Bảo vệ mình, đi kiếm tiền mùa dịch Covid-19: Tài xế, shipper đeo khẩu trang, luôn rửa tay

22/03/2020 11:36 GMT+7

Mùa dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Thế nhưng cuộc sống thì không thể dừng lại. Những ai vẫn lao ra đường hằng ngày để kiếm tiền mưu sinh vẫn phải biết cách tự bảo vệ mình trước virus Corona , đồng thời cũng làm hạn chế bớt khả năng lây lan. Tài xế, shipper công nghệ là một trong số những nghề phải tiếp xúc nhiều nhất trong mùa dịch.

Cố gắng bám trụ với nghề
Hầu hết tài xế các hãng xe công nghệ ở TP.HCM đều mang khẩu trang khi làm việc. Liên tục tiếp xúc với nhiều hành khách, họ chuẩn bị cả nước rửa tay và vệ sinh phương tiện kỹ càng sau mỗi ca.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến công việc của các tài xế xe công nghệ. Doanh thu giảm sút, đơn hàng lác đác, tâm lý họ lo lắng vì phải liên tục tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, các bác tài vẫn cố bám trụ với nghề.
Chị Vương Linh (tài xế GrabBike) chia sẻ: “Từ lúc thành phố ghi nhận có ca nhiễm, nhu cầu đi lại của mọi người giảm sút rõ rệt. Cả hai vợ chồng mình đều chạy xe nên phải hạn chế mọi sinh hoạt, chi tiêu mới đủ vun vén. Nhiều lúc cũng muốn tìm việc khác vì làm nghề này giao tiếp, tiếp xúc nhiều người nhiều nơi, nhưng tình hình chung ai cũng khó khăn, nên thôi đành cố trụ".
Tài xế công nghệ đeo khẩu trang hai lớp, rửa tay thường xuyên bám nghề giữa dịchCovid-191

Dẫu có khó khăn, nhiều tài xế vẫn cố bám trụ để mưu sinh

Ảnh: Như Võ

Anh Nguyễn Thanh Vũ (tài xế GoViet) cũng tâm sự: “Tình hình bây giờ khó khăn. Bình thường nếu một ngày chạy chăm chỉ sẽ được tầm 500 nghìn. Bây giờ chỉ còn tầm 200 nghìn - 300 nghìn thôi. Nhưng cuộc sống phải tiếp diễn chứ mình đâu nghỉ làm được".
Đối với trường hợp của chị Đoàn Ngọc Châu (shipper giao thức ăn), dịch Covid-19 phần nào làm cuộc sống của chị xáo trộn.
Chị kể: “Nhà mình ở tận Bình Dương, lên đây chạy xe giao hàng, phải để con nhỏ ở nhà một mình, lo lắm chứ. Vì gần đây cháu nghỉ học mà nhà chỉ có hai mẹ con với nhau. Số lượng đơn hàng trong mùa này giảm 50% so với bình thường. Mình cũng đắn đo có nên nghỉ không, vì đi thì cũng nguy hiểm. Nhưng lúc trước cũng đi buôn bán nhiều, thu nhập bằng nghề này ổn hơn, nên vẫn đang cố gắng bám trụ, mong mọi chuyện sẽ khá lên".
Tài xế công nghệ đeo khẩu trang hai lớp, rửa tay thường xuyên bám nghề giữa dịchCovid-192

Nước rửa tay khô luôn có sẵn trong túi các shipper

Ảnh: Như Võ

Tự bảo vệ bản thân với khẩu trang, rửa tay 

Ý thức rõ công việc của mình trong giai đoạn bùng phát dịch khá nguy hiểm, các tài xế công nghệ luôn trong tâm thế đề phòng và tự giác thực hiện những biện pháp phòng chống lây lan Covid-19.
Chị Ngọc Châu lấy ra từ trong túi hai chai nước rửa tay khô và nói: “Đây, lúc nào mình cũng thủ sẵn hai chai này. Xong việc gì là rửa tay ngay. Khẩu trang cũng đeo tận hai lớp, một lớp bảo vệ bên trong và một lớp che bụi, che nắng bên ngoài. Khẩu trang bây giờ cũng khan hiếm, chỗ nào bán cũng đắt, mình thì phải dùng mỗi ngày nên đôi khi vẫn sử dụng khẩu trang vải. Một số hàng quán có để sẵn chai rửa tay khô cho shipper. Khi mình đến nhận hàng, họ sẽ yêu cầu mình rửa tay trước rồi mới mang hàng đi".
Tài xế công nghệ đeo khẩu trang hai lớp, rửa tay thường xuyên bám nghề giữa dịchCovid-193
Tài xế công nghệ đeo khẩu trang hai lớp, rửa tay thường xuyên bám nghề giữa dịchCovid-194

