“Ở góc độ cá nhân, nếu đem đổi 96 HCV ở SEA Games lần này để có được tấm HCV Olympic, tôi sẵn sàng chấp nhận”, Phó trưởng đoàn thể thao VN dự SEA Games 26 Trần Đức Phấn thổ lộ.
Dĩ nhiên, 96 tấm HCV của thể thao VN đạt được tại SEA Games lần này đều là thành quả từ “mồ hôi, nước mắt” của các VĐV. Tuy nhiên, đã đến lúc thể thao VN phải đặt ra mục tiêu cao hơn, đầu tư mạnh mẽ hơn để bước ra đấu trường lớn, như giấc mơ về tấm HCV Olympic mà ông phó trưởng đoàn mong mỏi.
Trên thực tế, tại SEA Games 26, thể thao VN thi đấu thành công ở những môn cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic như thể dục dụng cụ (11 HCV), điền kinh (9 HCV), bắn súng (7 HCV), bơi (2 HCV)… Ngoại trừ Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Hoàng Quý Phước (bơi lội), thành tích của tất cả các VĐV đoạt HCV ở những môn thể thao này còn kém xa thành tích châu Á, thậm chí chưa đoạt chuẩn Olympic chứ đừng nói chuyện mơ đến tấm HCV ở Olympic.
Với điền kinh, Trương Thanh Hằng vẫn vật lộn với mục tiêu đạt chuẩn đến Olympic dù cô hoàn toàn không có đối thủ trên đường chạy Đông Nam Á. Không nhiều giải đấu quốc tế nữa để Thanh Hằng thực hiện mục tiêu đó. Trong khi đó, với nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương, đường đến Olympic bằng suất đấu chính thức trở nên xa vời bởi chấn thương đã nhấn chìm cô ngay tại sân chơi khu vực vừa qua. Thành tích của Dương Văn Thái (800m), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Đào Xuân Cường (400m rào), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp)… cũng chỉ đủ giải quyết huy chương ở tầm khu vực, còn đấu trường Olympic nằm ở một tầm và đẳng cấp cao hơn khá nhiều.
Vì vậy, những người đứng đầu ngành phải cần tỉnh táo để thấy rằng những VĐV kỳ vọng có huy chương của thể thao VN ở Olympic như Hà Thanh, Quý Phước, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Hà Thanh làm thế nào để nâng cao thành tích khi phải tập luyện tại sân tập thể dục dụng cụ ở Nhổn (Hà Nội) vốn thiết bị tập luyện xuống cấp trầm trọng cả chục năm nay, như trưởng lời bộ môn Nguyễn Kim Lan bộc bạch. Càng không thể hy vọng Quý Phước có thể mỗi ngày cải thiện thông số thành tích cao hơn trên đường đua xanh do đến nay Hiệp hội Thể thao dưới nước lẫn Đà Nẵng vẫn chưa có lộ trình rõ ràng để đầu tư cho kình ngư này.
Với cử tạ, sự lựa chọn đầu tư chuyên biệt cho tài năng trẻ Thạch Kim Tuấn hay ĐKVĐ SEA Games Trần Lê Quốc Toàn vẫn nằm ở thế lưng chừng theo kiểu “một người một chút” khiến cả hai vẫn chưa thể đột phá về mặt chuyên môn.
Thể thao VN đoạt hạng 3 chung cuộc ở SEA Games 26, nhưng nếu so về thành tích Olympic, chúng ta xuống tận hạng 6, sau Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và cả Philippines. Đó không chỉ là chuyện thứ hạng mà còn ở cách làm thể thao của VN. Ví dụ, Malaysia đã cất những niềm hy vọng tranh vàng Olympic của họ trong các môn cầu lông, xe đạp ở nhà tập luyện để chuẩn bị cho Olympic London 2012. Điều này đã được Malaysia chuẩn bị từ nhiều năm trước chứ không phải hôm nay như Trưởng đoàn thể thao Datuk Naim Mohamad từng nói trước khi lên đường dự SEA Games 26: “Chúng tôi đã đoạt nhiều HCV ở nhiều kỳ SEA Games, nên sẽ không đặt chỉ tiêu cao ở lần này. Chúng tôi sẽ để các VĐV của các môn cơ bản Olympic như cầu lông, xe đạp… được dưỡng sức để tập trung chuẩn bị cho Olympic 2012”.
Không thể phủ nhận những cơ quan đầu ngành thể thao và VĐV của VN đã nỗ lực vượt bậc để có được thành tích rực rỡ ở SEA Games 26. Thế nhưng, khi nhìn sang cách làm thể thao của một số nước trong khu vực Đông Nam Á, thì chừng đó chỉ mới là bắt đầu.
Hoàng Quỳnh
Bình luận (0)