Tư vấn trực tuyến chọn ngành nghề dự thi ĐH - CĐ 2008

15/01/2008 10:22 GMT+7

Vào lúc 15h ngày 15/1, Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tiếp tục với buổi tư vấn trực tuyến lần 2 của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2008 trên Thanhnien Online . Khách mời của chương trình gồm có PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) và TS Lê Thị Thanh Mai (Phó trưởng ban ĐH - sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM).

* Xin co Mai huong dan cho chung em biet phuong phap chon lua nganh nghe theo phuong phap trac nghiem (nhiều bạn đọc)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Một trong những điều cơ bản nhất mà những người làm công tác tư vấn tuyển sinh mong muốn là giúp học sinh chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực học tập.

Có nhiều cách để xác định sở thích nghề nghiệp. Cách được sử dụng đơn giản và thông dụng nhất hiện nay trên thế giới là sử dụng trắc nghiệm sở thích theo phân loại của TS. Holland. Cụ thể có 6 nhóm sở thích:

1. Nhóm R (Realistic): Là người có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; thích làm việc với đồ vật, máy móc, động, thực vật hoặc làm các công việc ngoài trời. Ngành nghề phù hợp: Các ngành về kiến trúc, an toàn lao động, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông - lâm nghiệp, cơ khí (chế tạo máy, luyện kim, tự động...), điện - điện tử, địa lý - địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp...

2. Nhóm I (Investigative): Là người có khả năng về quan sát, học hỏi, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề. Ngành nghề phù hợp: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất...); khoa học xã hội (Nhân học, Tâm lý, Địa lý...); Y - Dược; khoa học công nghệ (CNTT, Môi trường, Điện, vật lý kỹ thuật, Xây dựng...), nông - lâm (nông học, thú y...)

3. Nhóm A (Artistic): Là người có khả năng về nghệ thuật, về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu. Ngành nghề phù hợp: Các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình...); điện ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang, hội họa, giáo viên dạy Sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn...

4. Nhóm S (Social): Là người có khả năng về ngôn ngữ, thích làm những việc như giáo viên/giảng viên, cung cấp thông tin, chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho những người khác. Ngành nghề phù hợp: Sư phạm; giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn - hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sỹ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học...

5. Nhóm E (Enterprise): Là người có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác; có khả năng diễn thuyết, lãnh đạo hoặc quản lý. Ngành nghề phù hợp: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự...), thương mại, marketing, kế toán-tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, kỹ sư công nghiệp (ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên, biên tập viên...)...

6. Nhóm C (Conventional): Là người có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc làm công việc văn phòng. Ngành nghề phù hợp: Các ngành về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên...

Sau khi đọc các khái niệm trên, em có thể chọn 2 nhóm thích hợp nhất với mình và việc khó khăn tiếp theo là tìm ngành phù hợp với sở thích. Việc làm này quả thật là khó với trên 3.000 ngành đào tạo bậc đại học. Hơn nữa việc xác định theo định nghĩa như trên khó chính xác vì mang tính chủ quan. Vì vậy em có thể làm trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp, xác định năng lực học tập để tìm ngành học phù hợp tại địa chỉ website hướng nghiệp sau: http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/. Để có kết quả chính xác về sở thích nghề nghiệp, em cần trả lời hết các câu hỏi. Chúc em xác định được sở thích và chọn được ngành học phù hợp.

* Cho em hoi lua chon nganh nghe dua tren nhung co so nao de lua chon cho hop ly? Va nganh kinh te thi can nhung yeu to the nao moi dat duoc thanh cong? (Nguyen Tran Nhan SY, 18 tuổi, Nam, Long Xuyen_An giang, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Việc lựa chọn ngành nghề tốt nhất nên dựa trên sở thích vì nếu không có sự đam mê thì sẽ khó lòng thành công trong học tập. Sau khi chọn ngành mình thích em nên chọn trường để thi dựa theo khả năng của mình. Một số những điểm chú ý khi chọn ngành nghề:

- Không nên chọn theo phong trào.

- Cần tìm hiểu kỹ thông tin về các ngành mình muốn theo học để đối chiếu với bản thân xem có phù hợp hay không.

