Từ một cuộc gặp ở quán cà phê (*)

16/12/2005 14:15 GMT+7

Khoảng 1981-1982, không đủ đất mở một trại gà để đuổi, tôi mở một tiệm cà phê nhỏ, cùng với hai người bạn trẻ Đỗ Trung Quân và Cao Tuân, phóng lớn trên nguyên mặt tường trông ra đường tấm tranh Mẹ và Con (1922) của Fernand Léger, để có thể vừa sống vừa vui. Tại sao lại là Léger? Tôi nghĩ bụng: vừa đẹp, lại vừa chắc! Bạn bè cũ mới tấp nập, trong nam ngoài bắc, đêm cũng như ngày, đếm không hết. Trong số những người đến thăm, có một người anh em trẻ không quen nhiều, nhưng có cái nhìn thẳng rất nhiệt tình, sau đó trở thành một trong những người tôi gặp hàng ngày: anh Nguyễn Công Khế.

Thanh Niên ra đời từ đó, từ một cuộc gặp gỡ, và giống như một số những tờ báo tôi có nhúng tay vào, có thể nói báo ra đời ở một quán cà phê vỉa hè, lần này là trên đường Võ Văn Tần, nghĩa là ngoài đường phố.

Tôi không thể nào nhớ hết những lời rủ rê của Khế. Trước đó khá lâu, về chuyện sách báo, tôi có đem lại năm bảy cái vui nhỏ cho anh em Thanh niên Xung phong, có khi đã cùng với những anh em này ngủ rừng, kể chuyện ma dưới trăng, ca hát này nọ. Vui với những anh em trẻ, nhưng tôi lúc nào cũng cần có một cuộc sống riêng, lúc nào tôi cũng đang làm nửa chừng một chuyện sách vở, vẽ vời gì đó.

Cách mạng vào đến Sài Gòn, tôi thất lạc hết những bản thảo, những ghi chép, nhiều thứ viết lách, những trang dịch thuật xếp thành nhiều tập dày cộm, vô số sách báo và tài liệu design mà tôi đã tha về từ những chuyến đi nước ngoài trước đó. Nghĩ đến những thứ mất mát này, nhiều đêm tôi không ngủ được. Có đêm thức giấc, tôi nhận ra mình đã có khóc trong khi ngủ.

Phụ một tay với Thanh Niên, tôi đã quyết định tạm gác một thời gian những công việc riêng tư kia, và nhận cái vui được hi sinh, được cùng chia sẻ với những người bạn trẻ những thử thách lãng mạn, những mơ ước làm khác, những khó khăn mà tôi đã đoán trước là không dễ vượt qua – những khó khăn không ở đâu như ở đây.

Ban đầu, tôi nghĩ: không có tôi, vẫn có thể có người khác; sau đó, tôi lại nghĩ: không, e sẽ không có ai sẵn lòng như tôi; và sau cùng, tôi kết luận: dứt khoát không có ai sẵn lòng như tôi. Thế là tôi ngồi xuống, và trong mấy năm đã cùng chia sẻ những gian khổ, những thăng trầm với các bạn bè cũ mới ấy...

Những người thường lui tới Thanh Niên cả vào những giờ khuya khoắt như các anh Khế, Mẫm, Tịnh, Giám, chắc không quên những đêm thức trắng của nguyên một đám anh em trẻ quây quần bên một anh chàng râu tóc đã bắt đầu bước qua tuổi năm mươi. Ai nấy cúi xuống trên những tờ phim và nhũ, cặm cụi trau chuốt từng nét mực kẽ, từng miếng băng keo, để tờ báo lên máy kịp thời, đẹp đẽ vào ngày hôm sau. Còn những người quây quần quanh cái bàn sáng ấy, tôi tin chắc giờ đây tản mác mỗi người một nơi, vẫn không ai quên được những gói thuốc lá thơm và những ly cà phê đen đậm bốc khói, xuất hiện vào những lúc bất ngờ nhất ngay bên chỗ mình đang làm việc... Tôi cũng rất tin là giờ đây mỗi người một ngả, không ai quên những buổi sáng xong xuôi công việc, đôi mắt thâm quầng vì thức trắng đêm, chúng tôi ai nấy ngồi trên những chiếc ghế thấp đóng bằng gỗ tạp, phì phà điếu Hoa Mai trước cổng một biệt thự ở đường Minh Khai, nơi từng là “tòa soạn” đầu tiên của báo, thưởng thức thứ cà phê trộn bắp rang khô đã trở thành quen từ bảy tám năm trước... 

