Tuyên chiến với lãng phí - Bài 4: Khu đất “vàng” bị bỏ hoang giữa TP.HCM

09/10/2005 23:57 GMT+7

Đó là khu đất Công viên 23.9 rộng hơn 50.000m2 nằm giữa các tuyến đường trung tâm TP.HCM gồm Nguyễn Trãi - Lê Lai - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa. Khu đất này một thời là địa điểm dự kiến cho việc xây dựng một cụm công trình, được các nhà đầu tư mệnh danh là "công trình chào mừng thế kỷ 21" phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí và mua sắm của người dân. Thế nhưng, khu đất "vàng" này lại bị bỏ hoang suốt một thời gian dài và có thể xem đó là một biểu tượng cho sự lãng phí.

Từ dự án nửa tỉ USD bị phá sản...

Tháng 3.1995, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cấp giấy phép cho dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại Sài Gòn với 6 hạng mục công trình lớn, gồm: trung tâm thương mại, công viên, siêu thị, khách sạn 21 tầng, khu sân khấu nhạc nước và tòa cao ốc văn phòng 38 tầng. Toàn bộ các công trình được triển khai thực hiện trên diện tích 53.500m2 thuộc khu vực Công viên 23.9 và khu tiếp giáp nối dài. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 524.562.371 USD, trong đó phía đối tác Việt Nam (gồm Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành, Công ty Công viên cây xanh và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị) góp 30% vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; đối tác nước ngoài là Tập đoàn JinWen (Đài Loan) góp 70% vốn để đầu tư xây dựng. Sự hợp tác này đã cho ra đời liên doanh Vietnam JinWen Enterprise (VIJICO) với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cụm các công trình mang ý nghĩa "chào mừng thế kỷ 21”.

Nhưng qua rất nhiều biến động, trong đó chuyện giải tỏa đền bù tại khu vực này đã nổi lên thành một đề tài "nóng" của không ít tờ báo lúc bấy giờ, công trình vẫn cứ mãi nằm trên giấy và những tiêu cực trong việc đền bù giải tỏa tại khu Công viên 23.9 đã khiến cho một số thành viên của tổ giải tỏa đền bù phải ngồi tù. Cho đến tháng 8.1998, lúc khởi công xây dựng một ngôi nhà văn phòng của liên doanh VIJICO tại khu đất "vàng" này, dù đã hứa trước với UBND TP.HCM là sẽ cho thành phố vay 15 triệu USD nhưng Tập đoàn JinWen cũng chỉ ứng trước được có 1 triệu USD. 

Theo báo cáo của 3 đơn vị đối tác phía Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào ngày 24.3.2001 thì trong vòng 5 năm, từ khi có giấy phép đầu tư, phía nước ngoài chỉ góp được khoảng 27,4 triệu USD và đây cũng là một trong những lý do khiến các công trình không được khởi công đúng như kế hoạch. Chưa hết, tháng 4.2000, Tập đoàn JinWen lại gửi văn bản lên Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM xin chuyển hình thức đầu tư từ liên doanh thành 100% vốn nước ngoài và xin tạm hoãn tiến độ thực hiện đầu tư 1 năm. Mặc dù theo bản cam kết ban đầu của liên doanh là 3 tháng sau khi được cấp phép đầu tư, các hạng mục công trình sẽ được lần lượt xây dựng nhưng mãi trong một thời gian dài như vậy, những hoạt động đàm phán hoặc thương thảo về cách thức, vốn liếng tiến hành dự án hầu như đi vào bế tắc. Từ tháng 10.1997, Báo Thanh Niên đã mở loạt bài điều tra và đặt vấn đề về tính khả thi của dự án này. Trong bài báo Đi về đâu một công trình chào thế kỷ 21? đăng trên Thanh Niên ngày 29.10.1997 có đoạn nêu rõ: "Phải chăng sự dây dưa của việc triển khai dự án là một "bước đệm"để đối tác nước ngoài "chạy làng" rồi sau đó tìm cách để chuyển nhượng dự án, bởi theo thông tin mà Thanh Niên có được thì một tập đoàn của Mỹ đã "đánh tiếng" sẵn sàng mua lại cổ phần của phía đối tác nước ngoài và trả thêm 3% trên tổng vốn đầu tư?". Nhận định đó hoàn toàn có cơ sở bởi qua quá trình điều tra của Thanh Niên, tài sản của bên đối tác nước ngoài trong dự án này chủ yếu là bất động sản. Riêng vốn đầu tư vào liên doanh chủ yếu có được từ việc vay vốn ngân hàng thông qua thế chấp bất động sản, có nghĩa là phía nước ngoài hoàn toàn không chủ động về vốn. Điều này càng được khẳng định khi năm 1998 xảy ra khủng hoảng kinh tế trong khu vực, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ vào bất động sản lâm vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, Tập đoàn JinWen cũng không thoát khỏi tình cảnh đó.