Theo thống kê hiện nay khá nhiều sinh viên khi chọn ngành nghề thường là bị tác động bởi bạn bè, người thân, truyền thống gia đình mà không theo sự đam mê, sở thích của bản thân. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp chán nản, học đối phó dẫn đến kết quả học tập không tốt.

Theo đặc thù của ngành kinh tế thì người học cần phải có tính năng động, quyết đoán, khả năng tính toán, sắp xếp công việc hợp lý...

* Hiện nay Trường Đại học Nông Lâm có nhiều ngành điểm trúng tuyển không cao lắm, và đa phần các ngành đó thuộc nhóm ngành Nông - Lâm. Trong khi đó thì nhóm ngành công nghệ thông tin, kinh tế luôn dẫn đầu số điểm trúng tuyển. Vậy thế mạnh của Trường Đại học Nông Lâm là đào tạo ngành gì? Ngành Nông - Lâm kết hợp khi ra trường sẽ làm gì? Làm ở đâu? (Nguyễn Đức Tân, 18 tuổi, Nam, Xuân Lộc-Đồng Nai, Học sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là một trường ĐH đa ngành, bên cạnh những ngành nghề truyền thống như Nông, Lâm nghiệp thì có rất nhiều ngành khác như là CNTT, Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ KT Ô tô... Điểm trúng tuyển của trường được xét theo ngành, không phải ngành nào cũng điểm chuẩn thấp. Điểm cao hay thấp là còn tùy vào số lượng sinh viên thi vào hằng năm, do đó sẽ có năm điểm trúng tuyển cao và ngược lại.

Ngành Nông Lâm kết hợp là ngành kết hợp giữa Nông học và Lâm nghiệp. Ngành này phù hợp cho những địa phương có diện tích rừng lớn. Ví dụ như phát triển rừng thì đồng thời cũng phát triển Nông nghiệp. Ngành này khi tốt nghiệp ra trường sẽ làm ở các sở nông nghiệp phát triển nông thôn, chi cục kiểm lâm, các lâm trường, công ty quản lý rừng...

* Cháu chào TS Lê Thị Thanh Mai. Hiện cháu đang là học lớp 12 và cuối năm nay sẽ thi ĐH. Một trong những áp lực khá lớn của bọn cháu năm nay đó là nhất định phải "đậu ĐH" nếu không năm sau với chương trình mới, bọn cháu sẽ không còn nhiều cơ hội. Vậy nên, với sức học hiện tại là học sinh khá cháu vẫn có chút lo lắng khi chọn khoa Báo chí của ĐH KHXH&NV. Cháu có thể hỏi TS là thực tế qua đề thi ĐH các năm thì cháu nên chú trọng vào môn Anh, Văn hay Toán nhiều hơn (cháu thi khối D)? Và tỉ lệ chọi của khoa Báo chí có cao lắm không ạ? Hiện nay ngoài ĐH KHXH&NV ra, còn có trường ĐH (hay CĐ) nào ở TP.HCM đào tạo về ngành Báo chí không ạ? (nhóc cận, 18 tuổi, Nữ, 6/4 Trần Văn Khánh, Quận 7, học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban ĐH - sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM: Ngành Báo chí của trường ĐHKHXH&NV hằng năm tuyển sinh 2 khối C, D1. Mức điểm chuẩn khá cao, số thí sinh yêu thích ngành này nhiều nhưng chỉ tiêu thì có giới hạn. Nếu đã chọn khối thi nào thì em phải học thật tốt ở cả 3 môn thi. Hiện ở TP.HCM chỉ có trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) có đào tạo ngành này. Điểm chuẩn của ngành Báo chí, khối D1 năm 2007 là 18,0.

Em có thể tìm hiểu thông tin chi tiết hơn về ngành học tại địa chỉ website sau: http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/

Đại diện báo Thanh Niên tặng hoa cho khách mời tham dự chương trình. Ảnh Ngọc Thạch

* Năm nay có thi trắc nghiệm môn Toán không ạ? (nguyễn quang hiệu, 18 tuổi, Nam, thái nguyên, sinh viên)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Năm 2008 không có thi trắc nghiệm môn Toán.

