Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời ở tuổi 96

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/04/2019 14:32 GMT+7

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên , nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, vừa qua đời trưa nay (4.4) ở tuổi 96.

Thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư cho hay, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết sức chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4.4 (tức ngày 30.2 năm Kỷ Hợi 2019) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.
Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ được thông báo sau.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên quê tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, Quảng Bình.
Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Sau Cách mạng tháng 8, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 1.
Ông nguyên là một tướng lĩnh và cán bộ cấp cao của Việt Nam, từng là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian gần 20 năm (1967-1975) và là 1 trong 2 vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá (phong năm 1959) lên trung tướng (1974).
Ông cũng từng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (quốc lộ Trường Sơn).
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI.
Trước đó, trong một lần trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi có hơn chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ đồng đội đã nằm lại nơi đây, vị lão tướng huyền thoại ấy đã có nguyện ước khi ông mất sẽ được người thân của mình, hoặc đưa về yên nghỉ chốn này cùng các các đồng đội thân yêu, hoặc là về với tiên tổ ở Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quê ông.
Ông không muốn nằm xuống ở khu Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), nơi mà hơn 60 năm qua đã được dành cho việc chôn cất cán bộ cấp cao và các danh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.