Khẩu trang trở thành vật bất ly thân của các tài xế khi hành nghề

Ảnh: Như Võ

Chị Vương Linh cũng áp dụng những biện pháp tương tự: “Đi làm là mình chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay khô, luôn đeo găng tay. Đồng phục cũng phải giặt thường xuyên hơn. Chở khách Tây cũng hơi sợ một chút, nhưng mình không bao giờ tỏ thái độ, chỉ giữ khoảng cách và rửa tay ngay sau giao dịch tiền mặt với họ. Bên công ty cũng có hỗ trợ phát khẩu trang cho anh, chị, em hành nghề được an tâm. Nhưng cũng phải tự trang bị thêm vì quá đông tài xế".
Các bác tài chạy GrabCar cũng trở kỹ càng hơn trong mùa dịch. Anh Trương Thành Phước (tài xế GrabCar) chia sẻ: “Mấy ngày nay sợ lắm chứ, tôi cũng hạn chế chạy xe, không chạy liên tục như lúc trước. Ở quê ba mẹ cũng đang lo lắng, ngày nào cũng gọi bảo về đi! Nhưng công việc thì vẫn phải tiếp tục, tôi phải chú ý nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe. Ngồi xe hơi thời gian dài rất ngộp nhưng không bao giờ dám bỏ khẩu trang ra. Hiện công ty cũng đã có các trạm phát khẩu trang miễn phí cho tài xế. Sau mỗi buổi chạy xong, tôi đều dành thời gian để lau rửa xe bằng cồn".

11 lưu ý từ bác sĩ để đi xe an toàn mùa dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết, taxi (bao gồm cả taxi truyền thống và taxi công nghệ) đều là những môi trường có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nếu tài xế và khách không biết cách xử lý.
BS Khanh nhận xét, trên xe ô tô là môi trường kín nên trường hợp có người phát tán virus ra thì virus sẽ ở trong xe, bám vào mặt da ghế hoặc cánh cửa. Đây là những phương tiện công cộng, số người lên xuống vô chừng, không có được thông tin của họ, không biết họ là ai. Hơn nữa, nhiều người có thói quen lên xe là mở máy lạnh, nhiệt độ để dưới 25 độ - đây chính là điều kiện để virus sống lâu.
Do vậy, tài xế và hành khách đi trên xe cần lưu ý một số điều sau để hạn chế việc lây lan virus.
Đối với khách đi trên xe:
- Cần nhớ nguyên tắc không khí đậm đặc thì càng dễ lây lan virus nên phải yêu cầu lái xe mở cửa trong 1-2km đầu để không khí được pha loãng, virus được đẩy ra môi trường, ít có khả năng lây bệnh.
- Đeo khẩu trang suốt quá trình sử dụng phương tiện công cộng.
- Không chạm tay vào mũi, miệng.
Đối với lái xe:
- Không mở máy lạnh dưới 27 độ C.
- Hạ kính xe khi xe dừng.
- Chủ động đề nghị khách được mở kính xe trong 1-2km đầu.
- Mang khẩu trang và yêu cầu khách mang khẩu trang mới phục vụ.
- Không chạm tay lên vùng mũi, miệng.
- Lau dọn xe, đặc biệt là vị trí khách ngồi, phía trước, sau vị trí đó, tay cầm bằng khăn xà phòng hoặc bông tẩm cồn rồi mở cửa xe cho bớt mùi.
- Vô lăng phải được lau chùi thường xuyên với khăn xà phòng hoặc bông tẩm cồn sát khuẩn.
- Dán thông báo trên xe về việc bắt buộc khách đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của khách và cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.