Từ Hoàng Sa đến Trường Sa

31/12/2014 10:25 GMT+7

Năm 2014 là năm tai nạn hàng hải tăng đột biến, nhất là tại Hoàng Sa. Vì vậy, để cứu tàu, cứu người, Đà Nẵng MRCC phải đương đầu nhiều hơn với sóng gió.

Năm 2014 là năm tai nạn hàng hải tăng đột biến, nhất là tại Hoàng Sa. Vì vậy, để cứu tàu, cứu người, Đà Nẵng MRCC phải đương đầu nhiều hơn với sóng gió.

Từ Hoàng Sa đến Trường Sa
Ông Bùi Tân Nguyên động viên 9 ngư dân tàu cá QNg 94762 bị chìm do đá ngầm - Ảnh: Nguyễn Tú
Chạy đua cứu ngư dân
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng MRCC cho biết năm 2014 ít bão biển nhất trong 10 năm qua, nhưng tai nạn hàng hải tăng đột biến, nhiều phức tạp với 71 vụ (26 tàu chết máy, 8 tàu đâm va, phá nước, mắc cạn, 27 vụ tai nạn lao động, bệnh tật, 10 vụ mất tích…). Có thời điểm tai nạn 2 - 3 vụ đồng thời, nhiều vụ xảy ra ở khu vực Hoàng Sa, hải trình hơn 300 hải lý, có lúc 2 tàu SAR 274 và 412 phải cùng lúc ứng cứu.
Như rạng sáng 5.3.2014, tàu cá QNg 94762 hành trình về bờ trong sương mù dày đặc đã đâm đá ngầm vỡ tàu. 9 ngư dân chỉ kịp báo nạn rồi nhảy xuống làn nước lạnh ngắt. Nhận định tầm nhìn hạn chế trong khi phải cứu vớt khẩn cấp nên Đà Nẵng MRCC điều cả 2 tàu tham gia tìm kiếm và cứu được toàn bộ ngư dân. Vụ tàu SAR 274 cứu tàu QB 92729 (11 ngư dân) gãy trục láp thoát bão Rammasun ngoạn mục ngày 15.7.2014. Còn SAR 412 là “tàu con thoi” tung hoành cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa năm 2014. Giữa tháng 11.2014, sau khi đưa tàu cá QNg 55985 cùng 8 ngư dân trôi dạt ở vùng biển đông nam Hoàng Sa về Quy Nhơn an toàn, SAR 412 đang tránh gió thì nhận lệnh đi Trường Sa cứu ngư dân Bùi Văn Lục (43 tuổi, quê Quảng Ngãi) của tàu cá QNg 95618 bị đau ruột thừa trong điều kiện sóng gió dữ dội.
Ông Nguyên nói vui, càng về cuối năm số vụ cứu nạn càng dồn dập đến nỗi tiền mua nhiên liệu cho tàu phải nợ. Đây cũng là năm Đà Nẵng MRCC huy động nhiều lượt tàu nhất trong 18 năm thành lập với 32 lượt (18 lượt SAR 412, 14 lượt SAR 274), cứu sống 165 người (1 người nước ngoài), gián tiếp cứu 161 người, giữ được 12 tàu.
Mệnh lệnh đặc biệt
Ông Trần Văn Long, nguyên Giám đốc Đà Nẵng MRCC cho biết, 10 năm trước trung tâm chỉ có 1 tổ trực ban và mỗi tàu SAR 27-01. Vì vậy, khi có tai nạn ngoài Hoàng Sa trên 300 hải lý, phải nhờ hải quân hoặc tàu nước ngoài. Nhưng dần dần đội ngũ được đào tạo, tàu thuyền được trang bị hiện nâng tầm hoạt động. “Hai năm trở lại đây nhờ cải tiến khoang chứa nhiên liệu, các tàu SAR nâng tầm hoạt động thêm 100 hải lý, đảm bảo cứu nạn ngoài phạm vi 350 hải lý”, thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn nói.
Còn ông Bùi Tân Nguyên cho biết thêm, tai nạn trên biển tại Hoàng Sa cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng ngư dân, nên nhiệm vụ các tàu SAR càng nặng nề. Thuyền trưởng SAR 274 Nguyễn Văn Hòa kể, như vụ ngày 20.8.2014, SAR 274 phải chạy đua với tử thần khi ngư dân Nguyễn Văn Nghĩa (43 tuổi, tàu cá QNg 95689) bị móc sắt xuyên qua nách, mất máu bất tỉnh, SAR 274 khẩn trương đưa bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 TP.Đà Nẵng ra Hoàng Sa đưa ngư dân về bờ cấp cứu kịp thời, giữ được mạng sống. Ông Phan Xuân Sơn tâm sự: “Cứu nạn ở Hoàng Sa là mệnh lệnh rất đặc biệt, bởi ở đó không chỉ có ngư dân đang chờ đợi, mà sự có mặt của SAR 412 còn giúp ngư dân vững tin vào lực lượng cứu nạn VN luôn có mặt cả ở vùng biển cam go nhất. Như hôm 31.8.2014, tàu cá KH 94969 bị hỏng máy thả trôi nhiều ngày, cạn kiệt lương thực, nước ngọt trong khi Hoàng Sa có mưa giông, ngư dân mệt mỏi, hoảng loạn. Sau gần 1 ngày cứu nạn, SAR 412 đã đưa tàu cùng 9 ngư dân về đất liền an toàn. Nhìn bà con ngư dân vui mừng, sung sướng, chúng tôi cũng vui lây, bao nhiêu mệt nhọc, vất vả đều tiêu tan hết...”.
Ngư dân còn chủ quan
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng MRCC cho rằng nỗ lực vươn khơi bám biển giữ ngư trường của bà con ngư dân rất đáng biểu dương, tuy nhiên ngư dân hành nghề rất... chủ quan. “Đa phần trên tàu không trang bị tủ sơ cấp cứu và các loại thuốc thông dụng như ngộ độc, cảm lạnh, đau đầu... Nhiều vụ chúng tôi tiếp cận ngư dân bị tai nạn thương tích, họ không có cả bông băng cầm máu mà dùng quần áo quấn quanh rất tạm bợ, dễ nhiễm trùng, do đó ngư dân cần nâng cao ý thức, đảm bảo sơ cứu kéo dài sự sống cho nạn nhân ban đầu trước khi tàu cứu nạn đến”, ông Nguyên nói.
“Số vụ tai nạn hàng hải ngày càng tăng, liên tiếp, tính chất ngày càng phức tạp cho thấy lực lượng cứu nạn VN cần có thêm đội tàu lớn, mới đáp ứng được mong mỏi của ngư dân, nhất là tại những ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Trần Văn Long, nguyên Giám đốc Đà Nẵng MRCC nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.