Từ chấn thương của Hùng Dũng: ‘Bạn trẻ chơi bóng đá phủi thường nhắc nhẹ chân nhau’

Phạm Hữu
Phạm Hữu
26/03/2021 18:18 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đá bóng phủi cho biết va chạm trong bóng đá như Hùng Dũng là điều khó tránh khỏi. Cho nên nhiều cầu thủ luôn nhắc nhau cẩn thận và giữ đôi chân để tránh chấn thương không đáng có.

Trong những ngày qua, câu chuyện chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng được nhiều người bàn tán. Dân đá phủi hay những người chơi thể thao xem đó như là một chấn thương kinh hoàng với những người theo nghiệp thể thao.
Chấn thương của Hùng Dũng vẫn hiện hữu ở nhiều sân cỏ khác nhau. Đó cũng là một trong những tình huống va chạm thường thấy của anh em đá phủi bởi chuyện va chạm trên sân diễn ra như “cơm bữa”.

Va chạm, chấn thương như “cơm bữa”

Từng có 10 năm trong “nghề đá bóng phủi”, Dương Văn Tuấn (biệt danh Tuấn Vinh) cho rằng chuyện va chạm trong bóng đá hay những môn thể thao khác là điều bình thường. Hầu như Tuấn không nhớ hết những lần va chạm với đối phương từ những tình huống gây cấn. Những chấn thương giãn dây chằng gối, lật cổ chân hay nhiều chấn thương khác cũng diễn ra từ sân bóng. Nguyên nhân từ những vấn đề khách quan như chưa khởi động hoặc người có cơ địa yếu. Tuy vậy vấn đề chấn thương từ va chạm, tiểu xảo của đối phương vẫn diễn ra thường xuyên.
Suốt nhiều năm đá các giải phủi, Tuấn nhớ từng bị 3 tình huống va chạm gây chấn thương nhớ nhất. “Là hồi năm 2010 và mới đây nhất tôi bị người ta đưa chân từ phía sau tương tự như tình huống của Hùng Dũng. Tuy nhiên, tôi may mắn khi chưa đặt chân trụ xuống nên chỉ va chạm nhẹ hơn. Tôi bị lật cổ chân và bị sưng gối thôi. Đó là những xuất phát từ đối thủ cay cú quyết đá ăn thua đến cùng”, Tuấn cho hay.
Còn Nguyễn Hồng Thạch (quê An Giang, 26 tuổi, một cầu thủ bóng phủi, ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) mở đầu bằng sự lo lắng khi nhắc đến chấn thương. Nhiều năm đá phủi, gần đây Thạch may mắn chỉ bị những chấn thương nhẹ sưng chân vài ngày.

Hùng Dũng liên tục ôm mặt đau đớn sau pha chấn thương kinh hoàng

Khả Hoà

Nhưng vài năm về trước, Thạch thắm thía được sự chấn thương phải nghỉ đá trong thời gian dài. Trong trận đấu giải phủi, Thạch đi bóng qua người rồi bị đối phương gạc chân, vướng người lại, bị ngã xuống đất đau đớn. Sau cú té Thạch giãn dây chằng đầu gối, nghỉ đá ngay lập tức. Mất 2 tháng vận động chầm chậm, kèm 1 tuần chơi bóng, Thạch mới trở lại cảm giác bình thường.
Theo Thạch, chuyện bị đá xấu diễn ra rất nhiều mà không một cầu thủ phủi nào chưa trải qua. Những cú móc từ phía sau luôn gây ám ảnh với người đá phủi. “Vì bất cứ vị trí nào ở sân phủi đều có thể va chạm bởi sân nhỏ, mỗi người mỗi tính cách. Chủ yếu người đá có ác ý với nhau hay không”, Thạch nói.

Cố giữ đôi chân của nhau

Tuấn chia sẻ, khi gặp những tình huống như vậy cảm thấy “nhát chân” hơn và dặn lòng phải cẩn thận tránh né. Trước khi vào sân nhìn thái độ đối thủ để biết đường ứng phó. Bởi khi đá bóng phủi, người thiệt thòi nhất là người bị chấn thương. Tuy vậy, không vì thế Tuấn và những anh em khác tìm cách trả đũa. “Anh em, mấy ông bầu đều nhắc nhở đá bóng đẹp. Thắng người khác bằng lối đá bóng đẹp chứ không phải tiểu xảo và luôn mong giữ đôi chân của nhau”, Tuấn nói.
Lê Quân (30 tuổi, quê Quảng Nam, vừa là một bình luận viên, vừa là cầu thủ bóng đá phủi) chia sẻ cuộc đời đi đá phủi chỉ đặt mục tiêu giao lưu, quyết không ăn thua nên cũng tránh được nhiều va chạm không đáng có. Đặc điểm đá phủi là khi chấn thương nặng là một mình gánh chịu.

Cầu thủ phủi Nguyễn Hồng Thạch luôn nhắc mình phải giữ đôi chân của nhau

“Tôi chứng kiến nhiều cú va chạm dẫn đến chấn thương khi đi bình luận ở sân phủi. Đá bóng là môn đối kháng, ai cũng nhiệt huyết để đá thắng, “ham banh” nên vô tình va chạm với nhau. Khi đá, tôi cũng hạn chế xoạc bóng làm cầu thủ đội bạn bị chấn thương. Vào sân phải giữ chân cho nhau, hạn chế vào bóng ác ý với đối phương vì ai cũng còn công việc riêng của mình”, Quân kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.