Tự soi để xấu hổ

Thu Hằng
Thu Hằng
27/12/2019 04:45 GMT+7

Tháng 9.2019, đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội về cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở xã Lương Sơn, H.Thường Xuân (Thanh Hóa) đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo gây xôn xao trên mạng xã hội.

Mặc dù tuổi cao, được hỗ trợ các chế độ dành cho hộ nghèo nhưng cụ Mơ vẫn xin ra khỏi diện hộ nghèo với lý do: “Vì nhiều người còn khổ hơn tôi”. Từ câu chuyện của cụ Mơ, “phong trào” viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã lan rộng cả nước, góp phần cổ vũ động viên người nghèo trên cả nước vươn lên thoát nghèo. Tại H.Lục Ngạn (Bắc Giang), trong tháng 10.2019 có 43 hộ viết đơn xin “thôi nghèo”. Chỉ riêng xã Môn Sơn, H.Con Cuông (Nghệ An) có 15 người làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ tỉnh khó khăn ở miền núi phía bắc như Điện Biên, đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum, Long An... đến nay đã có hàng trăm lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, công tác giảm nghèo có những chuyển biến tích cực và là một điểm sáng trong năm 2019 của ngành LĐ-TB-XH. Ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo tại các địa phương đó đã thể hiện hiệu quả của những chính sách giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Dù vẫn còn khó khăn vất vả, nhưng vì muốn nhường sự hỗ trợ, giúp đỡ cho những người còn khó khăn, thiếu thốn hơn mình.
Trong khi những người nghèo vì lòng tự trọng đã từ bỏ tư tưởng “còn nghèo còn lợi” để vươn lên trong cuộc sống, thì thời gian qua có không ít những lãnh đạo, cán bộ lợi dụng chính sách nhân văn của nhà nước để trục lợi từ chính sách giảm nghèo, đưa người thân, vợ con vào danh sách hộ nghèo để được thụ hưởng sách hỗ trợ về vốn vay, nhà ở, cây, con giống... Thậm chí, có chủ tịch xã ở Nam Định đưa con đi làm “con nuôi” người khác để hưởng chính sách cho người nghèo, hay tại Đà Nẵng mới đây có nhiều quan chức, cán bộ thu nhập cao nhưng vẫn đăng ký mua căn hộ thu nhập thấp... khiến dư luận vô cùng bất bình. Vì lòng tham, họ đã bỏ quên cả liêm sỉ, tư lợi trên những đồng tiền của người nghèo, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Câu chuyện người nghèo làm đơn xin thoát nghèo còn là tấm gương để những ai, những cán bộ đang cố tình bằng cách này hay cách khác trục lợi chính sách “tự soi” lại mình để cảm thấy xấu hổ, tự vấn với lương tâm.
Để ngày càng có nhiều hộ nghèo tự nguyện thoát nghèo, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ, nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, thiết nghĩ cần phải tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh những cán bộ, lãnh đạo trục lợi chính sách. Đằng sau mỗi lá đơn thoát nghèo không chỉ là cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khát vọng làm giàu mà còn là niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, vào những người có quyền từ thấp đến cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.