* Em muốn được hỏi ngành Khoa học môi trường (Kỹ thuật môi trường) hiện nay có phải là ngành dễ kiếm việc làm, và lương có cao không? Nguồn nhân lực trong ngành này có khan hiếm không, các công ty có tuyển nhiều không? Nếu bây giờ em đang học ngành Khoa học môi trường, không học ngành Công nghệ thông tin thì có cần học trước căn bản về lập trình không? Căn bản về lập trình là học về những gì và có cần thiết không ạ? (nguyễn thị hân, 20 tuổi, Nữ, đại học sài gòn, sinh viên)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong lĩnh vực Khoa học môi trường (KHMT) hiện nay có các ngành sau: Kỹ thuật môi trường, Công nghệ môi trường, Quản lý môi trường và Kinh tế tài nguyên môi trường. Các ngành học này sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, các trường ĐH, các sở - phòng Tài nguyên môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp và các cơ quan quản lý môi trường khác. Đây là một trong những ngành rất cần thiết trong điều kiện đất nước cần đầu tư phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, để có việc làm hay không tùy thuộc vào năng lực của người sinh viên.

Các ngành này không yêu cầu về lập trình nhưng nếu em có kiến thức về lập trình hay CNTT thì sẽ phục vụ tốt hơn cho công việc chuyên môn sau này.

* Em dang hoc lop 12, nam nay thi dai hoc, cho em hoi nganh "kinh te cong cong" cua khoa kinh te DHQG nam ngoai lay bao nhieu diem? Em chua hieu "kinh te cong cong" la gi, hoc nganh nay lam ve linh vuc gi, lam o dau? (Dang anh Tram, 18 tuổi, Nữ, bien hoa, hoc sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Ngành Kinh tế công cộng của Khoa Kinh tế hiện nay có tên là Kinh tế và Quản lý công. Điểm chuẩn năm 2007 là 16 (khối A) và 20,5 (khối D1).

Theo học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn cao về quản lý kinh tế - xã hội công cộng; có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển và quản lý đô thị, quản lý vùng… Một số môn học giai đoạn chuyên ngành: Kinh tế học phát triển; Kinh tế công cộng; Quản lý công cộng; Kinh doanh quốc tế; Thị trường chứng khoán; Kế hoạch hóa và chính sách kinh tế; Chính sách công cộng; Quản trị kế toán; Tài chính công; Tài chính công của chính quyền địa phương; Quan hệ quốc tế; Mạng lưới thông tin; Tiền tệ và ngân hàng; Quản trị hành chính; Tâm lý quản lý và kinh doanh... Cử nhân ngành Kinh tế công cộng có khả năng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, có thể công tác ở các cơ quan nghiên cứu, quản lý nhà nước...

* Nganh nong hoc sau khi ra truong co the ve dong bang song cuu long lam duoc khong? Cong viec chinh la lam gi? (Tran Thien Truong, 19 tuổi, Nam, 311 Ton Dan f15 q4, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành Nông học là ngành đào tạo và cung cấp các kiến thức về đất đai, phân bón, cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại... Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước (sở Nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, chi cục bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông...) cũng như các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong các mảng trên như công ty giống cây trồng, công ty kinh doanh phân bón - thuốc bảo vệ thực vật... Do vậy, ngành này rất phù hợp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng (giữa), đang trả lời trực tuyến các câu hỏi cho bạn đọc. Ảnh Ngọc Thạch

* Muốn học về môi trường thì phải học những trường đại học nào và thi khối gì? (dương, 18 tuổi, Nam, 631 tran hung dao, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Một số trường có đào tạo các ngành liên quan đến môi trường tại TP.HCM: ĐH Nông Lâm (Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Kinh tế tài nguyên môi trường... thi khối A,B), ĐH Bách Khoa TP.HCM (Kỹ thuật môi trường), ĐH KHTN (Công nghệ môi trường), ĐH Công Nghiệp... Ngoài ra, còn có một số trường dân lập khác như ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng cũng có ngành Môi trường.

