Trung Quốc với chiến lược vươn ra toàn cầu - Kỳ 1: "Cỗ máy tiêu thụ tài nguyên"

14/06/2009 23:56 GMT+7

Trung Quốc đang rất cần tài nguyên để cung cấp đủ số lượng cần thiết cho sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, nếu tính về sức mua tương đương (PPP), nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) với GDP 7.800 tỉ USD vào năm 2008. Nếu xét về phương diện tỷ giá hối đoái, kinh tế nước này đứng hàng thứ 3 (sau Mỹ và Nhật Bản) với GDP danh nghĩa là 4.400 USD cũng vào năm 2008.

Hiện quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp 70 lần so với thời điểm bắt đầu công cuộc cải cách vào năm 1978. Trong vòng 25 năm, nước này luôn duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trước khi giảm xuống do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo tờ The Economist, Trung Quốc đang ngốn nhiều nguyên vật liệu hơn bao giờ hết, không chỉ vì nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh mà còn do sự tăng trưởng này dựa vào các ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên. Động lực cho sự tăng trưởng nhanh suốt một thời gian dài của Trung Quốc chủ yếu nhờ vào 2 lĩnh vực chính: nông nghiệp và công nghiệp, chiếm hơn 70% lực lượng lao động và hơn 60% GDP. Kể từ năm 2002, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, sử dụng đến 4/5 lượng tăng cung của nguyên liệu này trên toàn cầu. Hiện Trung Quốc cũng là một trong những nơi tiêu thụ nhôm, kẽm và niken lớn nhất.

 
Dòng chảy benzene dài 80 km tiến vào thành phố Cáp Nhĩ Tân - Ảnh Reuters

Cũng trong năm 2002, Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các nước tiêu thụ cao su và nhu cầu này ước tính sẽ đạt 11,5 triệu tấn mỗi năm sau năm 2020, chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu.

Hiện có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các ngành công nghiệp nhẹ sang các ngành công nghiệp nặng. Do đó, Trung Quốc phải sử dụng nhiều nguyên liệu thô hơn cho mỗi sản phẩm làm ra, đồng thời việc tạo sản phẩm càng hao tốn nhiên liệu hơn. Cụ thể, ngành sản xuất thép đã sử dụng đến 16% năng lượng của Trung Quốc so với 10% năng lượng sử dụng cho toàn bộ hộ gia đình.

Tổ chức Năng lượng thế giới dự đoán nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 vào năm 2030 so với hiện nay.

Những hệ lụy

Thực tế đã chứng minh tiến trình cải cách và mở cửa suốt 3 thập niên bắt đầu từ năm 1978 đã biến Trung Quốc từ con số 0 thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tất nhiên, chuyện gì cũng có cái giá của nó. Quá chú trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế trong ngắn hạn, không quan tâm đến chiến lược phát triển bền vững nên Trung Quốc đã bỏ qua các yếu tố quan trọng như bảo vệ môi trường, đời sống dân thường cũng như bảo đảm điều kiện về an toàn lao động, gây ra nhiều thảm cảnh cho thiên nhiên và con người.

Cùng với sự mọc lên hàng loạt của các nhà máy thép và nhà máy hóa chất là các hậu quả nặng nề đối với môi trường, như mưa a-xít, nguồn nước ô nhiễm, và cuối cùng con người phải gánh chịu, đó là chưa kể đến các tác động góp phần làm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đơn cử là sự kiện 100 tấn  benzene đổ xuống sông Tùng Hoa tại tỉnh Cát Lâm vào tháng 11.2005 gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân phải cắt nước sinh hoạt của 3,8 triệu dân trong suốt 5 ngày, theo báo China Daily. Tờ The Economist dẫn lời Thứ trưởng Phan Nhạc của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc vào năm 2006 ước tính cái giá mà nước này phải trả cho ô nhiễm mỗi năm vượt hơn 200 tỉ USD.

Cũng theo The Economist, tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đã và đang gây ra những hệ lụy kinh khủng đối với người dân nước này: hàng triệu người mắc bệnh mỗi năm, hàng trăm ngàn ca trẻ em chết yểu hoặc sinh ra bị dị dạng, sự xuất hiện ngày càng nhiều các "ngôi làng ung thư".

