Từ STEM mơ về đổi mới giáo dục

13/04/2018 16:00 GMT+7

Một câu hỏi lãng mạn đặt ra, với những nền giáo dục 'không tuyệt vời bằng', ta có dám mơ tạo ra 'những Bill Gates?'.

Mới đây, Bill Gates được cộng đồng mạng đặt câu hỏi trên trang Ask Me Anything of Reddit: “Nếu được sinh ra trong một gia đình có thu nhập thấp, ông có nghĩ rằng ông có thể trở nên giàu có như bây giờ không?”. Bill Gates thẳng thắn trả lời, đại ý: “Tôi được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời mà nếu không có chúng, tôi sẽ không bao giờ được học toán, được tiếp xúc với phần mềm sớm như vậy để thành công…”.
STEM và bài học xứ người
Nếu chương trình sách giáo khoa của Việt Nam lâu nay bị phàn nàn là nặng lý thuyết, ít ứng dụng, thì một trong những thay đổi lớn trong “Chương trình Giáo dục Phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT chủ trì sắp tới, là giáo dục tích hợp STEM.
STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Mathematics (toán học) - chỉ một chương trình giáo dục tích hợp, trong đó học sinh không chỉ tiếp nhận các môn học rời rạc. Chúng liên kết với nhau (liên môn) qua các mô hình, các ứng dụng thực tiễn. Chẳng hạn, các môn toán, lý, công nghệ… có thể được cùng học thông qua việc thiết kế một công trình mô hình. STEM không chỉ là công nghệ cao siêu mà có thể xem là cách để học sinh học các môn khoa học cơ bản một cách thú vị hơn. Trong đó không thể loại trừ trụ cột khoa học xã hội…
Ra đời ở Mỹ từ thế kỷ 20, STEM không xa lạ với các nền giáo dục phát triển, kể cả các nước châu Á như Hàn Quốc. Tuy nhiên ở ta, STEM chỉ mới manh nha ở các đơn vị giáo dục tư nhân. Theo thí điểm của Bộ GD-ĐT, các tiết học liên môn theo STEM đã có mặt ở một số nơi: Trường Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Gia Thiều (TP.HCM), trường Hà Nội - Amsterdam, Tạ Quang Bửu (Hà Nội)… Tuy nhiên, làm sao để STEM trở thành cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cho mọi học sinh, chứ không phải chỉ là đặc quyền của học sinh trường điểm, cũng là tinh thần đổi mới hướng đến.
“Mang chuông đi đánh xứ người”
Trong hội thảo “Kiến tạo tương lai từ giáo dục khoa học ứng dụng STEM” do Samsung Vina tổ chức với sự tham dự của đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM vừa qua, câu chuyện STEM đã được đưa ra thảo luận giữa đại diện Sở này, các nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục, thầy cô và phụ huynh...
Thầy Phạm Ngọc Tiến - Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “STEM không phải những vấn đề lớn lao mà cần bắt đầu từ những bài học nhỏ, gần gũi…” chính vì thế, cơ hội học STEM có thể được tạo ra từ bất cứ đâu, từ gia đình, nhà trường, sân chơi. Việc tạo không gian cho học sinh trải nghiệm STEM không chỉ là việc của riêng các tổ chức giáo dục nhà nước mà còn cần tích cực xã hội hóa, kết nối với doanh nghiệp, chẳng hạn sự hỗ trợ từ Samsung và Lego Education trong những dự án giáo dục sắp tới, đặc biệt là dự án Học viện STEM.
Hội thảo Kiến tạo tương lai từ Giáo dục STEM
Hội thảo Kiến tạo tương lai từ Giáo dục STEM
Học viện STEM thiếu nhi đang được “thành hình” sẽ là một nơi học tập, chia sẻ tri thức đầy cảm hứng với nhiều khu vực như góc công nghệ, sân khấu thiếu nhi, vườn thư giãn. Quan trọng hơn, đây cũng địa điểm tổ chức các lớp học về STEM cho thiếu nhi liên quan đến coding, sáng tạo, giải quyết vấn đề và tích hợp nhiều kỹ năng khác.
Và khi đó, kết quả đáng hi vọng sẽ tương tự như bốn nhóm học sinh xuất sắc tranh tài tại cuộc chơi lớn First Lego League vào tháng này ở Mỹ. Đây là cuộc thi toàn cầu, hằng năm thu hút hơn 250.000 thí sinh từ 32.000 đội chơi đến từ 88 quốc gia. Cuộc thi là nơi các em đưa ra các ý tưởng giải quyết các vấn đề thực tiễn qua các mô hình robot với kiến thức cơ bản được áp dụng từ STEM.
Chủ đề năm nay “Hành trình của dòng nước” thực sự đã cuốn hút những người chơi nhỏ tuổi vào câu chuyện mang tính vấn đề của thế giới: tìm ra giải pháp giúp hạn chế lãng phí và ô nhiễm nguồn nước…
Một trong những đại diện Việt Nam góp mặt tại cuộc thi “First Lego League” toàn cầu tại Mỹ đang chạy thử robot trên sa bàn để giải quyết những vấn đề xử lý nước
Một trong những đại diện Việt Nam góp mặt tại cuộc thi “First Lego League” toàn cầu tại Mỹ đang chạy thử robot trên sa bàn để giải quyết những vấn đề xử lý nước
Không chỉ là trò chơi lắp ghép mô hình mà những mảnh ghép lego đã chứa đựng trí tuệ, sự sáng tạo cũng như đam mê, trách nhiệm của tuổi trẻ trước các vấn đề xã hội. Từ những mô hình biến hóa nhiều cảm hứng này, sẽ có những kỹ sư, những nhà lập trình, nhà khởi nghiệp, nhà hoạt động xã hội... ra đời - những người kiến tạo tương lai. Đó cũng là tinh thần giáo dục mà các tập đoàn quốc tế như Samsung hay Lego Education muốn xây đắp.
Trở lại câu chuyện STEM tại Việt Nam, chúng ta có quyền ước mơ những nhóm bạn trẻ tài năng của Việt Nam sẽ mang về những giải thưởng cao từ sân chơi First Lego League. Khi đó, “quả ngọt” đáng khích lệ từ phương pháp STEM đã cho mùa đầu tiên và một “Học viện STEM” trong mơ, sẽ là nơi ươm mầm những hạt giống quý để Việt Nam bắt kịp nhịp giáo dục thế giới.
Trong 2018, Công ty Điện tử Samsung Vina hợp tác chiến lược với Lego Education triển khai chuỗi hoạt động trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng tập trung vào lĩnh vực giáo dục, chú trọng đưa phương pháp STEM tiếp cận học sinh Việt Nam.
Cụ thể gồm xây dựng học viện STEM cho thiếu nhi, tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích học hỏi và sáng tạo... Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong chuỗi hoạt động Trách nhiệm Doanh nghiệp với cộng đồng (CSR) của Samsung, vốn tập trung vào lĩnh vực giáo dục, truyền cảm hứng học hỏi cho thế hệ trẻ bằng công nghệ và những mô hình học tập tiên tiến trong nhiều năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.