Để thi vào các ngành về môi trường bạn có thể thi khối A hoặc B tùy theo trường. Ví dụ: ĐH Nông Lâm (ngành Kinh tế môi trường thi A, D1; các ngành môi trường khác thi A, B), ĐH Bách Khoa (A), ĐH KHTN (A, B)...

* Trường Đại học Quốc tế ở TP.HCM những năm gần đây có lấy nguyện vọng 2 không ạ? (nguyẽn thị mai hương, 17 tuổi, Nữ, 61/3 Phan đình Phùng, Học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Trường ĐH Quốc tế là một trường thành viên của ĐHQG TP.HCM. Để tuyển được học sinh giỏi, hằng năm trường có dành chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng 2. Thông tin chi tiết về trường em có thể tham khảo tại địa chỉ website: http://www.hcmiu.edu.vn/

* Em muốn thi khối B, vậy trường ĐH Nông Lâm có những ngành nào thuộc khối B? (Diễm, 18 tuổi, Nam, bảo lộc, lâm đồng, học sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: ĐH Nông Lâm TP.HCM có rất nhiều ngành thi khối B như: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật môi trường, Nông học, Chăn nuôi, Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến thủy sản, Chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Công nghệ hóa học, Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên...

* Nganh Cong nghe sinh hoc cua truong dai hoc Khoa hoc tu nhien tuyen sinh hai khoi A va B, chi tieu cua tung khoi la bao nhieu? (le anh khoa, 18 tuổi, Nam, 397 NDC, hoc sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Chỉ tiêu theo từng khối thi đối với các ngành tuyển sinh theo nhiều khối thi sẽ được xác định dựa vào số thí sinh đăng ký dự thi. Chúc em học tốt.

* Xin các thầy, cô cho em biết trong hệ thống giáo dục của nước ta những ngành nào không phải đóng học phí? (Lê Đức Thái, 18 tuổi, Nam, Hà Tĩnh, Học sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngoại trừ các ngành Quân đội, Công an thì các ngành đào tạo hiện nay chỉ có ngành Sư phạm là không phải đóng học phí.

* Tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đại học nông lâm có việc làm có cao không ạ? (Mai Văn Tùng, 19 tuổi, Nam, Thanh Hoá, sinh viên)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông Lâm là một trong những trường mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm rất cao. Hiện nay có một số ngành của trường ở ngoài xã hội đang có nhu cầu rất cao như: Chế biến lâm sản, Cơ khí nông lâm, Cơ khí bảo quản chế biến... nhưng vẫn còn ít sinh viên quan tâm theo học.

* Em đang có dự định thi vào học ngành Kinh tế của trường đại học Kinh tế TP.HCM và khoa Kinh tế đại học Quốc gia TP.HCM. Nhưng em chỉ được chọn một trong hai trường đó. Em được biết trường đại học Kinh tế TP.HCM thì đã có tên tuổi từ lâu, chất lượng đào tạo cũng tốt và hiện nay nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng xuất thân từ trường này nhiều hơn. Các thầy cho em được biết em học trường nào hợp lí hơn ạ? (lê tấn nam, 19 tuổi, Nam, đại lộc-quảng nam, học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Chào em, câu hỏi của em rất hay và cũng thật khó trả lời. Thực tế, điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm nhất đó là năng lực và các kỹ năng của ứng viên chứ không phải ứng viên đó học ở trường nào. Vì vậy em có thể an tâm chọn ngành và đơn vị đào tạo mà em yêu thích và phù hợp với sức học của mình. Lưu ý không nên dựa vào tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu.

TS Lê Thị Thanh Mai (trái) đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thạch

* Các chú cho cháu hỏi ngành Công nghệ sinh học ra trường thì làm gì ạ? (hieu, 18 tuổi, Nam, tphcm, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Công nghệ sinh học là một ngành khoa học ứng dụng những thành tựu của sinh học vào nhiều lĩnh vực: Y học, Nông nghiệp (Giống cây trồng - vật nuôi), Chế biến, Môi trường... Do đó khi ra trường, các bạn có thể làm việc ở các lĩnh vực nêu trên. Ví dụ: làm tại các viện nghiên cứu, các công ty dược, công ty giống, bệnh viện, nhà máy chế biến...

