TS Nguyễn Hồng Vũ: Hiểu thế nào khi tiêm vắc xin Covid-19 nhưng vẫn có trường hợp bị lây nhiễm?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
14/06/2021 16:51 GMT+7

Tính đến sáng 14.6, có 55 nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt Đới TP.HCM mắc Covid-19 . Vậy tại sao các nhân viên đã được tiêm vắc xin Covid -19 đầy đủ 2 liều nhưng vẫn bị lây nhiễm?

TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, Mỹ) đã có cuộc chia sẻ với PV Thanh Niên liên quan đến thắc mắc "Tại sao đã tiêm vắc xin Covid-19 nhưng vẫn có trường hợp bị lây nhiễm?".

Covid-19 có thể đã âm thầm xâm nhập TP.HCM trong kỳ nghỉ lễ 30.4

Có chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ không bị nhiễm?

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, tính tới thời điểm hiện nay, chưa có vắc xin nào có khả năng bảo vệ 100% người được tiêm khỏi nhiễm Covid-19. Đơn cử, vắc xin của Pfizer-BioNTech/Moderna thường được biết đến với khả năng bảo vệ khoảng trên 90%, còn của AstraZeneca hơn 70% (sau 2 hoặc 3 tuần được chích liều thứ 2). Điều đó có nghĩa không phải 100% người được chích vắc xin của Pfizer-BioNTech/Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm.
Phân tích cụ thể, TS Vũ cho biết, các thành phần có trong vắc xin sẽ kích thích cơ thể người được tiêm tạo ra các kháng thể đặc hiệu. Các kháng thể này như “những tấm khiên” ngăn "những mũi tên" vi rút. Chúng có khả năng nhận diện, bám lên bề mặt và “bất hoạt” vi rút trước khi chúng xâm nhiễm vào trong tế bào của con người. 
Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn vi rút phụ thuộc vào “chất lượng của những tấm khiên” và mật độ của vi rút.
“Trong một nghiên cứu gần đây ở Mỹ khảo sát trên 3.975 người là các nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch… Những người này được xét nghiệm hàng tuần kể từ tháng 12.2020 và đến nay có 204 người bị nhiễm Covid-19. Trong số 204 người, có 16 người đã được chích vắc xin (gồm cả người được chích 1 hoặc 2 liều). Dựa trên số liệu này, có thể thấy những người được chích vắc xin chỉ chiếm khoảng 9% số người bị nhiễm, tức vắc xin có hiệu quả rõ ràng trong việc giúp ngăn ngừa lây nhiễm. Chúng ta vẫn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh dù rằng đã được tiêm ngừa”, TS Vũ cho hay.

Tính đến sáng 14.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có 55 ca nhiễm Covid-19

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Khi cùng mắc Covid-19, khác biệt nào giữa người được tiêm và không được tiêm vắc xin?

TS Vũ cho hay, những người đã được tiêm một trong những vắc xin tốt hiện nay như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson… khi mắc Covid-19 cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Cụ thể, những người đã tiêm vắc xin nếu mắc Covid-19 thì số lượng vi rút trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không tiêm, đa số không có triệu chứng và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn 2 ngày). Điều này cũng góp phần giải thích vì sao phần lớn nhân viên tai Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM không bị các triệu chứng như sốt, nhức mỏi, khó thở…
Về hiệu quả của vắc xin, TS Nguyễn Hồng Vũ tin rằng người đã chích vắc xin cũng giúp làm giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
“Điều này được các nhà quản lý đặt ra khi lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và mở cửa kinh tế. Khi vắc xin giảm đi xác suất người nhiễm vi rút, số lượng vi rút và thời gian vi rút tồn tại trong người bị nhiễm… thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khi số lượng người được chích vắc xin tăng lên”, TS Vũ nói.
TS Vũ cũng cho biết trong một nghiên cứu ở Anh với trên hơn 365.000 gia đình, những người đã chích ít nhất 1 liều vắc xin của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca nếu bị nhiễm vi rút thì nguy cơ lây nhiễm của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nửa
"Đây là tiền đề mà các nước có tỷ lệ người chích vắc xin cao và hiệu quả như Israel, Mỹ mạnh dạn nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước họ”, theo TS Vũ.

TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, Mỹ)

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Từ đó, TS Vũ cho hay, để giảm sự lây nhiễm của vi rút trong cộng đồng, cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỷ lệ người chích vắc xin. Đối với những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, hoặc ở Việt Nam thì cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế.
TS Vũ cũng lưu ý, để giảm thiểu việc lây nhiễm chéo trong không gian làm việc, cần thực hiện nghiêm kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi ngày làm việc, yêu cầu nhân viên có biểu hiệm cảm sốt ở nhà; ưu tiên làm việc tại nhà hoặc chia ca để giảm thiểu số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc; giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên cách nhau ít nhất 2 m; yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc; không ăn cơm chung với đồng nghiệp; giữ các phòng thông thoáng...
“Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch Covid-19 khá tốt. Nếu chiến lược vắc xin được áp dụng kịp thời với những loại vắc xin tốt thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch Covid-19. Hy vọng mọi người bớt hoang mang, cũng đừng chủ quan, hãy tỉnh táo cùng chống dịch”, TS Vũ cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.