Truyền thống dân tộc ta đâu có ác thế !

02/03/2015 17:33 GMT+7

Đầu xuân, 'được' thấy về những cảnh ẩu đả đến đổ máu để giành lộc, thậm chí choảng nhau vỡ đầu để cầu may mà thấy thật buồn.

Đầu xuân, "được" thấy về những cảnh ẩu đả đến đổ máu để giành lộc, thậm chí choảng nhau vỡ đầu để cầu may mà thấy thật buồn.

Ẩu đả nhau trong lễ hội đền Gióng - Ảnh: Ngọc Thắng
Con trâu từ xa xưa đã được coi là ‘đầu cơ nghiệp’, là người bạn thân thiết của nhà nông. Từ đồng ruộng, con trâu hiền lành “bước” vào văn thơ, hội họa của người Việt. Bất cứ đứa trẻ nông thôn nào từng trải qua một thời chăn trâu, cắt cỏ cũng không thể quên "người bạn" này ngay cả khi đã trưởng thành, rời xa quê nhà.
Vậy mà khi chứng kiến những lễ hội như đâm trâu, chọi trâu, và mới đây nhất là lễ hội Cầu Trâu, người ta không khỏi rùng mình về cách của con người đối với súc vật, nhất là đối với con vật vốn thân thiết, hiền lành, cũng là cộng sự đắc lực cho công việc đồng áng của mình như thế. Tôi và nhiều bạn bè sau khi xem những hình ảnh trong lễ hội Cầu Trâu của nông dân ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã tự hỏi: Lẽ nào dân mình nhiều người lại "ác" đến thế sao? Người ta có thể giết thịt động vật để làm thực phẩm nhưng hành quyết ngay con vật mà mình hằng ngày bầu bạn một cách trịnh trọng trước cộng đồng như một niềm vui sướng thử hỏi có quá tàn nhẫn không?
Hình ảnh con trâu bị trói vào cột, bị hơn 10 thanh niên thay nhau đập búa vào đầu, máu me đầm đìa... khiến lòng người không khỏi xúc động vậy mà không hiểu sao, đám đông chứng khiến cảnh tượng này vẫn có thể hô hét cổ vũ như bị lên đồng vậy. Phải chăng con người đã trơ lì trước những cảnh bạo lực tàn khốc hay lòng nhân đã ngày càng giảm? Đáng lo là thông qua những lễ hội như thế, bạo lực, sự nhẫn tâm có cơ hội gieo rắc, thấm vào con người một cách âm thầm mà mạnh mẽ. Một người cha mang theo đứa con mới ba, bốn tuổi tới xem người ta hành quyết trâu, khi được hỏi có lo em bé sẽ sợ hãi không, người cha đã thản nhiên trả lời: Chuyện bình thường, đâu có gì mà phải sợ.
Lo lắm thay khi mà chứng kiến sự "ác" con người ta vẫn cảm thấy bình thường. Đó chính là mầm họa của xã hội. Đó chính là nỗi lo lắng khôn nguôi của phần đông dân chúng khi mà chuyện đâm chém, giết nhau trong xã hội ngày mỗi ngày xảy ra, nhiều khi chỉ vì những nguyên do rất nhỏ nhặt; là khi mà một cái tết có tới hơn 6.400 người phải nhập viện chỉ vì xô xát.
Đầu xuân, “được” thấy những cảnh ẩu đả đến đổ máu để giành lộc, thậm chí choảng nhau đến vỡ đầu để cầu may mà thấy thật buồn. Truyền thống của dân tộc mình là nhân ái chứ đâu có "ác" như thế.
Ngay trong tính kế thừa đã bao gồm sự chắt lọc. Chúng ta kế thừa nền văn hóa dân tộc cũng là chắt lọc, gạn đục khơi trong nền văn hóa của tổ tiên để lại, không phải bất cứ thứ gì có trước đây cũng bê nguyên xi ra thực hiện và bao biện rằng đó là truyền thống. Rất may rằng trong gần chục ngàn lễ hội xứ mình, số lễ hội kiểu này chỉ là phần nhỏ. Tuy vậy, một khi lợi ích chi phối con người, nếu không quản lý tốt, e rằng ngay những lễ hội mang tính nhân sinh tích cực cũng sẽ bị nhuốm màu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.