Từ bức thư 'gây xôn xao' của một bạn trẻ người Nhật: Bạn là người… tự sướng!

25/03/2014 13:35 GMT+7

Trên mạng đang lan truyền một bức thư được cho là của một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam gửi giới trẻ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

Trên mạng đang lan truyền một bức thư được cho là của một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam gửi giới trẻ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.


Người Nhật hay người Việt đều có niềm tự hào riêng - Ảnh: AFP

Tôi đọc xong và chẳng thấy có vấn đề gì đáng phải xôn xao, vì đó là vấn đề vẫn được người Việt Nam nói tới hằng ngày. Có chăng là các bạn trẻ Việt Nam tung hô thái quá, trong khi rất ít bạn có những bình luận để bảo vệ mình và bảo vệ sự thật. Tôi thấy bạn trẻ người Nhật này có phản hồi không tích cực sau bốn năm học ở Việt Nam, nên có mấy lời gửi bạn ấy như sau:

- Bạn viết: “Những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một”. Đó chính là những lời ảo tưởng nhất. Vì sao? Xin đọc đoạn tiếp theo.

- Bạn viết: “Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng, biển bạc… Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời… Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai”. Dân Việt Nam tôi có câu, con cái không ai có quyền chọn bố mẹ sinh ra mình. Bố mẹ nghèo, bố mẹ giàu đều là bố mẹ mà ta vô cùng yêu thương và tự hào. Bạn không thể tự hào vô lối khi bố mẹ bạn nghèo, còn người khác có bố mẹ giàu thì không được tự hào như bạn. Bên Việt Nam cái đó gọi là AQ! Bạn không nên và đừng bao giờ lấy hiện tượng để nói về bản chất, rằng chúng tôi sống không có trách nhiệm với sự giàu có về tài nguyên của đất nước mình. Không có trách nhiệm, đâu có được Việt Nam như hôm nay!

- Nói về động đất, sóng thần bạn viết: “Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan” là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết”. Đoạn đầu không sai, chúng tôi cũng rất khâm phục các bạn ở điểm này, nhưng đoạn sau thì rất thông cảm vì bạn còn trẻ và chưa đọc lịch sử Việt Nam. Nếu đọc hoặc có biết nhạc Trịnh Công Sơn, bạn sẽ biết Việt Nam bị “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…”. Và Việt Nam chúng tôi đã quét sạch bọn chúng, đó là thương hiệu "made in Vietnam" được toàn cầu công nhận mà bạn không biết hoặc cố tình không biết nên chỉ biết ca ngợi mình bằng cách nói “từng biết”.

- Bạn viết: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4.000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4.000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày”. Đó là những lời miệt thị vô lối nhất mà tôi từng nghe. Bạn dẫn ra chuyện hôi bia, chuyện giữ sạch ngôi nhà còn ngoài ra thì không quan tâm… đó là những chuyện cá biệt chứ không phải là bản chất của người Việt Nam. Tôi thừa nhận về chuyện phân loại rác, chuyện vệ sinh môi trường chưa được như nước bạn, chứ nói không quan tâm thì có lẽ trong bốn năm học ở Việt Nam, bạn đã ngập đầu trong rác!

- Bạn viết: “Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong một năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư…”. Bạn nên biết, nước Nhật có tỷ lệ ung thư còn cao hơn cả Việt Nam. Điều bi kịch nhất là nó do các bạn tạo ta. Đó là hậu quả của những nhà máy điện hạt nhân không an toàn. Lời cảnh báo của bạn không sai nhưng cách nói thì sai. Đất nước nào cũng có một thời kỳ quá độ của nó. Cũng như nước bạn hiện đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là dân số ngày càng già cỗi. Bạn cũng có một thời kỳ quá độ để khắc phục vì điều này chẳng hay ho gì.

- Bạn viết: “Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình”. Bạn từng sống và học tập ở Việt Nam bốn năm nhưng bạn có mắt như mù. Bạn không nhìn thấy để tri ân những người thầy đã truyền thụ kiến thức cho bạn. Bạn không nhìn thấy thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang làm những gì. Bạn không có thông tin. Chắc cũng không biết chuyện sau động đất, sóng thần, người Việt Nam đã dành cho đất nước bạn những tình cảm thế nào?

Đất nước chúng tôi còn nhiều vấn đề cần giải quyết mà tôi gọi là "thời kỳ quá độ". Cũng như nước Nhật của bạn, cũng khối vấn đề… Cũng như Mỹ, họ cũng đối mặt với những vấn đề của họ và tôi sợ nhất là xả súng, giết người hàng loạt trong trường học. Điều ở Việt Nam không hề có.

Cuối cùng, tôi xin nói với bạn thế này: Xét về kiến thức, bạn đã không thành công sau bốn năm du học ở Việt Nam vì bạn chẳng tiếp thu được gì trong nét tinh hoa của người Việt. Xét về nhân cách, bạn là một người tự cho mình cao hơn người khác và có một cái nhìn không thiện chí. Nói như người Việt Nam, bạn hơi bị tự sướng!

Tôi đi học, thầy dạy, trong mọi vấn đề nên phản hồi tích cực. Bạn đang phản hồi tiêu cực. Bạn chê Việt Nam nhưng tôi thấy bạn khá giống một số người Việt Nam luôn chê bai nhưng chưa bao giờ tự hỏi mình đã làm được gì, chưa bao giờ hành động. Tôi quen nhiều người Nhật, họ không nói như bạn mà sang Việt Nam tình nguyện, tức là làm. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thành công ở Việt Nam là nhờ họ thấu hiểu văn hóa Việt Nam.

Tôi nghĩ, bức thư này do một người Việt mạo danh người Nhật viết ra. Nếu thế thì may cho người Nhật vì không làm mất đi hình ảnh trong tôi như bạn đã làm.

Nguyễn Vũ*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một người dân đang sống ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

>> Bức thư của người đàn ông quá quen
>> Thư gửi lính 2: Chọn vợ
>> Thư gửi lính: Làm quan khổ lắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.