Trường ca 'Corona' của nhà thơ Xuân Trường hiện lên giá trị vĩnh hằng của con người

06/07/2022 14:51 GMT+7

Có không ít tác phẩm văn học ra đời giữa đại dịch. Riêng NXB Hội Nhà văn hai năm gần đây xuất bản một số tác phẩm văn học về đại dịch Covid-19 . Trường ca Corona của nhà thơ Xuân Trường là một trong những tác phẩm đó.

Ngay trong chính trường ca Corona này, nhà thơ Xuân Trường đã thay đổi cách viết của mình. Sự du dương nhiều nhạc tính đã được hạn chế tới mức tối đa. Vì sao vậy? Theo cách nhìn của tôi, trường ca Corona lột tả đúng tâm trạng và thái độ của nhà thơ trước một hiểm họa quá khủng khiếp của nhân loại. Những câu thơ dài, trực diện, dồn dập làm người đọc như ngạt thở.

Bìa trường ca Corona của nhà thơ Xuân Trường do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành

NVCC

Trong lịch sử nhân loại, có những sự kiện không phải tất cả đều biết đến. Nhưng với đại dịch Covid-19, thì bất cứ ai sống trong thời đại này đều biết, bởi từ một đứa trẻ sơ sinh đến người hấp hối trên giường bệnh đều phải đương đầu với loài virus khủng khiếp này.

Khi Covid-19 xuất hiện nó đã thay đổi thế giới. Nó phá vỡ nhiều nguyên tắc sống, nó phơi bày nhiều lầm lạc của con người và nó bắt con người phải suy nghĩ lại toàn bộ ý thức và hành động sống của mình, nhưng nó cũng làm hiện ra những vẻ đẹp nhân tính khuất chìm đâu đó trong đời thường mà nhiều khi ta không nhận ra hoặc ngờ vực nó đã biến mất.

Vaccine của niềm tin và lòng nhân ái

Có không ít các tác phẩm văn học đã ra đời trong cơn đại dịch trong đó có thơ. Riêng NXB Hội Nhà văn trong hai năm gần đây đã xuất bản một số tác phẩm văn học về đại dịch Covid-19. Đây là điều cần thiết bởi những tác phẩm đó ghi lại một cách trung thực những gì đang diễn ra trong đời sống con người và đang diễn ra trong trí óc, trái tim của những người có lương tâm.

Tôi thấy không khí của trường ca này mang không khí của đời sống thực sự khi cả thế giới vừa hoảng loạn, vừa sợ hãi, vừa căng mình chống lại sự tấn công của một kẻ thù vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng ta sống ở giữa TP.HCM trong những ngày dịch bùng phát, chúng ta sẽ thấy cách chọn lựa nhịp điệu của trường ca là phù hợp. Nhịp điệu của trường ca cuốn chúng ta vào trong nỗi kinh hoàng của đại dịch cùng sự cấp bách của cuộc chiến đấu chống lại Corona. Nhưng tư duy về đại dịch của nhà thơ lại rất trầm tĩnh để nhìn thấu tỏ điều gì đang diễn ra trên thế gian thật nhỏ bé này.

Tôi nghĩ đây là trường ca mang tính ký sự và luận. Tôi mang cảm tưởng nhà thơ đã viết trường ca này giống người đang lao vào cứu hỏa: cấp bách và quyết liệt. Và trong cơn hỏa hoạn này, bao điều tốt xấu của con người đã bị lộ cho dù những điều đó đã từng được giấu kín một cách mỹ miều.

Những vấn đề chính trị của những quốc gia vốn xưng hùng xưng bá với nhân loại được hiện ra vừa thô bạo, vừa bi hài và nhiều sai lầm. Nhà thơ Xuân Trường dựng lên cuộc truy tìm nguồn gốc Covid-19 nhưng là để truy tìm nguồn gốc của sự phát sinh ra cái Ác của con người. Covid-19 xuất hiện và tấn bi hài kịch của nhân loại cũng bắt đầu mở màn, đẩy thế giới vào cơn hoảng loạn về các giá trị sống.

Sự ngạo mạn về phát triển khoa học của con người đã trở nên hài hước trước một kẻ vô hình là một loài virus. Nó cho thấy mặt trái của cái gọi là phát triển, cái gọi là những thành tựu khoa học. Các quốc gia giàu có vẫn đắm chìm trong cuộc chạy đua vũ trang, vũ khí sinh học. Đó là một “khát vọng điên rồ và tội lỗi’’. Việc chạy đua vũ trang, luôn nghĩ ra các loại vũ khí chính là con đường dẫn đến tội ác chứ không thể là con đường nào khác.

Trong một trường ca đầy lý trí, nhưng tôi thấy vang lên tiếng kêu đau đớn của nhà thơ:

“Bao giờ trời lại xanh?/Không còn những đám mây đại dịch ảm đạm hoành hành/Con người không còn cách nhau bằng nước mắt”.

Hình ảnh những “đám mây đại dịch” trôi trên đầu con người giống một ngày tận thế. Đó là một cảnh báo kinh hoàng và cũng là cơn mơ đẹp đẽ, đau đớn của nhà thơ về thế gian này. Đấy là một hình ảnh ám ảnh khôn cùng. Và điều cuối cùng tôi chờ đợi đã đến. Đó là trong bóng tối đầy đe dọa kinh hoàng của virus Corona hiện lên những giá trị vĩnh hằng của con người, hay cụ thể hơn là của những người Việt Nam. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” đôi khi chìm khuất trong đời sống mưu sinh nhiều lo toan, vất vả đã hiện ra. Những bàn tay ấm nóng và ân tình đã đưa về phía những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch:

“Tôi bật khóc với những hình ảnh người dân qua trạm/Mỗi người đến thùng tiền bốc một bì thơ/Những người đi bộ được cho xe đạp, có khi xe máy/Giúp người dân yên bình trở về/Tôi tự hào dân tộc tôi đã thương nhau như thế/Đúng là cùng một bào thai của Mẹ Âu Cơ”.

Nhà thơ Xuân Trường

NVCC

Những câu thơ giản dị của nhà thơ Xuân Trường như những lời nói từ sâu thẳm lòng người vang lên. Những câu thơ giản dị như chính những hành động cảm thông, chia sẻ, cưu mang của con người với con người. Và có lẽ, những câu thơ nhiều mỹ tự không được phép vang lên trong chính lúc này. Đích cuối cùng của thi ca hay của mọi tác phẩm văn học nghệ thuật là mang lại niềm hy vọng, cảm hứng sống và lòng tin vào con người cho dù mỗi tác phẩm chọn một con đường đi riêng của mình. Các nhà khoa học đã tìm ra vaccine chống lại virus Corona. Còn các nhà văn, nhà thơ như Xuân Trường đã tìm ra vaccine của niềm tin và lòng nhân ái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.