Tự tạo cơ hội - Kỳ 17: Nông dân sang Nhật săn giống đậu bắp

04/04/2014 03:05 GMT+7

Lặn lội sang Nhật học cách trồng rồi đưa giống đậu bắp về, trồng thành công sau đó chuyển giao cho nhiều nông dân khác cùng làm giàu, đó là cách làm của ông Tư Trung ở ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi, H.Bình Tân, Vĩnh Long.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 17: Nông dân sang Nhật săn giống đậu bắp

Ông Tư Trung tâm huyết với giống đậu bắp Nhật - Ảnh: T.Đức

Học ở xứ sở Phù Tang

Chuyến tháp tùng cùng đoàn cán bộ tỉnh đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản năm 2007 là một dấu mốc trong cuộc đời ông Tư Trung (tên thường gọi của ông Lê Văn Trung, 48 tuổi). “Lần đầu tiên được đi ra nước ngoài, cảm giác của tôi vừa hồi hộp, vừa sung sướng. 15 ngày ở Nhật tuy ngắn ngủi nhưng lại vô cùng quý báu đối với cá nhân tôi. Chuyến đi đó giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng rau hữu cơ, rau an toàn, đặc biệt là đối với giống đậu bắp Nhật. Lần đó, tôi nghiên cứu tìm hiểu kỹ thị trường nội địa nước bạn và mua được hơn 100 hạt giống đậu bắp đem về Việt Nam”, ông Tư Trung kể.

Sau khi đem giống về nước, bênh cạnh việc nghiên cứu, học hỏi qua tài liệu, sách vở, ông Tư Trung còn đến Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để nhờ các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật ươm giống. Từ 100 hạt giống đậu bắp Nhật, ông ươm nảy mầm được khoảng 50%. Số cây giống ít ỏi đó được ông nâng niu như báu vật. Từ đó, ông cẩn thận từng bước nhân giống, gieo trồng rộng rãi, cung cấp giống miễn phí cho bà con. “So với đậu bắp thông thường thì giống đậu bắp Nhật với nhiều ưu điểm vượt trội như cây phát triển tốt, khả năng kháng sâu bệnh cao, trái đẹp đồng đều, nặng, vỏ trái có màu xanh đậm... trồng 50 ngày là thu hoạch, mỗi ngày mỗi hái nhưng phải 3 tháng sau mới tàn”, ông Tư Trung nói.

Cùng bà con làm giàu

“Nơi đây bà con sống chủ yếu dựa vào nghề trồng rẫy nên điều làm tôi trăn trở nhất là cây giống không đạt chuẩn khiến cho trái không đồng đều. Vì thế, tôi nhất quyết bỏ ra một năm để nghiên cứu, tìm tòi nguồn giống thích hợp”, ông Tư Trung kể. Chỉ hơn 6 năm sau ngày thử nghiệm thành công giống đậu bắp Nhật, ông Tư Trung cùng bà con nông dân đã trồng mỗi vụ hàng chục héc ta, cung cấp cho các công ty xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm, mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các luống đậu bắp, ông Tư Trung (nay đang là Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi) chỉ tay về hướng ruộng đậu bắp của ông Chín Đường (ngụ ấp Thành Nhân) nói: “Hiện 4 công đậu bắp của anh Chín đang trong kỳ thu hoạch, so với trồng lúa thì 1 công đậu bắp cho thu nhập cao gấp nhiều lần, bình quân từ

12 - 15 triệu đồng. HTX còn cung ứng giống miễn phí cho bà con nông dân, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 7.500 đồng/kg (loại 1); 5.000 đồng/kg (loại 2). Ngoài ra, HTX còn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng thuốc sinh học an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, ngụ ấp Thành Trí cho biết: “Chỉ 2 tuần nữa là 11 công đậu bắp của gia đình tôi thu hoạch. Tôi không lo đầu ra nữa vì HTX đã bao tiêu hết. Do giống đậu bắp này chịu được thời tiết khắc nghiệt nên vụ này tôi chắc đạt khoảng 150 triệu đồng. Có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của anh Tư Trung từ tìm giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nông dân chúng tôi chỉ bỏ công tỉa đậu và thu hoạch”.

Thời gian qua, HTX rau an toàn Thành Lợi đã ký hợp đồng tiêu thụ với nhiều công ty lớn ở Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, TP.HCM và Hà Nội. “Hiện có một đối tác ở Singapore đang đặt hàng 1 tấn/ngày và yêu cầu đóng thùng xuất thẳng qua đó nhưng tiêu chuẩn của đối tác này rất cao. Do đó, HTX đã tiến hành thử nghiệm và bước đầu thành công về cách bảo quản độ tươi của trái đậu bắp theo yêu cầu của đối tác này và đang chào hàng cho họ”, ông Tư Trung tự tin cho biết.

Thanh Đức

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 14: Trồng cà chua cao sản
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 15: Xây dựng thương hiệu cho cá lăng
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 16: Nuôi tép đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.