TNO

Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao

20/11/2015 11:45 GMT+7

( iHay ) Còn cô giáo ư? Hết tuổi thanh xuân, chỉ nhận mình tre trẻ giữa bản đồng bào xa tít, ngác ngơ...

(iHay) Anh à! Đừng nghe lời hát 'trường của em be bé nằm ở giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ dạy em hát rất hay'... Vì rừng bị chặt sạch, trường nằm trơ trọi ngang núi, mái tôn lợp không có chống nóng nên ngày nắng thì hầm hập, lúc mưa kêu như ném đá, bọn trẻ con sợ chết khiếp, nhào vào ôm cứng lấy em.

>> Hoa hậu Kỳ Duyên tặng hoa thầy cô nhân ngày 20.11

Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 1Cô giáo Lường Thị Cúc, giáo viên điểm Trường mầm non Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) hướng dẫn học sinh ra sân chơi
Hồi mới ra trường, được phân công về trường ở xã miền núi cao em thích lắm, cứ ngồi nghĩ đến cảnh buổi sáng dậy thấy mây trắng tinh như bông gòn, lưng lửng phía dưới sân trường, đỡ ông mặt trời đội mây, tròn xoe mắt nhô lên chào cô giáo, trong tiếng chim rừng kêu ríu ran trong cánh rừng còn bàng bạc sương lười ngái ngủ... Chao ôi là thích, hơn cả truyện cổ tích và phim ảnh về cô giáo vùng cao.
Em thích trẻ con lắm, hồi ở quê cứ thấy bọn trẻ lũn cũn là sà đến bế ẵm chúng nó, tha lôi véo má cả ngày không biết chán. Đọc sách báo các anh, thấy tả bọn trẻ vùng cao mũm mĩm, đứa nào má cũng đỏ căng như quả táo, lại càng háo hức sớm hết nghỉ hè để lên bản dạy học, để hàng ngày được thỏa sức chơi đùa với bọn trẻ...Thế mà vào năm học mới, xách ba lô lên trường chính nằm bên đường huyện lộ rồi, cô Hiệu trưởng cứ cười bảo: “Ở đây mấy hôm làm quen thung thổ, bà con, thời tiết hẵng. Không lo bị người khác dạy mất chỗ của mình đâu!”, khiến em hằng ngày chỉ dạy phụ các cô và giúp các cô chăm sóc học sinh, cũng người đồng bào đấy, cũng mũm mĩm và phính tròn căng đấy, nhưng hết giờ là bố mẹ đến đón về, bởi hầu hết là con cán bộ, các hộ dân sống túm tụm quanh trung tâm xã, ven đường... Buổi chiều, em lại tha thẩn ra dòng suối cạnh trường nhặt đá cuội, ngâm chân dưới nước và ngước mắt lên dãy Hoàng Liên cao ngất sau trường, lúc nào mây cũng cuộn che im lìm bí hiểm, mong sớm được lên với núi với rừng trên ấy.
Gần nửa tháng trời chờ đợi, rồi cũng đến lúc em được lên điểm trường của mình. Trước khi đi, cô Hiệu trưởng họp lại bảo: “Theo quy định, các giáo viên mới, còn trẻ sẽ phải đi điểm xa nhất!” và dặn: “Phải xác định tư tưởng thật kỹ. Trên ấy rất khó khăn gian khổ!”. Ồ! Tưởng gì chứ khó khăn gian khổ em quen rồi, hồi đi học, hè nào chả làm tình nguyện, dựng lều tự nấu và đi làm giúp dân. Còn tư tưởng ư? Đến những nơi hoang dã, tuyệt đẹp như trên cao đấy, ai mà chả muốn và thích?
Buổi sáng hôm ấy, em chân sáo rời trường chính, ngồi sau xe máy của cô Hiệu trưởng toàn chạy số 1 số 2, ngược dốc lên đỉnh núi cao vời vợi. Hai anh giáo viên nam của trường tiểu học đi 2 xe máy chở giúp em đồ đạc, lại còn lỉnh kỉnh cả nồi niêu xoong chảo, mắm muối gạo nước và chăn chiếu, cứ như thể chuyển nhà...
