Từ trang báo đến cuộc đời

02/01/2004 16:26 GMT+7

Bước vào năm 2004, Báo Thanh Niên lại thêm một tuổi. Một năm qua, hoạt động công tác xã hội đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự trưởng thành và lớn mạnh của tờ báo, Báo Thanh Niên đã trở thành cầu nối giữa bạn đọc cả nước với nhiều số phận kém may mắn cần được giúp đỡ. Chúng tôi xin được nêu lại một số trường hợp tiêu biểu.

Những ai có mặt đều khó quên giọt nước mắt hạnh phúc của Cill Pame Raby - sinh viên Khoa nhạc Trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt khi nhận suất học bổng từ chương trình “Vì ngày mai tươi sáng” (thuộc Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình do Công ty Gạch men Hoàng Gia tài trợ).

Nhà Cill nghèo lắm, cha mẹ mất sớm, lúa gạo trên rẫy cũng bị hạn hán cướp đi mất nên bữa đói bữa no. Vậy mà vượt lên số phận, Cill học giỏi trở thành niềm từ hào của cả núi rừng. Rồi Ka Nhung -cô thiếu nữ người dân tộc K’Ho đẹp người đẹp nết - dù đi bộ mỗi ngày hơn 4 km, vẫn chưa một lần dám bỏ lớp.

Kỷ niệm 10 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (3/1/1986 - 3/1/1996) Báo Thanh Niên được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Kỷ niệm 16 năm ngày phát hành số báo đầu tiên (3/1/1986 - 3/1/2002) Báo Thanh Niên lại vinh dự được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba cho Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế.
Ngoài ra, trong 18 năm qua, cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên còn nhận được nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành; trong đó, Bộ Tư pháp tặng bằng khen cho Ban Công tác Bạn đọc Báo Thanh Niên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2000.

Chương trình “Vì ngày mai tươi sáng” cũng đã đến với người dân nghèo Khmer ở huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Biết bao em phải vất vả trên từng cánh đồng ngập nước mùa lũ. Có em hàng ngày phải đi cắt cỏ mướn, tối về phải phụ xong công việc nhà mới cầm đến quyển tập nhưng vẫn vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi.

Vâng! Có thể nói cũng nhờ sự giúp đỡ cao quý của các nhà hảo tâm mà  biết bao số phận được đổi đời. Hẳn bạn đọc còn nhớ cô gái mù Nguyễn Thị Thanh Tiên (ở thôn 10, Xuân Hòa, Hương Long (TP Huế) đăng trên Báo Thanh niên số ra ngày 19/5/2003.

Cha em nguyên là giáo viên đã qua đời, mẹ em tảo tần nuôi 3 đứa con nhỏ. Thanh Tiên dù bị mù nhưng vẫn miệt mài học tiếng Trung Quốc rất giỏi, em có nguyện vọng được sang Trung Quốc điều trị. Khi báo vừa phát hành, bạn đọc khắp nơi đã hưởng ứng lời kêu gọi, hỗ trợ cho Thanh Tiên trên 25  triệu đồng, giúp giấc mơ của em trở thành hiện thực.

Rồi em Lương Văn Nguyên (Thôn 1, xã Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam) bị tim bẩm sinh rất nặng, cuộc sống chỉ được tính từng ngày. Ngay sau bài viết “Xin hãy cứu giúp một trái tim bất hạnh” đến tay bạn đọc, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Giám đốc Viện Tim TP Hồ Chí Minh, cháu Nguyên đã được cứu sống và hiện nay đã đi học lại bình thường. Em học rất giỏi, thỉnh thoảng viết thư vào cho chúng tôi.

Mới đây nhất, trường hợp chị Dương Thị Bương ở Đồng Kho (huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận) cũng thấm đầy nước mắt. Nỗi cơ cực của người phụ nữ bị ung thư giai đoạn cuối cùng 4 đứa con tội nghiệp đã lay động nhiều trái tim bao dung của bạn đọc. Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) tình nguyện đón nhận tất cả các con của chị vào nuôi nấng, dạy dỗ. Với số tiền hơn 44 triệu đồng được bạn đọc gởi tặng, chị Bương đang được điều trị.

Phóng viên Báo Thanh Niên đang tiếp bạn đọc tại tòa soạn.

Sự kiện 18 học sinh Quế Sơn (Quảng Nam) bị chìm đò tại thượng nguồn sông Thu Bồn làm cả nước bàng hoàng, đau xót, từ đó, chương trình “trang bị thuyền máy cho Quế Sơn” và “xây dựng cây cầu vĩnh cửu cho trẻ em Nông Sơn” đã được bạn đọc hưởng ứng mạnh mẽ với số tiền và hiện vật lên đến trên 1,2 tỷ dồng được chuyển tới Báo Thanh Niên.

Cũng trong năm qua, chương trình tặng xe đạp cho 100 học sinh vượt khó cũng được Báo Thanh Niên tiếp tục được triển khai tại huyện Đạ Huoai ,huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), do Công ty TNHH Việt Mỹ Thành (TP Hồ Chí Minh tài trợ).

