Từ một vụ tự tử - có nên bỏ xét xử lưu động?

23/12/2013 08:20 GMT+7

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì không có điều khoản nào quy định về việc tòa án xét xử lưu động. Tuy nhiên, trên thực tế, các tòa án thường tổ chức xét xử lưu động để thông qua đó tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa.

 
Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Châu Thành, Tây Ninh - Ảnh: Giang Phương

Và cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của việc xét xử lưu động, đó là số lượng người tham dự rất đông nên hiệu quả giáo dục pháp luật rất tốt. Tuy nhiên nó vẫn còn nhiều bất cập, đó là gây tâm lý hoang mang, lo lắng, xấu hổ cho bị cáo, làm cho họ khó hòa nhập cộng đồng sau khi phải chấp hành án…

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2013, Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị can Nguyễn Thanh Kỳ, thường trú tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình xảy ra vụ án thì gia đình và bản thân Nguyễn Thanh Kỳ đã tích cực khắc phục hậu quả cho bị hại, thành khẩn khai báo… cho nên bị can Nguyễn Thanh Kỳ được cho tại ngoại để chờ ngày xét xử.

Cho đến vào chiều ngày 19.12, tức là trước một ngày xét xử lưu động, UBND xã Tam Đại đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc xét xử để bà con nhân dân đến xem. Do xấu hổ trước việc bị xét xử lưu động, rồi áp lực từ gia đình, bị can Nguyễn Thanh Kỳ đã uống thuốc độc tự tử trước sự bàng hoàng và đau xót của gia đình. Anh Kỳ ra đi khi mới bước sang tuổi 25.

Trước khi có thông tin xét xử lưu động thì bị can Nguyễn Thanh Kỳ vẫn làm việc bình thường. Nhiều người cho rằng giá như vụ án này được xét xử kín thì có lẽ hậu quả đau lòng trên không thể xảy ra hoặc có biện pháp bảo vệ bị can trước khi đưa ra xét xử, bởi lẽ tâm lý con người thường cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi bị đưa thông tin không tốt đẹp cho mọi người biết và họ sẽ có những phản ứng tiêu cực.

Xét xử lưu động hiện không có văn bản pháp luật quy định cũng như những mặt tiêu cực của nó mang lại cho bị can, bị cáo và từ hậu quả đau lòng của vụ việc trên. Thiết nghĩ rằng tòa án nên bỏ việc xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật mà thay vào đó là các hình thức tuyên truyền khác.

Nguyễn Quốc Sử * 

* Bài viết thể hiện văn phong và cách nhìn của tác giả, người công tác trong ngành Tư pháp ở Tam Kỳ, Quảng Nam

>> Xét xử 'đại án' tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư bào chữa
>> Có hành vi tham nhũng
>> Vụ án tham nhũng ở ALCII: Kháng nghị tăng án 3 bị cáo
>> Tham nhũng làm suy yếu tăng trưởng
>> Bắt tạm giam cán bộ tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.