Trung Quốc xây trạm nghiên cứu sâu 3.000 m dưới Biển Đông để làm gì?

09/06/2016 20:22 GMT+7

Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu sâu 3.000 m dưới Biển Đông , nhắm tới việc khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở đây và có thể cả chặn hệ thống liên lạc qua cáp ngầm của nước khác.

Tham vọng kể trên được Trung Quốc xác định là ưu tiên thứ 2 trong số 100 ưu tiên về khoa học và công nghệ của nước này trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc.
Bloomberg ngày 8.6 đưa tin, theo một báo cáo gần đây của Bộ Khoa học Trung Quốc thì chính quyền nước này đã quyết định đẩy nhanh tiến độ dự án kể trên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước cũng đã tuyên bố tại một hội thảo khoa học Trung Quốc như sau: "Biển sâu chứa đựng nhiều kho tàng chưa được phát hiện và phát triển. Để có thể tiếp cận được với những kho tàng này, chúng ta cần phải nắm các công nghệ chủ chốt xuống biển sâu, thăm dò biển sâu và phát triển biển sâu".
Xu Liping - một nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc trực thuộc chính phủ nước này - thì tuyên bố rằng dự án trạm nghiên cứu "sẽ chủ yếu phục vụ mục tiêu dân sự, nhưng chúng tôi không loại trừ việc nó sẽ mang một số chức năng quân sự nữa".
Tàu bè Trung Quốc dày đặc ở Đá Vành Khăn trong giai đoạn bồi đắp phi pháp Reuters
Ở khía cạnh dân sự, khi dõi mắt xuống đáy Biển Đông, người ta thường dồn sự chú ý về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, các ước lượng hiện nay rất khác nhau. Trong khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho rằng khu vực này có thể đang chôn 11 tỉ thùng dầu thô và 190 nghìn tỉ feet khối khí đốt thiên nhiên thì ông khổng lồ sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc CNOOC hồi năm 2012 từng đánh giá rằng Biển Đông chứa đựng 125 tỉ thùng dầu và 500 nghìn tỉ feet khối khí đốt thiên nhiên.
Theo báo cáo kể trên thì kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu dưới biển sâu đã có từ một thập niên qua và là tâm điểm trong tham vọng của Trung Quốc để trở thành một siêu cường về công nghệ vào năm 2030, thu ngắn cách biệt thám hiểm biển sâu với Mỹ, Nhật, Pháp và Nga.
Trong khi chưa thấy một đơn giá nào trong bản cáo cáo kể trên, Bryan Clark - cựu cố vấn đặc biệt của lãnh đạo chiến dịch hải quân Mỹ - cho rằng đó sẽ là một cái giá không dễ chịu tí nào, ngoài ra yếu tố dễ bị phát hiện khiến một trạm cố định như thế trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với tàu ngầm.
Theo số liệu từ Văn phòng thống kê quốc gia của Trung Quốc, nước này đã chi 1,42 nghìn tỉ nhân dân tệ (216 tỉ USD) cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2015, trong khi tổng chi tiêu quốc phòng trong năm nay dự kiến sẽ tăng lên 7,6%, ở mức 954,4 tỉ nhân dân tệ (145 tỉ USD).
Ở khía cạnh quân sự, ông Clark cho rằng một trạm nằm dưới biển sâu như vậy sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc phát hiện các liên lạc qua các tuyến cáp ngầm của các mục tiêu nhắm tới. "Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tìm mọi cách để phát hiện các liên lạc bằng cáp ngầm và thiết bị cảm biến của nhau để chặn chúng trong thời bình hoặc tấn công trong thời chiến. Chúng ta có thể nhận định rằng những hoạt động như thế này sẽ còn tiếp tục ở thì hiện tại và cả thì tương lai".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.