Những người bạn xưa có người đã ra đi. Hoàng Ngọc Nguyên đã ra đi. Huỳnh Tấn Mẫm đã ra đi. Bùi Đình Lâm đã ra đi. Một gương mặt khả ái của tòa soạn là cô Mai cũng đã ra đi. Tôi cũng là một trong những người bạn xưa ấy. Khi tờ báo bước vào giai đoạn có thể được gọi tương đối có nền nếp – vâng, chỉ có thể tạm gọi như thế, bởi vì tôi hiểu là về sau, các anh chị em ở lại, trước tiên là anh Nguyễn Công Khế, cùng với nhiều anh chị em mới, vẫn còn phải có nhiều nỗ lực, nhiều sáng kiến, và nhiều đấu tranh để tờ Thanh Niên vẫn là Thanh Niên mơ ước của những người trẻ tuổi – tôi bắt đầu nghĩ đến cái phần riêng tư của cuộc sống sách vở của tôi, và tôi đã rút lui về với căn gác xép còn ngổn ngang những bản dịch Brodsky bỏ dở từ năm bảy năm trước đó, những sách và báo mà tôi may mắn còn nhận được từ bạn bè bà con ở nước ngoài, và bên cạnh cái máy chữ cọc cạch Japes xưa, mấy trang giấy ngả vàng đánh máy lại theo trí nhớ từ những trang viết về chuyến đi Saitama đã thất lạc, cùng với nhiều thứ trong một trận cháy không có tên trong lịch sử ở đường Trần Bình Trọng...

Ra đi, tôi chỉ mong Thanh Niên tìm ra được những người ít nhất có nhiệt tình như, hay hơn tôi, để đỡ đần công việc. Tôi biết những anh em trẻ sau này không thiếu những người có thể có khả năng. Tôi mong Thanh Niên có thể chan hòa với cái mới không tránh khỏi, để có thể có được sự tiếp tay rộng rãi của những người trẻ tuổi đó. Bây giờ, và trong tương lai.

Ra đi, tôi lấy làm tiếc lắm. Cái cuộc sống riêng tư bên cạnh sách vở là rất quí, và rất cần. Nhưng những đêm giúp anh em làm ra một sản phẩm mà tôi tin chắc là có phải là tốt hơn không có, với tôi cũng là rất quí, rất cần. Trở về quanh quẩn trong chuồng bồ câu với Proust, với Tiểu thuyết mới, với những nhà thơ Beat Bắc Mỹ và những người viết trẻ Ba Lan, và vài ba thứ nghệ thuật đã từng đeo đuổi thời tuổi trẻ với tôi tất nhiên là điều hấp dẫn, yên ổn, nhưng làm sao tôi có thể không nghĩ tới những công việc “đầu sóng ngọn gió” mà giờ đây những anh em khác đang phải đảm đương một mình? Làm sao tôi có thể không nhớ những đêm trắng chong đèn ngồi một mình rị mọ trên những bài viết về văn hóa văn nghệ mà một thời không ghi trên giấy trắng mực đen tôi đã được anh em tin và nhờ... đọc giúp cho tòa soạn? 

Ngày xưa, khi cha tôi trở về với gia đình, khi cha đã có thể ngồi cùng với vợ con dưới một mái nhà, ăn những bữa ăn ấm cúng không như thời một thân một mình trong vùng kháng chiến, lẽ ra chúng tôi phải đọc được cái vui tột độ nơi người, đằng này không, người ra vào đi đứng thẫn thờ, thẫn thờ cả những lúc ngồi chung với vợ con, như thật ra còn vẫn tiếc rẻ những đêm và ngày mang ba lô đạp xe băng rừng, đường xa nghe đâu có khi đến cả ba bốn trăm cây số hay hơn thế nữa, giữa cái lạnh thấu xương của miền núi, để đi họp bàn về thuế nông nghiệp, tiếc rẻ những khúc sông quá cạn phải vác xe lên vai lội bộ ra thuyền, những ngọn gió mênh mông và những buổi hoàng hôn vùng châu thổ, hay giọng hát của một cô văn công gặp trong một quán nước ngã ba đường, ai mà biết...(*)

Tôi có đang mang tâm trạng của cha tôi khi trở về thành? Ai mà biết...

Hoàng Ngọc Biên

*Trích Chuyến xe, truyện, Hoàng Ngọc Biên, 68 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1997 & www.tienve.org 03.11.2005.

(*) Tít do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.