Điểm trường của em cách Trường chính 19 km!. Đấy là đo bằng đồng hồ xe máy, chứ dân bản thì tính là nửa ngày hoặc 10 cái vắt vai. Tức là 10 lần vắn khăn mặt lên vai, sau khi lau mồ hôi khi vượt dốc. Khái niệm này mãi sau em mới biết, chứ hôm đầu chỉ thấy đường gì mà khó đi quá, hết lên dốc lại xuống dốc, đường không phải là đường mà rõ ràng là lối mòn, 2 xe máy gặp nhau, 1 xe phải nghiêng cùng người ép vào vách đá để xe kia ào qua cùng gió lạnh rít lên từ vực sâu.
Em đẩy xe, em ghì kéo lại xe cho cô Hiệu trưởng. Em sợ vực sâu, em không dám ngồi lên xe mà lết đi bộ. Nhưng đi bộ mãi cũng nhão chân, em không đi nổi và ngồi khóc, cô giáo phải quay lại ôm em: “Cố lên đi, đã vào đến đây rồi, không ra nổi đâu!”. Thương cô, em lại vùng dậy lết qua thung lũng, rướn lên vách đá, lội qua khe suối, đạp lên cỏ. Cứ như thế, từ sáng đến đầu giờ chiều, cũng đến nơi.
Lúc ấy, chân em sưng tấy, mắt em nhòe nhoẹt nước nhưng vẫn lẩy bẩy không tin nổi vào mắt mình: Điểm trường Mầm non của em chỉ là ngôi nhà vách gỗ đen xỉn, thông thống đến mức đừng ngoài thò tay vào trong, mái lợp bằng những tấm ngói xi măng nứt nẻ, vẹo vọ và phía đầu nhà gỗ, thòi ra mấy mét vuông quây vừa đủ đặt cái giường, chạn bếp, bàn học, cô Hiệu trưởng gọi đó là phòng ở giáo viên.
Em khụy xuống, cầm điện thoại gọi cho bố mẹ, nhưng cô Hiệu trưởng và các anh lắc đầu: “Trong này không có sóng điện thoại!”. Em bí bách, em tìm công tắc bật điện, cô lại ái ngại: “Trong này chưa có điện!”. Em vùng ra ngoài rửa mặt cho tỉnh, mọi người lại ân cần: “Để cô xuống suối, xách nước tắm cho em!”...
Anh có biết không? Chính lúc em bưng mặt khóc, úp mặt vào ván gỗ mà khóc ấy, em nghe thấy tiếng lích rích ngoài cửa. Em nhìn ra: Cả chục đứa trẻ mắt tròn xoe, má lem luốc, chân đất áo rách và đứa nào cũng xách 1 cái cặp lồng nhựa đen xỉn bẩn thỉu trên tay, nhìn em, lào xào tiếng đồng bào hình như nói chuyện về em.
Thế là em tỉnh. Lại càng tỉnh hơn khi cô Hiệu trưởng rơm rớm: “Hồi xưa các cô cũng phải dạy từ đây. Thiếu thốn và khổ hơn nhiều. Giờ có mấy em đã không chịu nổi. Em lên đây rồi, không được bỏ, trừ bỏ cái nghề mà chúng ta đã chọn!” và em đứng dậy lau mặt bằng nguyên xô nước vừa mang từ suốt, lạnh buốt thung sâu.
Sáng hôm sau em tỉnh dậy, không vì tiếng chim rừng ríu ran, không do mây trắng vờn quanh, không phải ông mặt trời chào đón, mà bởi tiếng lộc cộc ngoài cửa. Em nhìn ra, mấy chục đứa trẻ đứng sẵn, đứa nào cũng 1 tay xách cặp lồng nhựa hoặc túi nilong đựng cơm trưa, tay kia là bó củi hoặc nắm rau còn dính đất. Anh trưởng bản bảo: “Học sinh chờ cô giáo rồi, cô giáo dậy đi thôi!” và nhắc: “Củi với rau là phụ huynh tặng cô để nấu ăn, để cô giáo đỡ phải vào rừng!”, khiến em xấu hổ, cuống cuồng mặc lại quần áo và đón bọn trẻ vào lớp, nền đất ướt nhép chân.
Nói ra anh đừng cười, chứ ban đầu thì bọn trẻ giúp em nhiều hơn là em dạy: Buổi sáng, chúng đến từ sớm, tha thẩn chơi ngoài sân và lũn cũn xuống suối múc từng chai nước đổ vào thùng phuy đầu nhà cho em rửa mặt, như muốn em tỉnh táo; buổi trưa học xong, chúng ngoan ngoãn mở cặp lồng xúc cơm ăn với muối măng, tịnh không mè nheo kêu khóc, như muốn làm em vừa lòng; buổi chiều tan học, chúng à à như đàn gà con xổ lồng về nhà, xong lại lếch thếch vào phòng em, đứa bưng bát canh, đứa xách bó rau, đứa ôm túi nilong đựng miếng thịt treo đen xỉn, đặt lên bàn, nói gọn lỏn: “Cho cô giáo!” và ngồi chăm chú nhìn em ăn cơm, nhìn em soạn bài, như thể không cho em về, đến khi bố mẹ gọi về, mới rời khỏi em...