* Thi vao truong dai hoc Bach khoa TP.HCM nganh Ky thuat giao thong. Khi tot nghiep cong ty, co quan nao tuyen dung? Cu the la lam cong viec gi? Em dang phan van du kien thi vao truong do. Rat mong qui thay cho biet. (tran cuong, 18 tuổi, Nam, thi tran cho gao tien giang, hoc sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Theo học ngành này sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng vững vàng về thiết kế, tính toán, tổ chức và điều hành tốt các hệ thống sản xuất ôtô, tàu thủy, máy bay, máy động lực: chế tạo, lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác, chế tạo phụ tùng, quản lý và đánh giá, kiểm định chất lượng các loại ôtô, tàu thủy, máy bay, máy động lực và các phương tiện hay thiết bị cơ giới gần với các loại trên (tàu hỏa, tàu cao tốc trên ray…).

Kỹ sư ngành Kỹ thuật giao thông có thể làm việc tại các cơ quan quản lý, điều hành, kiểm định chất lượng của các nhà máy chế tạo, lắp ráp, đóng mới, bảo dưỡng, sửa chữa các loại ôtô, tàu thủy, máy bay, máy động lực như: các nhà máy liên doanh lắp ráp ôtô, các nhà máy sản xuất động cơ hoặc có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo như các viện, trường; và các công ty, xí nghiệp trực thuộc các công ty dầu khí nước ngoài đang khai thác dầu khí trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt nam; các sở: Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Xây dựng, Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đoàn địa chất; các đoàn khảo sát; công ty xây dựng và ban quản lý dự án.

* Hien nay em muon hoc nganh Cong nghe ky thuat CO-DIEN TU cua truong dai hoc Nong Lam TP.HCM, vay cho em biet diem de dau vao nganh nay la bao nhieu? Khi hoc xong se lam viec o dau? (duông thanh tam, 18 tuổi, Nam, 222ngueyntatthanh,p13,q4,tpHCM, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành Cơ - Điện tử là một ngành kết hợp giữa cơ học điện và CNTT nhằm nghiên cứu để tạo ra những công cụ sản xuất thông minh, tự động. Đây là một trong những ngành mới, do đó điểm trúng tuyển mấy năm gần đây không cao lắm so với các trường khác. Ngành này sau khi ra trường có thể làm việc tại các công ty sản xuất cơ khí, các nhà máy có ứng dụng tự động hóa trong các khâu sản xuất.

* Em cảm thấy có khả năng ở môn Toán, Lý và Sinh. Như vậy em cần phải học như thế nào cho thích hợp và những ngành em chọn có phù hợp không? (Lê Trung Hiếu, 18 tuổi, Nam, Cần thơ, Học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Câu hỏi của em thật khó để trả lời vì cô chưa thể hiểu được năng lực học tập thực tế của em như thế nào nếu chỉ qua "cảm thấy". Theo cô, em có thể vào địa chỉ sau: http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/, điền vào phiếu đăng ký để vào trang chính. Sau đó em chọn chức năng "Tự đánh giá năng lực" để xác định sức học của mình, chọn khối thi và ngành học phù hợp.

Tuy nhiên, việc chọn ngành không chỉ dựa vào năng lực học tập, em cần tìm hiểu thêm về ngành học xem có phù hợp với sở thích của mình hay không, vì có yêu thích thì em mới quyết tâm và cơ hội thành công sẽ rất cao.

* Ngành Quản lý đất đai học xong ra trường mình sẽ làm gì, ở đâu? (Dương Tị Thùy Vân, 18 tuổi, Nữ, trường thpt Lai Vung 1, hoc sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành Quản lý đất đai là ngành đào tạo những kiến thức để phục vụ các công tác quản lý nhà nước về đất đai, ví dụ như: quy hoạch, đền bù giải tỏa, giao - cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định trong luật đất đai. Tốt nghiệp ngành này sinh viên sẽ làm việc ở các sở - phòng Tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, các công ty kinh doanh nhà đất...

