Phạm tội gì, nếu bán độ không còn là nghi án?

19/12/2005 15:16 GMT+7

Ngoài những ý kiến bức xúc, phẫn nộ của bạn đọc xung quanh nghi án các cầu thủ bán độ trong SEA Games 23 vừa qua, Tòa soạn tiếp tục nhận được những câu hỏi của nhiều bạn đọc quan tâm: Nếu điều tra có kết quả là các cầu thủ có bán độ, thì pháp luật xử về những tội gì? Báo Thanh Niên số ra ngày 15/5/2005 có nêu ý kiến của luật sư Trịnh Văn Hiệp. Nay chúng tôi tiếp tục đăng ý kiến của luật sư Trương Đình Tùng - Đoàn luật sư TP.HCM:

Xung quanh nghi án các cầu thủ bóng đá bán độ mà các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua đăng tải, giới nghề chúng tôi cũng có tranh luận về vấn đề này. Để trả lời các câu hỏi mà bạn đọc quan tâm, tôi cũng xin có vài quan điểm chia sẻ cùng bạn đọc: Đặt giả thiết các cầu thủ đội tuyển bóng đá nam bán độ thì có hay không có tội, nếu có thì tội gì? pháp luật xử lý như thế nào? Đã có quan điểm cho rằng giả thiết có thể xảy ra với ba tội danh như Báo Thanh Niên ở trang 8 số 349 ra ngày 15.12.2005 đã đề cập. Thứ nhất: Tôi cho rằng tội “Lừa đảo” không thể xảy ra trong trường hợp này. Vì không thể có việc pháp luật bảo vệ cho người bị hại trong tội lừa đảo, vì người bị hại trong trường hợp này lại cũng là người phạm tội, bởi quan hệ về cá độ bóng đá là một quan hệ bất hợp pháp. Thứ hai: Tôi đồng tình quan điểm rằng: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể được áp dụng cùng lúc áp dụng tội nhận hối lộ. Vì hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc trong trường hợp này có thể xảy ra cùng lúc thực hiện hành vi nhận hối lộ. Thứ ba: Điều quan trọng nhất là tôi muốn chia sẻ cùng quý bạn đọc về tội nhận hối lộ trong trường hợp này. Chủ thể ở tội danh này là chủ thể đặc biệt. Có ý kiến cho rằng cầu thủ không phải là chủ thể đặc biệt bởi vì chỉ có người có chức vụ quyền hạn mới bị khởi tố về tội danh này. Căn cứ cấu thành tội danh này rất rõ. Tôi xin nhắc lại: Nếu giả thiết “bán độ” tức dàn xếp tỷ số có xảy ra, theo quan điểm của tôi: chủ thể là cầu thủ bóng đá của đội tuyển quốc gia nên được coi là người có quyền hạn. Quyền hạn ở đây được hiểu là người thực hiện nhiệm vụ được giao phó trong hoạt động thể thao. Vì không phải ai cũng có quyền khoác áo tuyển thủ quốc gia thi đấu vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Vậy khi anh cố ý không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ để nhận hoặc sẽ nhận một giá trị vật chất nhằm có lợi cho người khác là anh đã thực hiện hành vi nhận hối lộ. Do vậy, cần tránh sự nhầm lẫn khi cho rằng quyền hạn chỉ có khi có chức vụ vì cầu thủ bóng đá không phải là người có chức vụ.

Ngoài ra, ở đây, tôi muốn nêu ra với bạn đọc một giả thiết khác để cùng bàn bạc, tuy ít có khả năng xảy ra nhưng nếu có thì sao? Đó là trường hợp điều tra xác minh được có việc dàn xếp tỷ số nhưng lại không xác định được việc dàn xếp tỷ số vì động cơ tư lợi về vật chất? (có thể vì mục đích khác như để tạ ơn chẳng hạn), thì lúc này tội nhận hối lộ không thể đặt ra. Bởi luật Việt Nam không có quy định về loại hối lộ tạ ơn. Lúc này có tội hay không? Và có thì tội gì?

Hoàng Tạo
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.