Khi tờ lịch trên tường chỉ còn 2 ngày nữa sẽ bước sang năm mới thì chương trình “Nguồn sáng cho đời” của Báo Thanh Niên do Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC tài trợ được khởi động... Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tổ chức đợt 1 cho chương trình này, giúp cho gần 100 bệnh nhân được sáng mắt đón mừng xuân mới.

Sắp tới, một số người dân nghèo, mù các tỉnh Quảng Ngãi, ĐBSCL, Nam Trung Bộ.. cũng có chung hạnh phúc tuyệt vời này. Và đúng như tên gọi, chương trình “nguồn sáng cho đời” sẽ “tiếp lửa” thắp ánh sáng và niềm tin cho nhiều số phận kém may mắn.  

Năm 2004, bắt đầu cho một tuổi mới, chúng tôi lại càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình trước sự tin yêu của bạn đọc. Không bao giờ tự bằng lòng với những gì đã có mà còn phải cố gắng nhiều hơn nữa khi ngọn nến lung linh của sinh nhật tuổi 18 được thắp lên.

Vài số liệu về công tác xã hội - học bổng Nguyễn Thái Bình năm 2003 của Báo Thanh Niên

* Công tác xã hội

Đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên đang tặng quà cho bà con vùng lũ tại miền Trung vừa qua.

Có 76 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị  bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền gần 700 triệu đồng do bạn đọc giúp đỡ. Xin đơn cử một số trường hợp đặc biệt được bạn đọc đóng góp giúp đỡ với số tiền rất lớn như: cháu Hồ Thị Mỹ Lụa (Bình Định), bệnh tim được 60 bạn đọc đóng góp với số tiền 85.138.000đ, cháu Lương Văn Nguyên (Quảng Nam) bệnh tim bẩm sinh được 105 bạn đọc đóng với số tiền 57.430.000đ; 46 bạn đọc đóng góp giúp cô gái mù Nguyễn Thị Thanh Tiên (Huế) có điều kiện đi Trung Quốc chữa bệnh với số tiền 20.800.000đ; chị Dương Thị Bương (Bình Thuận) bệnh ung thư giai đoạn cuối được giúp 45.070.000đ, 4 con chị được Làng SOS Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) nhận về nuôi dưỡng; thầy giáo Cao Thanh Vân (Lâm Đồng) bệnh ung thư tuyến giáp, được bạn đọc giúp 31.550.000đ...

Phụng dưỡng suốt đời 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Ngãi với số tiền 5.200.000 đồng/năm do Công ty CP Khử Trùng Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) tài trợ.
Công ty Vinafax hổ trợ Trường Tình thương Tích Thiện (Đồng Nai): 12.000.000 đ/năm. DNTN Võng xếp Duy Lợi (TP Hồ Chí Minh) xây  1 phòng học và 1 phòng làm việc cho trường với kinh phí 50.000.000đ
Xây 1 căn nhà tình nghĩa cho Mẹ liệt sĩ Đặng Thị Liễu ở Long An, trị giá  18.000.000đ do Công ty Gạch men Hoàng Gia (ROYAL) tài trợ.

 

Tặng 100 chiếc xe đạp cho các em học sinh vượt khó ở 2 huyện Đạ Huoai và Lâm Hà( Lâm Đồng). Quyên góp, cứu trợ, khám bệnh phát thuốc miễn phí bà con bị lũ lụt miền Trung, với tổng trị giá tiền, hàng hóa hơn 336 triệu đồng (trong đó có 186 triệu đồng tiền mặt).
Bạn đọc hưởng ứng 2 cuộc vận động lớn của Báo Thanh Niên “Trang bị thuyền máy cho Quế Sơn” và “Xây dựng một cây cầu vĩnh cửu cho trẻ em Nông Sơn” đóng góp được số tiền, nguyên vật liệu, trang thiết bị với tổng trị giá là 1.209.510.500đ (trong đó có 929.510.500đ tiền mặt) dùng để trang bị 8 chiếc thuyền máy, giúp gia đình 18 em bị nạn, xây cầu vĩnh cửu cho trẻ em Nông Sơn.
Chương trình “Nguồn sáng cho đời” do Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC tài trợ đã khởi động với đợt 1 tại tỉnh Bình Dương với 94 bệnh nhân được mổ mắt ,kinh phí 127 triệu đồng.

* Học bổng Nguyễn Thái Bình:
Từ 40 suất, mỗi suất 30.000 đ/tháng của những năm đầu thành lập (năm 1990), nay lên đến 257 suất, mỗi suất 1.000.000đ của năm học 2001 - 2002. Năm học 2002 - 2003, đã trao 250 suất học bổng, trị giá 250.000.000đ. Đặc biệt, chương trình “Vì ngày mai tươi sáng” thuộc Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình, do Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (Vũng Tàu) tài trợ, chính thức hoạt động vào cuối tháng 4/2003, đến nay đã trao được 105 suất, trị giá 85.000.000đ cho học sinh các tỉnh Kiên Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Bình Định.
Ngoài ra, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên và Trường Đào tạo Tài năng phối hợp trao 10 suất học bổng công nghệ thông tin, trị giá 20 triệu đồng/suất cho các thủ khoa đại học năm 2003.
Tính từ ngày thành lập đến nay, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã trao 2.598 suất trị giá 2.386.760.000đ.

T.N

                                                                       Công Sơn - Tuấn Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.