Nhà báo Đặng Phi và blogger nổi tiếng của Trung Quốc Doubleaf Trần đã lập một bản đồ trên Google ghi chính xác địa điểm và số người chết tại các làng ung thư của nước này. Tất cả dữ liệu đều dựa trên các bản tin hoặc bài báo của giới truyền thông trong và ngoài nước từng thông tin về từng vụ việc. Đó là chưa kể những ca tử vong tại các khu hầm mỏ không bảo đảm an toàn về lao động.

Báo China Daily dẫn thống kê của Cơ quan An toàn lao động Trung Quốc cho hay từ năm 2001 đến 2004, trung bình cứ 7,4 ngày thì có một công nhân mỏ thiệt mạng. Tai nạn hầm mỏ đã giết chết 5.986 người vào năm 2005. Và 4.749 thợ mỏ chết trong lúc lao động vào năm 2006.

Đứng trước các hậu quả kinh khủng có thể gây bất ổn xã hội, Trung Quốc buộc phải đóng cửa một số khu mỏ gây nguy hiểm cho người lao động và cho cộng đồng. Mỗi năm Trung Quốc đóng cửa trên 1.000 mỏ than, đồng thời luật mới quy định bất cử mỏ than nào không đảm bảo an toàn về khí mê-tan sẽ phải đóng cửa vào năm 2010. Theo trang tin China Coal Resource, chính quyền Bắc Kinh dự định sẽ giảm số lượng các mỏ than nhỏ từ con số 14.000 xuống dưới 10.000 vào tháng 10.2010. Trong khi đó, theo tuần san Mining Journal dẫn lời giới phân tích, khoảng phân nửa mỏ quặng sắt của Trung Quốc đã phải đóng cửa.

Báo Telegraph cũng dẫn dự đoán của các chuyên gia cho hay với tốc độ khai thác và sử dụng dầu mỏ tại Trung Quốc, nước này sẽ cạn sạch dầu trong 20 năm nữa. Còn hãng tin BBC hôm 5.6.2009 dẫn các thông tin chưa được kiểm chứng cho thấy Trung Quốc đã dừng hoạt động hàng trăm mỏ bauxite trong nước do tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người.

Trong nỗ lực cố gắng sử dụng cải tạo môi trường trong nước, Trung Quốc đã chọn cách tìm kiếm các nguồn tài nguyên ngoài nước để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế. Từ năm 2004, chiến lược "Vươn ra toàn cầu" đã được tính toán cụ thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tài nguyên thiên thiên, đồng thời giảm tải cho môi trường Trung Quốc.

Một số ngôi làng ung thư tại Trung Quốc

- Làng Dương Kiều, huyện Phụ Ninh, thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô: 20 người thiệt mạng vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi và thực quản, từ năm 2001 - 2004 do các nhà máy hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. (Trích Thời báo Giang Nam)

- Làng Đông Tiến, huyện Phụ Ninh, thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô: 100 người chết từ 2001 - 2006 (ung thư phổi, thực quản) do ô nhiễm nặng từ nhà máy hóa chất. (Báo Thương mại TQ)

- Làng Quan Sơn Kiều, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây: 6 lò vôi thải tro than đá suốt năm, làm giảm sản lượng nông nghiệp. Ít nhất 10 người trong ngôi làng có 60 hộ gia đình đã chết vì ung thư. (Nhân dân Nhật báo)

- Làng Đình Giang, thị xã Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên: Tính đến năm 2008, số người chết vì ung thư tăng từ 50 lên 60. (Thời báo Kinh tế TQ)

- Làng Hoàng Mạnh Doanh, huyện Thẩm Khâu, tỉnh Hồ Nam: Từ năm 1990 - 2004, hơn 100 người chết vì ung thư, chiếm gần 50% số tử vong. Tính toàn bộ huyện Thẩm Khâu, 21 làng bị ô nhiễm nguồn nước rất nặng. (Tin tức buổi chiều Tây An)

- Làng Thượng Bá, thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông: Từ năm 1987 - 2007, hơn 250 người chết vì ung thư tại ngôi làng khoảng 3.000 người này. (BBC, Báo Pháp luật TQ)

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.