Tượng bị cưa đầu, bia khắc thêm chữ

07/02/2014 09:00 GMT+7

Bảo vật quốc gia tại nhiều di tích gốc hiện đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.

Tượng bị cưa đầu, bia khắc thêm chữ
Phần đầu tượng phật làm thêm khi tượng bị kẻ trộm tháo mất đầu vào năm 2002 - Ảnh: Hoàng Long

Khi một bao tải giấu trong nghĩa trang gần chùa Ngô Xá (tỉnh Nam Định) được mở ra, người dân ở đây đã thở phào nhẹ nhõm. Đó chính là đầu của một pho tượng trong chùa từng bị cưa mất. Sau khi lắp lại với phần thân cũ còn lưu trong chùa, bức tượng Phật A Di Đà bằng đá thời Lý này mới đây đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia đợt 2. “Trước đó, trong khi trộm tượng, kẻ cắp đã làm gãy, hỏng một vài chi tiết đá trên bệ tượng. Nhà chùa đã phải sang Ninh Bình thuê làm một đầu tượng Phật bằng đá khác để lắp vào. Sau đó thì đầu tượng thật được tìm thấy”, ông Nguyễn Văn Thảo, người được giao trông giữ chùa Ngô Xá gần 20 năm nay cho biết.

Dẫu vậy, dù từng bị mất trộm, việc bảo vệ bức tượng quý này vẫn rất sơ sài. Có mặt tại chùa, chúng tôi chứng kiến khuôn viên chùa Ngô Xá rộng tới vài nghìn mét vuông, nằm trống trải dưới chân núi Ngô Xá nhưng chỉ có mình ông Thảo hơn 70 tuổi, đã già yếu trông coi. Trụ trì chùa là hòa thượng Thích Giác Vũ đang kiêm nhiệm Phó chánh văn phòng hội Phật giáo tỉnh Nam Định. Vì vậy, vị trụ trì cũng chỉ một tháng đôi lần về chùa.

Bà Lê Thị Hảo, một người dân ở thôn Yên Xá cho biết hiện cửa, cổng chùa còn rất sơ sài, dễ đột nhập. Trước đây, nhà chùa phải xây tường gạch bít kín khu đặt tượng hòng tránh bị kẻ trộm nhòm ngó. ‘‘Nếu cứ để thế này, việc mất trộm chỉ là sớm hay muộn”, bà Hảo lo lắng nói.

 

Hiện vật nên được giữ ở di tích gốc. Có điều cần tăng cường bảo vệ. Điều này phù hợp với luật Di sản, cũng phù hợp với phát huy giá trị di sản tại địa phương

PGS-TS Tống Trung Tín,
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Khắc chữ lên bia làm... kỷ niệm

Nguy cơ mất trộm, hay việc mất đầu của tượng Phật A Di Đà ở chùa Ngô Xá chắc chắn không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều bảo vật quốc gia khác hiện cũng trong tình trạng có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào. “Với các bảo vật lưu giữ ở bảo tàng, tôi nghĩ chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về độ an toàn. Nhưng với các bảo vật ở di tích gốc tại các địa phương, nguy cơ còn tiềm ẩn”, PGS-TS Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học) nói.

Hiện có nhiều bảo vật đang được lưu giữ tại các di tích gốc. Chẳng hạn tượng Phật bằng đá thời Lý tại chùa Ngô Xá (Nam Định), 3 pho tượng Tam thế tại chùa Linh Ứng (Bắc Ninh), bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn (H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)…

Cũng liên quan đến pho tượng Phật bằng đá thời Lý tại chùa Ngô Xá, hòa thượng Thích Giác Vũ cho biết sau khi tượng bị mất trộm đầu, chùa đã tiến hành sơn son thếp vàng lên toàn bộ bức tượng. Sau đợt tu sửa đó, nhà chùa cũng muốn khôi phục nguyên trạng tượng như khi chưa sơn nhưng không thành.

Một nguy cơ khác là sự xuống cấp của bia đá. Theo đó, các bia đá có thể bị mài mòn do thời gian, bị rêu mốc làm hỏng thân bia, xóa nhòa chữ khắc. Thậm chí một số bia còn bị khắc chữ lên để… kỷ niệm.

Một bảo vật quốc gia khác, bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn cũng đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp. Tấm bia đá do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác và ngự đề này đã bị mờ cả mặt trước và sau. Chưa hết, đại đức Thích Thanh Vũ cho biết nhiều người thăm chùa đã leo qua rào gỗ bảo vệ rồi dùng vật cứng khắc ghi “lưu niệm” lên thân bia. Nhà chùa từ lâu đã có ý định dựng một nhà kính bao bọc lấy toàn bộ tấm bia nhưng đến nay vẫn không đủ kinh phí.

Còn nhớ khi nghiên cứu tấm bia chùa Sùng Khánh và chuông chùa Bình Lâm ở Hà Giang, GS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) đã lên tiếng về việc bảo quản hiện vật tại đây. Theo ông Thuân, chùa Bình Lâm ở trên một khu đồng khá vắng vẻ, lại bảo quản sơ sài. Chính vì thế, cần có biện pháp tôn tạo, bảo quản chu đáo các hiện vật này, đặc biệt là chuông Bình Lâm - một trong số ít chuông thời Trần hiếm hoi còn lại ở nước ta.

Cũng có một giải pháp là đưa hết các hiện vật này về bảo tàng địa phương, nơi chúng được lưu giữ an toàn hơn. Tuy nhiên, về điều này, PGS-TS Tống Trung Tín, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: “Hiện vật nên được giữ ở di tích gốc. Có điều cần tăng cường bảo vệ. Điều này phù hợp với luật Di sản, cũng phù hợp với phát huy giá trị di sản tại địa phương”.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn 

>> Tượng Phật khỏa thân gây tranh cãi
>> Chàng Sơn rạn nứt vì tượng Phật
>> Tượng Phật 300 năm tuổi bị mất trộm
>> Tượng Phật ngọc bích lớn nhất Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.