4 năm sau, những nhận định của Báo Thanh Niên đã hoàn toàn đúng khi Tập đoàn JinWen liên tục trì hoãn và cuối cùng xin rút khỏi dự án, để lại một khu đất trống trải, hoang hóa ngay giữa trung tâm TP.HCM. Suốt trong một khoảng thời gian dài từ năm 1998 đến 2003, khu đất này trở thành nơi tụ tập của bao nhiêu thứ tệ nạn xã hội chứ không phải là những công trình hoành tráng chào mừng thế kỷ như người dân TP.HCM hằng mong đợi! Một vị lãnh đạo có trách nhiệm trong thời kỳ sau này, khi đề cập đến dự án Trung tâm Văn hóa - Thương mại Sài Gòn đã chua chát bảo rằng: Sự lãng phí của khu đất này hằng năm trời là hệ quả của tệ quan liêu, yếu kém trong việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư nước ngoài cũng như thiếu trách nhiệm, thờ ơ khi đã có thông tin cảnh báo mà vẫn làm ngơ, không có biện pháp giải quyết dứt khoát với phía nước ngoài trong liên doanh của dự án!

...đến tột cùng của sự lãng phí

"Công viên 23.9 là dự án lớn triển khai trên diện tích 5 ha đất tại trung tâm thành phố. Việc dừng triển khai dự án từ năm 2000 đã gây những ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội, tới môi trường đầu tư tại Việt Nam và gây thiệt hại không nhỏ cho các đối tác Việt Nam tham gia dự án, chưa kể ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan môi trường của thành phố. UBND TP.HCM chủ trương sớm thu hồi đất để đưa vào các hoạt động có hiệu quả". - Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản ngày 16.8.2005 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Như đã trình bày, tổng số tiền mà phía đối tác nước ngoài đầu tư vào dự án này khoảng 27,4 triệu USD, nhưng trong đó chỉ riêng chi phí cho việc đền bù giải tỏa đã là 17,5 triệu USD. Số tiền còn lại dành cho những khoản chi phí khác. Một công trình mang ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, nếu được xây dựng hoàn tất như dự kiến vào năm 2005, thì sẽ thay đổi một phần rất lớn bộ mặt của một khu vực được đánh giá vào loại đẹp nhất TP.HCM. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc nhận định, với mức giá "khiêm tốn" chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2 thì khu đất này đã có giá trị lên đến hơn 1.500 tỉ đồng. Điều đáng nói là trong ngần ấy năm, nếu được triển khai xây dựng thì dự án sẽ đem lại một nguồn lợi vô cùng to lớn cho thành phố, chưa kể những giá trị về mặt tinh thần mà người dân thành phố có thể hưởng thụ. Trong một thời gian dài, khu vực này đã bị che kín bởi một hàng rào, mãi cho đến năm 2003, thành phố phải cải tạo lại thành một khu vực "nửa công viên, nửa rạp xiếc". Thỉnh thoảng lại xen vào đó những hội chợ mang tính thời vụ... Tình trạng như vậy kéo dài mãi cho đến ngày nay, khiến bất cứ người dân nào cũng xuýt xoa về sự lãng phí tột cùng này.

Theo thông tin Thanh Niên mới nhận được, sau một thời gian đàm phán giữa Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (đơn vị được UBND TP.HCM giao đại diện cho 3 đối tác phía Việt Nam) với đại diện của Tập đoàn JinWen, phía nước ngoài đã đồng ý thỏa thuận với giá chuyển nhượng lại chi phí cho dự án từ trước đến nay của JinWen là 6,9 triệu USD. Ngày 24.8.2005, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn gửi các bộ, ngành và UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan đồng ý chuyển đổi Công ty liên doanh VIJICO thành doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Sắp tới, UBND TP.HCM cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình tại khu vực Công viên 23.9, cụ thể là khu sân khấu nhạc nước sẽ trở thành nơi biểu diễn văn hóa nghệ thuật, mà hiện nay trông như một "pháo đài"!

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.