Trao đổi trước khi trả lời những thắc mắc của bạn đọc.
Ảnh Ngọc Thạch

* Cho em hỏi là ĐHQG có mấy khoa Điện tử (đại học & cao đẳng) và chỉ tiêu của trường về các khoa đó? (Hoang, 18 tuổi, Nam, 43 Lê Văn Việt, học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Hiện trong ĐHQG TP.HCM có trường ĐH Bách Khoa có đào tạo ngành Điện - Điện tử (Điện năng, Điều khiển tự động, Điện tử - Viễn thông), dự kiến chỉ tiêu là 650, trường ĐH Khoa học Tự nhiên có đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông, chỉ tiêu dự kiến: 150, trường ĐH Quốc tế có ngành Điện tử - Viễn thông, chỉ tiêu dự kiến: 100.

* Em muốn thi vào Khoa Kinh tế - ĐHQG TP.HCM, nhưng bây giờ trường đã có tên là ĐH Kinh tế luật. Vậy khi đăng ký hồ sơ em sẽ ghi tên trường là gì? Khi được trúng tuyển thì em sẽ học ngành đã đăng kí dự thi hay là em phải thi một kì thi để lựa chọn ngành học như ở ĐH Kinh tế TP.HCM? Các ngành có 2 khối thi thì khi trúng tuyển các thí sinh ở 2 khối A và D sẽ học chung một chương trình đào tạo và sẽ học cùng lớp hay khác nhau? (minh ký, 17 tuổi, Nữ, qui nhơn - bình định, học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Chào em, muốn thi vào Khoa Kinh tế (ĐHQG TP.HCM) em ghi mã của đơn vị này là QSK. Khoa sẽ tuyển sinh theo ngành, trúng tuyển em sẽ được học ngành mà em đã dự thi. Cách thức này khác với trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tuyển sinh chung, việc phân ngành sẽ dựa vào kết quả học tập).

* HS học thí điểm phân ban thi khối A (ví dụ), khi tham dự kỳ thi có thể thi môn Toán chọn đề phân ban, còn môn Lý và Hóa chọn đề không phân ban được hay không (các khối khác cũng vậy)? Xin nói rõ cách thức đăng kí nguyện vọng 1, 2, 3. (Anh Huy, 26 tuổi, Nam, 385/17 Lê Văn Sĩ, Q.TB, TPHCM, Giáo viên )

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong đề thi ĐH có 2 phần: phần chung và phần riêng. Trong phần riêng, thí sinh có thể chọn chương trình phân ban hay không phân ban nhưng không được phép làm cả 2 phần. Nếu làm hết cả 2 phần riêng thì sẽ không được chấm điểm phần đó. Như vậy, khi thi môn toán em có thể chọn đề thi phân ban, môn lý và hóa có thể chọn đề không phân ban.

Trong hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất. Sau khi thi nếu không trúng tuyển thì căn cứ vào kết quả, thí sinh nhận được 2 giấy chứng nhận điểm (nếu điểm thí sinh cao hơn điếm sàn). Phiếu điểm số 1 thí sinh sẽ dùng để gửi xét tuyển nguyện vọng 2 và sử dụng phiếu số 2 để xét tuyển nguyện vọng 3. Những thí sinh không đậu nguyện vọng 1 cần lưu ý những thông báo xét nguyện vọng 2 & 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng để nộp hồ sơ theo đúng trường, đúng ngành.

* Bay gio em dung truoc 2 nganh, la nganh su pham va dien ky thuat, em nen chon nganh nao? (HOANG, 18 tuổi, Nam, HOIAN, hocsinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Em đã giới hạn được hai ngành mà em quan tâm. Vấn đề còn lại là em không biết nên chọn ngành nào? Vậy em thử trả lời thêm các câu hỏi như: sức học của mình, các tố chất mà mình có sẽ phù hợp với ngành học nào? Sau khi tốt nghiệp, dự định của em sẽ làm việc gì? Ở đâu? Tìm hiểu thêm về các ngành học này (Sư phạm thì em cũng cần xác định là Sư phạm gì?) tại website hướng nghiệp của ĐHQG TP.HCM: http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/

* Cho em hỏi trường Nông Lâm ở TP.HCM khối D có bao nhiêu ngành, và có thể cho em biết cụ thể là ngành nào không ạ? (Lê Văn Hiền, 17 tuổi, Nam, Qui Nhon-Binh Dinh, học sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có rất nhiều ngành thi khối D (D1) như: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, các ngành kinh tế (Kinh tế nông lâm, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Kinh tế tài nguyên môi trường, Quản lý đất đai, Quản lý thị trường bất động sản, GIS - hệ thống thông tin địa lý...

