Từ ngày 1.10: Xốc lại tinh thần làm việc sau thời gian dài 'ngủ đông'

30/09/2021 09:31 GMT+7

Sau thời gian dài ở nhà, nhiều bạn trẻ đã dần quen nhịp sống thong thả, chậm rãi, thậm chí dễ bị ù lì. Vậy khi bước sang trạng thái bình thường mới, xốc lại tinh thần làm việc như thế nào để “bùng nổ” với công việc.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp, giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đầu tiên các bạn trẻ nên thiết lập lại thói quen sinh hoạt lành mạnh. Trong thời gian nghỉ dịch, không ít bạn trẻ có chế độ ăn uống thiếu điều độ, do đó nên ăn uống lành mạnh và cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe, lấy lại thể trạng để xốc lại tinh thần làm việc sắp tới. 
“Ngoài ra, sau một thời gian dài nghỉ dịch, cơ thể chúng ta đã quen với việc thức khuya, dậy trễ. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc đi làm trở lại một cách thật hiệu quả, chúng ta nên thay đổi thói quen sinh hoạt này bằng cách ngủ sớm và dậy sớm. Điều này, giúp chúng ta cân bằng lại nhịp sinh học và tinh thần hứng khởi hơn để chuẩn bị cho một chuỗi ngày làm việc mới”, thạc sĩ tâm lý Hồng Điệp khuyên.
Một điều đặc biệt, theo chị Hồng Điệp, bạn trẻ cần lên kế hoạch làm việc cụ thể để tránh rơi vào tình trạng đầu óc “trống rỗng” sau thời gian dài “ngủ đông”: “Kỳ nghỉ dài do dịch bệnh có thể tác động tới sức khỏe và hiệu suất làm việc của chúng ta. Để tránh rơi vào tình trạng trống rỗng sau dịch chúng ta cần duy trì sức khỏe, năng suất làm việc để kiểm soát các kế hoạch của mình. Hãy đặt mục tiêu cho bản thân, lên danh sách những việc cần thực hiện trong những ngày đi làm trở lại, lập kế hoạch cho các hoạt động, học thêm một vài khóa học nâng cao năng lực, kỹ năng của bản thân...”.
Cũng theo thạc sĩ tâm lý Hồng Điệp, trong dịch bệnh, những nỗi lo không chỉ là bệnh tật, sức khỏe mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập. Những lao động trẻ mất thu nhập trong một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh, các bạn gặp nhiều căng thẳng. Nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái lo sợ, e ngại tiếp xúc với cộng đồng. Vậy làm thế nào để tìm kiếm niềm vui, đam mê và mục tiêu trong thời gian đi làm trở lại?
“Các bạn hãy chấp nhận tình trạng thực tại và có thái độ tích cực. Thay vì nghĩ đến những ngày mệt nhọc đã qua thì hãy để đầu óc thư giãn, làm bất cứ những việc giúp tâm trạng trở nên tốt hơn, thoải mái hơn thì sẽ làm bạn bớt bị áp lực, căng thẳng. Chắc chắn sự chán nản sẽ xuất hiện trong tâm trí, nhưng đừng vì lý do này mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc trong giai đoạn bình thường mới. Vượt qua đại dịch, chúng ta sẽ học được cách tiết kiệm hơn, biết lo lắng cho sức khỏe, biết trân trọng những ngày tháng được ở bên gia đình và người thân”, Chị Hồng Điệp gửi lời khuyên bạn trẻ xốc lại tinh thần làm việc thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.