Truy tìm “nghi phạm” phát tán virus corona: Dơi, rắn hay tê tê?

18/02/2020 12:35 GMT+7

Hơn một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ ngày virus corona chủng mới nhen nhóm những mầm họa khó lường cho thế giới và các nhà khoa học vẫn đang chạy đua để xác định nguồn gốc của chủng virus này. Nhiều loài động vật đã được đưa vào danh sách “nghi phạm” gây ra dịch bệnh COVID-19.

Virus corona mới gây dịch COVID-19 bắt nguồn từ đâu?
Virus corona mới xuất phát từ loài vật nào?
Từ dơi, từ rắn, từ chuột hay từ tê tê?
Hơn một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ ngày dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng nổ, lây lan ra nhiều nơi trên thế giới và hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp chính thức này đã và đang đưa nhiều loài động vật vào danh sách những “nghi phạm” gây ra dịch bệnh.
DƠI
"Nghi phạm" số 1 gây ra dịch COVID-19 lần này là dơi - loài động vật có vú biết bay và được cho là mang trong mình hàng loạt loại virus nguy hiểm chết người khác nhau.
Theo tạp chí khoa học Science Daily, không phải ngẫu nhiên mà một số bệnh dịch virus tồi tệ nhất bùng phát trong những năm gần đây như SARS, MERS, Ebola hay Marburg và có thể là virus corona chủng mới với tên gọi chính thức là SARS CoV2 có nguồn gốc hoặc có liên quan đến loài dơi.

Dơi đặt nhiều nghi vấn là vật chủ ban đầu của virus corona mới

Ảnh minh họa: Shutterstock

Cả SARS và MERS bắt đầu ở dơi, sau đó chuyển sang một động vật khác, được gọi là vật chủ trung gian, trước khi lây sang người. Trong trường hợp SARS, những con vật này là cầy hương, trong khi vật chủ trung gian của MERS, dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Đông, là lạc đà.
Một nghiên cứu mới của Đại học California tại Berkeley phát hiện ra rằng phản ứng miễn dịch mãnh liệt của dơi đối với virus có thể khiến virus nhân lên nhanh hơn, để khi chúng nhảy sang động vật có vú với hệ thống miễn dịch trung bình, như con người, virus sẽ tàn phá.
Một số loài dơi đã được chứng minh là có hệ thống miễn dịch được bảo vệ vĩnh viễn gắn kết phòng thủ chống lại virus. Mặc dù điều này có thể bảo vệ những con dơi khỏi tải lượng virus cao nhưng lại khiến virus sinh sản nhanh hơn trong những vật chủ khác trước khi cơ thể kịp bật “chế độ phòng thủ”.
Sống ở những nơi ẩm thấp, ăn côn trùng và mang trong mình cả tá bệnh dịch là thế nhưng thịt dơi lại là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Chợ buôn bán động vật hoang dã Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - nơi bán cả dơi, dúi, nhím, rắn hay cầy hương được nhiều người tin là nơi bắt nguồn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn chỉ là nghi vấn.

Video về món súp dơi được quay ở Palau (đảo quốc ở Thái Bình Dương) chứ không phải Vũ Hán, Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình

Dù video được lan truyền trên mạng xã hội về món súp dơi kinh dị của một cô gái đã được “minh oan” không phải ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng không chứng minh được dơi hay món súp dơi không phải là vật trung gian lây truyền virus corona mới.
RẮN
Sau dơi, rắn xếp ở vị trí số 2 trong danh sách các nghi phạm tội đồ gây dịch bệnh COVID-19.
Wei Ji, một nhà vi trùng học Trung tâm Khoa học Sức khỏe, trường Khoa học Y tế đại cương, Đại học Bắc Kinh và các đồng nghiệp của ông đã phân tích các mã di truyền của chủng virus corona mới gây dịch COVID-19.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh các mã di truyền này với mã di truyền của các virus trong một số loài động vật như gà, dơi, nhím, tê tê và hai loài rắn. Dựa trên những điểm tương đồng giữa các mã di truyền mà nhóm nghiên cứu cho rằng rắn có thể là vật chủ ban đầu của virus corona chủng mới.

Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của hàng trăm triệu học sinh Trung Quốc

Tuy nhiên, David Robertson, một nhà virus học tại Đại học Glasgow tại Scotland cho rằng virus corona mới có rất ít khả năng bắt nguồn từ rắn. Đến nay, những chủng virus “anh em” với virus corona mới như SARS hay MERS đều bắt nguồn từ những loài động vật có vú và có thể rắn chỉ là loài trung gian lây nhiễm virus chứ không phải nguồn gốc của chủng virus mới này vì rắn thường săn dơi trong tự nhiên.
Tuy nhiên, làm thế nào mà virus corona có thể thích nghi với cả vật chủ máu lạnh và máu nóng vẫn còn là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đang tìm lời giải đáp.
TÊ TÊ
Loài động vật mới nhất được đưa vào danh sách các nghi phạm gây dịch bệnh COVID-19 là tê tê.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) dẫn đầu thấy rằng trình tự gien của chủng virus Corona mới được tách ra từ tê tê giống tới 99% so với trình tự bộ gien virus nCoV ở người nhiễm bệnh.

Tê tê được săn lùng và buôn bán trái phép ở nhiều nơi trên thế giới

Lê Lâm

Từ đó, các chuyên gia cho rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền nhiễm virus corona mới. Theo đại diện Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 1.000 mẫu hệ gien cộng đồng, còn gọi metagenome ở nhiều loại động vật hoang dã và tìm thấy tê tê là vật chủ trung gian “khả nghi” nhất.
Không chỉ lấy thịt để chế biến món ăn, vảy tê tê còn là một vị thuốc phổ biến trong đông y ở nhiều quốc gia châu Á. Các nhà khoa học cũng nhận định, đường lây truyền của virus không chỉ đến từ việc tiêu thụ trực tiếp các loài động vật hoang dã qua đường ăn uống mà còn có khả năng lây lan qua đường tiếp xúc như làm thịt hay chế biến.
Từ trước khi tê tê được đặt vào vòng nghi vấn truyền nhiễm virus corona mới thì việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ loài động vật này cũng đã bị lên án mạnh mẽ và là những hoạt động bị cấm ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Vảy tê tê là một vị thuốc đông y ở nhiều quốc gia châu Á

Ảnh chụp màn hình

       
Tê tê cũng nằm trong sách đỏ, là loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Và ngày 15.2 hằng năm được chọn là ngày Tê tê thế giới.
VÌ SAO PHẢI XÁC ĐỊNH NGUỒN GỐC VIRUS CORONA MỚI?
Hơn một tháng rưỡi đã trôi qua kể từ ngày virus corona chủng mới nhen nhóm những mầm họa khó lường cho thế giới và các nhà khoa học vẫn đang chạy đua để xác định nguồn gốc của chủng virus này.
Việc tìm thấy virus hoặc kháng thể ở động vật là tiêu chuẩn vàng cho các nhà nghiên cứu để xác định virus đến từ đâu.
Và xác định nguồn gốc của virus là một bước để bảo vệ con người khỏi tiếp xúc với nhiều động vật bị nhiễm bệnh hơn.
Những nghiên cứu này cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ điều chế vắc xin hay thuốc điều trị để chống lại virus.
Đây cũng là bước quan trọng để các chính phủ, giới chức trách ở nhiều nơi thắt chặt hơn nữa việc quản lý buôn bán động vật hoang dã, ngăn chặn những mầm họa tiếp theo có thể đe dọa thế giới như cách mà virus corona đang hoành hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.