Anh biết không? Những lúc ấy ở lại 1 mình, em mới đờ đẫn cả người. Các anh viết báo, đừng nói đêm rừng núi thơ mộng, mà tội các cô giáo trẻ khác. Đêm trên núi cô độc, mất ngủ và hay nghĩ lẩn thẩn lắm. Rừng thì bị chặt hết, chỉ còn cây lúp xúp nên hiếm hoi con chim đêm cũng không có chỗ mà đậu, cả đêm bay thảng thốt kêu “bắt cô trói cột”. Suối thì thường rì rào, nhưng đêm thanh vắng mới vang vọng nỉ non. Gió ban ngày mát thế, nhưng đêm đến mới lồng lên giận dữ, đem hơi lạnh từ trên núi, xồng xộc chui qua phên cửa vào dọa dẫm ngọn đèn leo lét, khiến bóng khói cứ xiêu vẹo, run rẩy cùng em... Những lúc ấy em nhớ, em thèm từ 1 khuôn màn hình tivi, chấm nháy báo tin nhắn, chút bừng màn hình điện thoại báo cuộc gọi và thật sự thèm có bố mẹ, người thân ở cạnh bên, chỉ 1 chút, cho đỡ tủi thân.
Cứ đau đáu như thế, rồi cũng quen. Mà phải quen thôi, để mà sống, anh nhỉ?. Em ở trên này, ban đầu nghĩ: “Hết 1 năm, chuyển sang điểm khác, đỡ cực hơn!”, nhưng nếu vậy thì những cô giáo sau em lên, lại đau đáu và không chịu nổi, có khi phải bỏ nghề. Mà như thế thì tội bọn trẻ con, tội dân bản trên này. Giờ em đã quen với điểm trường, đã quen mỗi sáng xuống suối xách nước cùng bọn trẻ líu ríu quấn quanh chân, về rửa mặt cho mình và lau mặt cho hết lượt chúng nó, từ má nhem nhuốc thành những quả táo đỏ căng phúng phính. Em cũng đã biết cuốc đất trồng rau trên vạt đồi phía trước nhà, mỗi buổi trưa lại ngắt từng cọng xanh mơn mởn, nấu nồi canh cho bọn trẻ ăn với cơm, đứa nào cũng chụm môi xì xụp húp, râm ran bi bô: “Cảm ơn cô giáo!”. Mỗi ngày cuối tuần, em tự đi bộ 19km từ điểm trường ra xã, chỉ 3 tiếng đồng hồ, để lại phía sau bọn trẻ lũn cũn nhìn theo, miệng lắp bắp: “Cô giáo lên nhé! Đừng bỏ về nhé!” và đầu tuần em lại đi 19km lên điểm trường, mang theo mì tôm, muối mắm, cá khô, chưa hết quả núi đầu bản, đã thấy bọn trẻ lố nhố đứng chờ, miệng à à reo sung sướng: “Cô giáo lên rồi! Cô giáo lên rồi!”...
Anh nghe em kể, sẽ lắc đầu thương: “Khổ cực quá! Vất vả quá!”. Đừng vậy anh à, vì lời nói đầu môi có làm em đỡ vất vả, hay lại nản chí thêm?. Em không mơ ước cao sang, vì nghề giáo cũng như bao nghề nghiệp khác, đâu có cần đến ngày 20.11 để tôn vinh thành cao sang. Em không dám mơ đến lý tưởng, bởi ở trên này, không điện đóm, liên lạc, tivi còn không có, nói gì đến những điều xa xôi vời vợi... Em chỉ nghĩ đến bọn trẻ và tương lai của chúng. Có cái chữ để học lên lớp 1, hết tiểu học, lên trung học và nhiều trong số chúng nó sẽ trưởng thành, ra khỏi thôn bản về Hà Nội học Đại học, quay lại giúp bản làng của mình đỡ khổ, đỡ nghèo...
Cũng như em, có thể ban đầu thấy bế tắc vất vả đấy, nhưng cứ tập cho mình thói quen thích nghi và tin rằng những điều tốt mình làm, sẽ khiến mình nhẹ nhàng, để tin vào những gì tốt đẹp đang chờ phía trước. Cuộc sống vất vả, phải có niềm tin, nếu không cũng lầm lũi như con trâu, con bò cặm cụi trên nương, phải không anh?.
