Trương Thị Mỹ - đấu tranh bình quyền nam nữ tại Quốc hội

22/10/2022 07:32 GMT+7

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên (6.1.1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ tham gia cổ động, ứng cử và bầu cử để lựa chọn những gương mặt tiêu biểu đại diện cho giới của mình. 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên đã ghi dấu ấn: Một kỷ nguyên mới của phụ nữ Việt Nam.

Có một người cha ở làng Lạc Viên (Hải Phòng) khi xem danh sách 10 phụ nữ được bầu vào Quốc hội cứ ngờ ngợ có phải con gái mình không? Đọc lý lịch thì rất giống nhưng ông cụ đặt tên con gái là Trương Thị Viếng, còn người được nhân dân tỉnh Hà Đông tin tưởng lựa chọn là Trương Thị Mỹ. Ông cụ đã mừng đến phát khóc khi nhận ra đúng cô Trương Thị Mỹ “là cái Viếng nhà mình”. Người con gái vừa tròn tuổi 30 ấy đã chỉ huy nhân dân phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nổi dậy giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám mấy tháng mới đây.

Tranh chân dung bà Trương Thị Mỹ (1915 - 2008)

Tư liệu gia đình

Trước ngày bỏ phiếu, một nhóm phụ nữ tỉnh Hà Đông có thơ gửi báo Quốc hội bày tỏ: “Em hỏi: Thưa anh có biết không?/Thương thay phụ nữ ở Hà Đông/Chín mươi nhăm vị ra ứng cử/Chẳng có bà nào, chỉ thấy ông”.

Tuy nhiên, điều này không chính xác vì tỉnh Hà Đông được bầu 14 đại biểu Quốc hội thì trong danh sách 95 người đăng ký ra ứng cử có bà Nguyễn Thị Thuận (tức Liên) là người buôn bán ở tỉnh lỵ Hà Đông, cô Phạm Thị Tu là học sinh, bà Phạm Thị Minh là Phó chủ tịch huyện Đan Phượng. Sau đó, bà Trương Thị Mỹ đăng ký bổ sung và trúng cử. Bà đã ghi dấu ấn khi lên tiếng đấu tranh về quyền bình đẳng nam nữ trên diễn đàn Quốc hội.

Báo chí đương thời đánh giá, cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ gây một cuộc tranh luận gay go. “Ngay những phút đầu cuộc thảo luận đã có tính cách gay go”, báo Dân quốc bình luận.

Đó là tại phiên chất vấn chiều ngày 3.11.1946, khi Quốc hội thông qua Điều 9 của Hiến pháp: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Khi dự thảo nêu ra, lập tức các đại biểu Quốc hội có ý kiến. Một đại biểu nam cho rằng: Xét ra đàn bà không triệt để ngang hàng với đàn ông được, vì vậy trong Điều 9, ông đề nghị thay 3 chữ “mọi phương diện” bằng những chữ “chính trị, kinh tế và văn hóa”. Còn một nữ đại biểu Quốc hội cho rằng “phụ nữ không thể như nam giới được”, “không thể tham gia quân đội được” và rằng “phụ nữ cần giữ vai trò hậu cần, nội trợ” của gia đình, của đoàn thể.

Đại biểu nam khác yêu cầu bỏ 3 chữ “mọi phương diện”. Để bênh vực lý do của mình, đại biểu nam này viện ra những sự khó khăn của nhà làm luật. Vì vấn đề phụ nữ sẽ đưa đến nhiều sự sửa đổi trong tổ chức các tiểu gia đình. Ông nêu lên cả một đề án về sự liên lạc giữa đàn ông và đàn bà, về hôn thú, sinh hoạt, quyền hạn của gia trưởng. Mục đích của ông không ngoài sự tránh một cuộc xung đột giữa phái già và phái trẻ. Vị đại biểu ấy đâu ngờ là đã gây ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng của đại biểu nữ trong Quốc hội.

10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên

Quốc hội khóa đầu tiên có 10 đại biểu nữ - đại diện ưu tú ở các địa phương từ Bắc tới Nam do nhân dân lựa chọn. Đó là các bà: Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội), Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Bùi Thị Diệm tức Lê Phương (Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến - thường gọi theo tên chồng là bà Phan Thanh (Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (Gia Định), Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho) và Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu).

Trương Thị Mỹ đại biểu Hà Đông phản bác lại ý kiến này. Tham luận về “vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ”, bà Mỹ nói rằng: Bằng thực tế công tác, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi thấy cái quan niệm coi thường phụ nữ vẫn chưa phải đã hết trong ngay cả đội ngũ những người cán bộ cách mạng, rằng chị em có khả năng đảm đương mọi công tác được giao và cần loại bỏ tư tưởng tự ti, ngại khó ngay chính bản thân chị em.

Nhiều năm sau nhớ lại sự kiện này, bà Trương Thị Mỹ kể trong hồi ký: “Phát biểu của tôi được các đại biểu hoan hô nhiệt liệt. Và sung sướng hạnh phúc biết bao, khi tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng dậy rời ghế chủ tịch đoàn đi lại phía tôi. Người bắt tay tôi rất chặt và nói:

- Khá lắm! Đồng chí nói được những điều rất tốt”.

Bà Trương Thị Mỹ sinh tại Lạc Viên, Hải Phòng; cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ, Ủy viên Thường trực T.Ư Hội LHPN Việt Nam; Phó chủ tịch Tổng công đoàn (nay là Liên đoàn Lao động) Việt Nam. Có một điều lý thú là khi vào họp Quốc hội thì bà Trương Thị Mỹ gặp lại viên tri huyện ở phủ Hoài Đức. Người ấy, những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 còn là đối tượng cần đánh đổ của bà, giờ đây đã cùng bà nói lên tiếng nói của cử tri trong cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Viên tri huyện tư pháp cùng tuổi 30 với bà, sau này trở thành một chuyên gia về luật pháp, đó là nhà nghiên cứu Đinh Gia Trinh.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.