Bất an trên các cung đường vùng cao Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/09/2021 10:00 GMT+7

Hệ thống giao thông vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) bị phá hủy hoàn toàn sau đợt thiên tai kinh hoàng cuối năm 2020, đến nay vẫn chưa khắc phục khiến người dân bất an, đối diện ẩn họa khi mùa mưa bão cận kề.

Hiểm họa trên đầu

Những ngày đầu tháng 9, đi trên các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH5 từ trung tâm xã Phước Chánh vào các xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn), PV Thanh Niên nhận thấy đường sá ngổn ngang. Những biển cảnh báo nguy hiểm được địa phương cho cắm tại nhiều khu vực…
Dù đã trải qua gần 10 tháng kể từ sau trận thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, tiến độ khắc phục các tuyến đường này dường như giẫm chân tại chỗ.
Chị Hồ Thị Phia (36 tuổi, ở xã Phước Thành) cho hay các tuyến đường giao thông gần như bị xóa sổ hồi cuối năm 2020. “Nhiều người vẫn còn ám ảnh những trận lũ quét, sạt lở cuối năm ngoái”, chị Phia nói.
Anh Hồ Văn Sem (34 tuổi, ở xã Phước Thành) càng lo lắng khi đang chuẩn bị vào mùa mưa bão. Từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn các xã vùng cao thường xuyên có mưa giông buổi chiều. “Các tảng đá khổng lồ vẫn còn nằm trên các đỉnh núi dọc các tuyến đường đã trở thành mối hiểm họa đối với người dân. Chỉ cần trận mưa lớn kéo dài vài giờ đồng hồ, những tảng đá này có nguy cơ lăn xuống bất cứ lúc nào. Khi các tuyến đường chưa được sửa chữa thì người dân còn phải gánh họa trên đầu khi lưu thông qua lại”, anh Sem ngao ngán.

Đầu tháng 12 mới lựa chọn đơn vị thi công

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thừa nhận các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 từ xã Phước Chánh đi vào 3 xã vùng cao chưa được sửa chữa, trở thành mối lo chung cho người dân các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim. Nỗi ám ảnh vẫn đang dai dẳng, cứ mỗi lần mưa gió thì đồng bào vùng cao rất sợ hãi. Trong khi đó, hiện tại các tuyến đường dường như hư hỏng hoàn toàn, cầu cống bị cuốn trôi vẫn chưa thể thi công để tu sửa.
“Với tình trạng này, mùa mưa bão năm nay tình trạng cô lập sẽ có thể xảy ra. Vì vậy, địa phương rất mong lãnh đạo huyện, tỉnh có cơ chế thành lập ban chỉ huy tiếp tục hỗ trợ giúp 3 xã vùng cao, trong đó có xã Phước Thành”, ông Phức nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể. Tổng kinh phí xây dựng 3 tuyến đường này (cộng với 2 chiếc cầu) gần 500 tỉ đồng. Dự kiến đầu tháng 12 mới có thể lựa chọn được đơn vị thi công, bởi theo luật Đầu tư công, đối với những công trình lớn, ít nhất phải mất 406 ngày tính từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư cho đến chọn nhà thầu.
Chính quyền H.Phước Sơn đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng huyện khảo sát tất cả các điểm có nguy cơ và cắm biển báo trước ngày 30.9. Đồng thời, rà soát lại các điểm thường xuyên sạt lở, khoét hàm ếch trên các tuyến đường này để có giải pháp xử lý tạm.
Bên cạnh đó, chủ động bố trí kinh phí dự phòng ngân sách của huyện với phương châm “hư tới đâu sửa chữa tới đó”, để đảm bảo đi lại an toàn cho nhân dân sau các trận mưa lớn. “Chúng tôi dự kiến sẽ mua 70 tấn lương thực, thực phẩm để hỗ trợ nhân dân 3 xã vùng cao này và một số nhân dân ở xã Phước Công. Số lượng thực phẩm này sẽ được chuyển vào tích trữ tại nhà làng và trụ sở UBND các xã trước ngày 15.9”, ông Trung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.