Cũng như em tin là anh sẽ lên thăm em thêm lần nữa, không phải để ngẩn ngơ đứng nhìn nơi em sống, tặc lưỡi: “Vất vả quá! Gian nan quá! Kính phục các cô quá!”, mà để cùng em ngắm mây trắng lửng lơ ôm đỉnh núi mỗi chiều nhẹ lòng, để cùng chơi đùa với bọn trẻ má căng hồng líu ríu sân trường yên ả, để em tặng anh cành đào rừng mà em đã chọn gửi về xuôi tết này, sau ngôi trường be bé của em!..
Lên với vùng cao, với ngôi trường be bé của em, anh nhé!..
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 2Điểm trường mầm non Háng Gàng nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh và mỗi khi học sinh rời lớp, giáo viên phải đứng chắn tránh cho học sinh không bị ngã
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 3Giáo viên mầm non xã Pá Hu (Trạm Tấu, Yên Bái) tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 4Giáo viên điểm trường mầm non Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) mỗi đầu tuần phải đi bộ từ trung tâm xã vào trường trên con đường lầy lội, trơn tuột và mua quà cho học sinh là những ổ bánh mỳ.
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 5Các thầy cô giáo điểm trường Nhìu Cồ San (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai)
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 6Giáo viên tiểu học điểm trường Tả Ló San (Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên) đang dạy lớp ghép
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 7Bếp ăn của 2 giáo viên cắm bản Tả Ló San
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 8Lớp mầm non của điểm bản Tả Ló San chỉ có 6 học sinh
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 9Phòng ngủ chật chội với 1 giường cho 2 giáo viên nữa ngủ chung, trên điểm trường Tả Ló San
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 10Bộ đội Biên phòng là khách thường xuyên - duy nhất của các giáo viên cắm bản khu vực biên giới
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 11Giáo viên mầm non Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai) nấu bữa trưa cho học sinh
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 12
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 13Cặp lồng cơm mang đi ăn trưa, tại lớp học của học sinh tiểu học Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai)
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 14Học sinh mầm non điểm trường Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai)
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 15
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 16Giáo viên tiểu học điểm trường Lũng Mật (Bảo Lạc, Cao Bằng) dạy học trong điều kiện chật chội
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 17Phòng ở kiêm bếp ăn chật chội của 3 giáo viên nữ tại điểm Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai)
Tuổi thanh xuân của những cô giáo trên vùng cao  - ảnh 18Cô giáo Lù Thị Nhung, điểm trường Bản Mới (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) soạn bài bằng đèn dầu tự chế
(Mến tặng các cô giáo Mầm non điểm trường Háng Gàng, Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái)

Mai Thanh Hải

>> Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'
>> Ngật ngưỡng giữa chợ vùng cao
>> Mùa xuân trên vùng cao Bát Xát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.