Werke AG mới đây cũng cho biết sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỉ nhân dân tệ tại Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý định sẽ kéo dài phương thức hỗ trợ này sang năm 2010 để duy trì và củng cố đà tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Nhật Bản lại vừa nhận thêm một thông tin đáng buồn nữa là tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11.2009 đã tăng lên 5,2%, cao hơn mức 5,1% trong tháng 10. Dù sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Nhật Bản trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc nhưng dường như vẫn chưa đủ để kéo kinh tế của nước này thoát khỏi đại suy thoái.
Những gói kích thích kinh tế tương tự Trung Quốc cũng đã được Nhật Bản áp dụng nhằm nhanh chóng đưa kinh tế quốc gia vượt qua thời kỳ khó khăn, nhưng dường như chưa phát huy tác dụng nhiều.
Ngành bán lẻ tại Nhật lại giảm tới 11,8% trong năm tài khóa 2008 (kết thúc vào tháng 3.2009). Một báo cáo khác cho thấy giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 11 vừa qua tiếp tục giảm tháng thứ 9. Giá hàng hóa nói chung hiện thấp hơn 1,7% so với 1 năm trước, nhưng mức tiêu dùng của người dân trong thời gian này cũng chỉ tăng 2,2%.
Người dân thắt chặt ngân sách của mình là do tình trạng cắt giảm việc làm, cắt giảm lương và lo ngại nguy cơ giảm phát sau suy thoái. Trong tháng 12 này, chính quyền của Thủ tướng Yukio Hatoyama sẽ lại chi thêm 600 tỉ yen trong gói 7.200 tỉ yen nhằm hỗ trợ thị trường lao động trong nước.
Thời gian qua, đồng yen Nhật có thời gian mạnh lên khá nhiều so với USD, điều này đã gây bất lợi cho lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản. Cũng giống như Trung Quốc, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BofJ) sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất gần 0 đối với đồng yen thêm một thời gian nữa, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, theo đúng nguyện vọng của giới đầu tư Nhật Bản.
Duy Trần
(Tổng hợp theo Bloomberg)
Bình luận (0)