Các khách mời đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Ngọc Thạch

* Em hoc vao loai trung binh kha, co co hoi nao de vao cac truong DH thuoc DH Quoc gia TP.HCM khong? (Le Xuan Thang, 18 tuổi, Nam, Ninh hai, Ninh Thuan, HS)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Theo cô, trước tiên em phải xác định mình thích ngành nghề nào. Em có quyết tâm theo ngành học mà em thích hay không. Tiếp theo em nên làm trắc nghiệm năng lực học tập tại website hướng nghiệp (http://aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep/) để tìm trường có ngành học mà em yêu thích và phù hợp với sức học của mình. Thân mến! 

* Năm nay cháu dự thi đại học, nếu cháu không đỗ thì sang năm cháu có thể tiếp tục dự tuyển được không, bởi vì cháu nghe thông tin là sang năm không tổ chức thi tuyển đại học nữa. (Lê thị ngân, 18 tuổi, Nam, hải phòng, học sinh)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Việc sang năm không tổ chức thi tuyển ĐH mới chỉ là dự kiến, khi áp dụng những quy định mới thì sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Do đó em không nên lo lắng về việc này mà nên tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới thật tốt.

* Xin cho biet nam nay, cac truong dai hoc dan lap se tuyen sinh nhu the nao? Neu sau khi rot nguyen vong 1 va 2 thi co the nop ho so xin hoc tai cac truong dai hoc dan lap duoc khong? Xin cam on chuong trinh. (Ho Van Son, 43 tuổi, Nam, Thuan an Binh Duong, CNV)

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong các trường ĐH dân lập, có trường tổ chức thi và có trường chỉ tổ chức xét tuyển. Em có thể tìm hiểu thông tin cụ thể trên cuốn "Những điều cần biết của tuyển sinh" hoặc qua báo, đài. Nếu rớt nguyện vọng 1 và 2, em vẫn có thể nộp hồ sơ xin xét tuyển nguyện vọng 3 tại các trường dân lập.

* Cac thay cho em hoi ve cach tuyen sinh nganh Dao tao ky su chat luong cao cua DHBK TP.HCM. Em rat thich nganh do, vay nganh do co kho lam khong a? (Nguyễn Ngọc Hải, 19 tuổi, Nam, 1 Hùng Vương-TP Huế, Học Sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Chương trình kỹ sư chất lượng cao là chương trình hợp tác Việt - Pháp. Năm 2008, tuyển 120 sinh viên từ các thí sinh tuyển thẳng và thí sinh trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành. Hai năm đầu học theo chương trình chung, sau đó thi tuyển vào các ngành Hàng không, Cơ - Điện tử, Hệ thống năng lượng, Viễn thông, Vật liệu mới, Vật liệu Polyme.

Theo quan điểm của cô, việc học đại học khác với học trung học phổ thông, đòi hỏi tính chủ động của sinh viên. Nếu sinh viên biết lập kế hoạch, chủ động trong học tập thì việc học đại học là không khó.

* Em muốn biết ngành nào đang cần nhân lực và nhu cầu của xã hội khi học xong? (âu đức quyền, 17 tuổi, Nam, phú dương tthuế, học sinh)

- TS Lê Thị Thanh Mai: Theo nhận định của một số chuyên gia, một số ngành mà xã hội đang và sẽ rất cần: Công nghệ phần mềm, Du lịch, Tài chính-Ngân hàng (theo chuẩn quốc tế), Công nghệ điện tử, Công nghệ Sinh học, Quản trị và An ninh mạng.

Ban Thanhnien Online - Ban Giáo dục
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.