Tự tạo cơ hội - Kỳ 52: Làm đồ mỹ nghệ cho du khách

25/08/2014 02:00 GMT+7

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (45 tuổi, làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP.Hội An, Quảng Nam) chế tác đã theo du khách quốc tế lên những chuyến bay về nước.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (45 tuổi, làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP.Hội An, Quảng Nam) chế tác đã theo du khách quốc tế lên những chuyến bay về nước.

Làm đồ mỹ nghệ cho du khách
Ông Huỳnh Sướng giới thiệu mặt hàng mộc mỹ nghệ cho du khách Hàn Quốc - Ảnh: Hoàng Sơn

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 51: Xếp đèn lồng vào túi du khách
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 50: Rẽ trái để làm giàu

Kim Bồng là một làng mộc trứ danh nằm ở vùng hạ du, bên dòng sông Thu Bồn. Từ xưa, nhiều thế hệ thợ mộc của làng đã tham gia thi công các hạng mục quan trọng trong cung điện, đền đài vua chúa. Nhưng đến những năm 80 thế kỷ trước, nghề mộc Kim Bồng lâm vào đà lụi tàn. Đó cũng là lý do ông Huỳnh Sướng phải lang bạt vào tận TP.HCM làm thuê vì quê hương không có đất “dụng võ”. “Những năm đi làm ăn xa, nhờ sáng tạo và chăm chỉ nên tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng nghĩ cứ đi miết rồi nghề của cha ông, tiên tổ ai sẽ gìn giữ nên tôi quyết định trở về quê lập nghiệp”, ông Sướng kể.

Nhờ khéo tay lại thường xuyên tìm tòi nên những sản phẩm do ông Sướng làm ra được nhiều khách hàng ưa chuộng. Sau một thời gian dành dụm, ông mở cơ sở ngay tại nhà. Những sản phẩm nào tâm đắc, ông không bán mà giữ lại để làm vật trưng bày. Suốt mấy chục năm qua, ông đã dành được một kho sản phẩm điêu khắc hết sức độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao.

Sau khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, ông Sướng mở một nhà trưng bày sát bến đò - cửa ngõ vào xã Cẩm Kim về phía bắc. Tại đây, ông còn mở thêm một xưởng mộc để vừa trình diễn nghề thu hút du khách vừa trực tiếp bán cho họ. Ông thiết kế ra hàng loạt mẫu mã đồ mỹ nghệ với nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Đối với khách châu Á, ông thường giới thiệu những mặt hàng có thể bỏ túi để làm đồ lưu niệm như: đũa, gươm gỗ, tượng gỗ các loại… Còn khách châu u, châu Mỹ, ông lại bán những sản phẩm mang tính chất tiêu dùng như: bàn, ghế, gường, tủ… Mới đây, ông thiết kế thêm chiếc đĩa gỗ có tạc hình chùa Cầu. “Nhiều du khách đã tìm đến mua mặt hàng này để mang về nước vì chiếc đĩa mang tính một biểu tượng của phố cổ”, ông Sướng hồ hởi.

Ngoài làm hàng cho du khách, ông Sướng còn nhận nhiều đơn hàng tu bổ những công trình chùa chiền trị giá hàng tỉ đồng. Tiếng lành đồn xa, mới đây, một khách sạn lớn tại Đà Nẵng đã đặt hàng trị giá 3 tỉ đồng để ông Sướng thiết kế những nội thất bằng gỗ cực kỳ sang trọng như: giường đế vương, giường hoàng hậu… Việc sản xuất ngày càng mở rộng, ông Sướng đã thuê khoảng 40 lao động (lương 5 - 6 triệu đồng/người) tại địa phương làm việc.

“Để thu hút và để khách hàng tin tưởng thì sản phẩm làm ra phải chất lượng và độc đáo. Vì thế, các sản phẩm của tôi luôn hướng tới quảng bá hình ảnh mộc Kim Bồng khi họ mang về nước”, nghệ nhân Huỳnh Sướng chia sẻ.

Đào tạo nghề cho các nước Trung Mỹ

Ông Sướng cho biết vào năm 2004, một dự án đã mời ông sang 3 nước Trung Mỹ để dạy nghề mộc cho người dân bản địa. Tại địa phương, ông đã đào tạo cho khoảng 60 thanh niên thành thợ mộc lành nghề. Vì những đóng góp to lớn trong việc vực dậy làng nghề mộc Kim Bồng, ngày 14.8, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho ông Huỳnh Sướng.

Hoàng Sơn

>> Tôn vinh sản phẩm thủ công mỹ nghệ
>> Mãn nhãn với hàng ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ
>> Mỹ nghệ từ vỏ lon

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.