Từ năm 2020, chính thức bỏ 'viên chức suốt đời'

Vũ Hân
Vũ Hân
26/11/2019 05:45 GMT+7

Chiều 25.11, Quốc hội thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

Chỉ có 3 đối tượng được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”

Với 426/454 đại biểu (ĐB) có mặt tán thành (88,2% tổng số ĐB), dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ (CB), công chức (CC) và luật Viên chức (VC) đã được Quốc hội (QH) thông qua với nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt là chế độ hợp đồng đối với VC.
Trước đó, sau khi trao đổi và tranh luận, dự thảo luật mới được chỉnh sửa quy định thời hạn hợp đồng sẽ là 12 - 60 tháng. Trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với VC. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, VC đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiếp tục ký kết hợp đồng làm việc với VC. Trường hợp không ký tiếp hợp đồng thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Kể từ ngày luật mới có hiệu lực, chỉ có 3 đối tượng được hưởng chế độ “VC suốt đời” là: CB, CC được chuyển sang làm VC tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật này; người được tuyển dụng làm VC làm việc tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; và những người đã có hợp đồng không xác định thời hạn từ trước khi luật có hiệu lực. QH cũng giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện.
Đối với việc xử lý CB, CC đã nghỉ hưu bị kỷ luật, luật cũng chưa quy định các hệ quả đi kèm với từng hình thức kỷ luật, mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Về điều khoản này, có ý kiến ĐB đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn. Có ý kiến lại đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.
Giải trình các ý kiến này, Ủy ban thường vụ (UBTV) QH cho rằng, xử lý kỷ luật đối với CB, CC đã nghỉ việc, nghỉ hưu “là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện”.
Do đó, UBTVQH “xin được quy định trong luật nguyên tắc chung”. Luật cũng quy định mọi CB, CC đã nghỉ hưu nếu vi phạm vẫn sẽ bị kỷ luật, chứ không riêng gì cấp nào (trước đó, có một số ý kiến cho rằng chỉ nên kỷ luật cán bộ cấp thứ trưởng trở lên - PV).
Dự án luật cũng không còn định nghĩa “người tài” dù đã tốn rất nhiều công sức tranh luận, vì UBTVQH cho rằng, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau; việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã “xin phép QH không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo luật”.
Với 440/483 ĐB bỏ phiếu đồng ý, chiều 25.11, ông Hoàng Thanh Tùng, (53 tuổi) Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật được QH bầu thay thế ông Nguyễn Khắc Định làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH. Trước đó, cũng có 433/451 ĐB bỏ phiếu bầu ông Tùng là Ủy viên UBTVQH. Sau khi bỏ phiếu kín, QH đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về việc bầu ông Tùng giữ 2 chức vụ trên.

Quy định về miễn thị thực cho người vào khu kinh tế ven biển

Chiều 25.11, QH đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, dự án luật quy định về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với một số điều kiện. Cụ thể, việc miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển sẽ “do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển KT-XH và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Giải trình, tiếp thu nội dung này, UBTVQH cho rằng việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển với những nội dung trên “là bảo đảm chặt chẽ”.
Việc bổ sung quy định này là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều điện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xét các điều kiện trên, Vân Đồn và Phú Quốc (2 ứng viên đã được đưa ra thí điểm xây dựng “đặc khu” tại dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) sẽ đáp ứng được yêu cầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.