Tự tạo cơ hội - Kỳ 66: Kiếm tiền tỉ nhờ Bơm vô ống

01/10/2014 03:00 GMT+7

Ông Đỗ Văn Trường (P.Tân Bình, TX.Tam Điệp, Ninh Bình) đã chế tạo và bán những máy bơm nước mang tên Bơm vô ống , mỗi năm thu về khoảng 500 triệu đồng tiền lãi.

Chiếc Bơm vô ống được lắp đặt tại HTX Đông Vân - Ảnh: Đinh Dụng

Năm 1991, anh Trường xuất ngũ trở về địa phương và mở xưởng cơ khí tại nhà. Trong quá trình chế tạo, sửa chữa nhiều loại máy bơm trục đứng công suất bơm hàng ngàn mét khối nước mỗi giờ tại địa phương, anh nhận thấy những máy bơm này không chỉ tiêu thụ lượng điện năng quá lớn mà việc xây trạm bơm, cửa hút, cửa xả… cũng rất tốn kém. Người lính năm xưa luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để chế tạo một chiếc máy bơm đơn giản, gọn nhẹ, tiêu thụ điện năng ít nhưng công suất bơm vẫn đảm bảo chống hạn, chống úng cho đồng ruộng và chi phí thấp.

“Qua nghiên cứu và quan sát, tôi đã rút ra một số nguyên lý của bơm đó là ống càng ngắn, càng tiết kiệm năng lượng cho bơm, lực nâng nước do hệ thống cánh quyết định chứ không phải do ống và vòi. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng sẽ chế tạo ra một chiếc máy bơm không dùng ống và vòi”, anh Trường chia sẻ.

Năm 2003, anh Trường bắt tay vào chế tạo thử nghiệm với kỳ vọng sẽ biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Sau 6 tháng, chiếc máy “Bơm vô ống” đầu tiên được trình làng. Máy bơm có cấu tạo và cơ chế hoạt động khá đơn giản. Cánh bơm quay và guồng nước qua nhờ hệ thống truyền lực từ động cơ sang trục bơm bằng dây cua roa, khi bơm nước xong sẽ có bộ phận đậy nắp kín và lúc này thân bơm có tác dụng như tấm ngăn nước. Để thử nghiệm, anh Trường ký hợp đồng với Đội sản xuất số 1, Nông trường Đồng Giao (TX.Tam Điệp, Ninh Bình) nhận tưới tiêu cho 40 ha lúa với tiền công chỉ bằng một nửa so với giá trên thị trường. Máy hoạt động tốt, đúng như mong đợi, với cùng một lượng nước bơm được, lượng tiêu thụ điện của Bơm vô ống giảm 3,5 lần so với bơm trục đứng thông thường.

Do thiết kế gọn nhẹ nên việc lắp đặt Bơm vô ống cũng rất đơn giản. Chỉ cần lắp trực tiếp vào mang cống lấy nước nội đồng đã có sẵn ở các hợp tác xã mà không cần phải xây trạm bơm, dùng chung với điện lưới, không cần xây trạm điện riêng... Một ưu điểm nữa của Bơm vô ống là có thể bơm được 2 chiều bằng cách đảo pha điện để thay đổi chiều quay động cơ, giúp cho việc tưới, tiêu dễ dàng mà không phải xây thêm cửa hút, cửa xả, bể điều tiết nước, giảm chi phí lắp đặt.

Chủ nhiệm HTX Đông Vân (xã Ninh Vân, H.Hoa Lư, Ninh Bình) Đỗ Đình Long cho biết năm 2009, HTX Đông Vân đã lắp đặt một chiếc Bơm vô ống động cơ 12 kW, công suất bơm 2.500 m3/giờ phục vụ tưới tiêu cho gần 20 ha lúa. “Trước kia, chúng tôi phải thuê trạm bơm xã Ninh An cách đây hơn 1 km phục vụ tưới tiêu với tiền thuê là 20 triệu đồng/vụ nhưng phải mất 2 ngày mới đủ nước cho bà con cày cấy. Từ khi có máy Bơm vô ống, chỉ cần máy chạy 4 - 5 giờ đồng hồ là ruộng đã đủ nước. Quan trọng hơn, mỗi vụ chúng tôi chỉ phải bỏ ra khoảng 800.000 đồng tiền điện”, ông Long nói.

Hiện tại, một chiếc Bơm vô ống công suất bơm 4.000 m3/giờ dùng động cơ 20 kW, đường kính cánh 90 cm ra lò từ xưởng của anh Trường có giá 70 triệu đồng. Những chiếc Bơm vô ống đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước và đem về cho “cha đẻ” của chúng khoảng 500 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Đinh Dụng

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 63: Đưa bánh tráng nước dừa đi xa
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 64: Lên phố núi trồng hoa lily
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 65: Đưa bưởi da xanh xuất ngoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.