Từ CẢNH đến CÁNH

03/06/2018 07:06 GMT+7

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) đã không đúng khi gộp cánh trong cánh đồng với cánh trong cánh chim, cánh tay... vào cùng một mục từ. Thực ra, ở đây, ta có hai từ cánh hoàn toàn khác nhau.

Cánh1 có nghĩa là “khoảng đất có diện tích được xem là rộng”, thường đi chung với đồng thành danh ngữ cánh đồng. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [境] mà âm Hán - Việt hiện hành là cảnh, có nghĩa là “bờ cõi, vùng đất”. Đây chính là cái nghĩa mà Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “a boundary, a frontier, a region”. Diễn biến từ thanh điệu 4 (dấu hỏi) sang thanh điệu 5 (dấu sắc) là chuyện bình thường, như ta sẽ còn thấy với cánh2, cánh3 và cánh4.
Còn cánh2, tuy cũng là một từ Việt gốc Hán nhưng lại bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [梗], được nhiều quyển từ điển Hán - Việt ghi âm hiện hành là ngạnh. Nhưng âm gốc của nó lại thuộc thanh mẫu kiến [見], nghĩa là nó vốn có phụ âm đầu C /k/ và thuộc thượng thanh nên vốn chỉ có thể thuộc thanh điệu 3 (dấu ngã) hoặc thanh điệu 4 (dấu hỏi) mà thôi. Thiết âm của nó trong Quảng vận (1008) là “cổ hãnh/hạnh thiết” [古杏切]. Chữ [杏] có âm gốc là hãnh nên “cổ hãnh” phải cho ra cảnh và đây chính là âm gốc của
[梗]. Nhưng trong quá trình chuyển biến, về sau âm của chữ [杏] đã trở thành hạnh - và được duy trì cho đến hiện nay - nên “cổ hạnh” mới cho ra cánh. Sở dĩ nó bị đọc thành “ngạnh” chỉ là do người ta đã loại suy từ âm của chữ ngạnh [硬], cũng có thanh phù cánh [更] như nó chứ không có bất cứ lý do ngữ học nào khác.
Vậy cánh [梗] là một từ Hán - Việt chính tông, có nghĩa là “cành, nhánh của cây cối”. Từ nghĩa gốc này ta mới có nghĩa rộng trong tiếng Việt là “vật gì chìa ra, như nhánh cây chìa ra khỏi thân cây”. Đây chính là nghĩa của cánh2 trong cánh tay, cánh chim... Cứ như trên thì cánh trong cánh đồng với cánh trong cánh chim, cánh tay không phải là một từ vì một đằng thuộc phạm trù diện tích còn một đằng thì chỉ bộ phận chìa ra khỏi vật thể chính.
Về quan hệ cảnh ↔ cánh, ta còn có:
- cảnh [褧], áo đơn ↔ cánh3 trong áo cánh;
- cảnh [耿] ↔ cánh4 trong canh cánh trong lòng. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, ảnh) giảng cảnh [耿] là “bi thương” (đau xót) tại nghĩa 6, rồi dẫn cho ta một thí dụ cực kỳ quý giá và bổ ích cho từ nguyên: “Tăng vận: cảnh cảnh, ưu dã”
[增韻: 耿耿,憂也] (cảnh cảnh [là] lo buồn vậy). Canh cánh chính là nghĩa và điệp thức của cảnh cảnh đó thôi.
Sau khi cánh [梗] bị đọc thành ngạnh thì tiếng Việt có thêm các điệp thức của từ này là:
- ngành, mà nghĩa gốc là “cành cây nhỏ”, rồi nghĩa phái sinh trong ngành nghề;
- nhành, đồng nghĩa với ngành (nghĩa gốc);
- nhánh, cây hoặc củ con mới sinh ra từ gốc.
Đi sâu vào lịch sử mà xét thì [梗] vốn có phụ âm cuối NG /ŋ/, như vẫn đang tồn tại trong tiếng Bắc Kinh gěng và tiếng Quảng Đông geng. Lưu tích của nó cũng đang có mặt trong tiếng Việt với từ càng trong càng cua, càng xe (gọng xe).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.