Tuyên chiến với lãng phí - Bài 6: 30 tỉ đồng xây hồ... nuôi cá (!)

12/10/2005 00:43 GMT+7

Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo, người dân thiếu thốn nhiều thứ, nhất là nước sạch và nước cho sản xuất. Nhà nước và nhân dân đã đầu tư không ít tiền của vào các công trình thủy lợi và nước sạch, thế nhưng người dân và cây lúa vẫn khát.

Hồ đầy nước nhưng dân vẫn khát

Hồ chứa nước Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 30 tỉ đồng (theo thiết kế chứa được 8,9 triệu m3 nước). Ngày khởi công, người dân trong vùng khấp khởi mừng với hy vọng thoát cảnh ngửa mặt lên trời cầu mưa. Theo dự án, công trình sẽ "giải hạn" cho hơn 640 ha lúa trong vùng.

Hệ thống đầu mối hồ chứa, kênh dẫn nước chính được đầu tư với 27,662 tỉ đồng tiền vốn của trung ương. Tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm cấp 5,724 tỉ đồng xây dựng hệ thống kênh cấp 1 dài 10,106 km để dẫn nước đến tận chân ruộng các vùng khô hạn ở thôn Tam Hương, Thạch Bàn, Phú Hòa, Văn Xá. Hồ đã được hoàn thành đúng thiết kế, các hạng mục do trung ương đầu tư cũng đã xong. Thế nhưng, công trình vẫn chưa sử dụng được do hệ thống kênh cấp 1 chưa được Quảng Bình đầu tư xây dựng vì... không có vốn! Và, người nông dân vẫn khát trong mùa hạn hán trong lúc hồ Phú Hòa đầy ắp nước.
Hình như cảm thấy "lãng phí" nên Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình đã tìm cách "khai thác" bằng cách thả cá vào hồ. Và để chứng minh cá trong hồ được công ty thả, người ta lại sơn dòng chữ trước một căn nhà ở đập nước: "Hồ đã thả cá, cấm đánh bắt". Nông dân Phú Hòa xót xa: "Đầu tư 30 tỉ đồng chỉ để... nuôi cá. Đúng là tỉnh nghèo mà sang thật!".

Mang tiền tỉ ra... phơi nắng

Trong những báo cáo thành tích của việc cấp nước sạch ở nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình khẳng định, có 43,3% người dân nông thôn được dùng nước sạch với mức 100 lít/ngày/người. Theo báo cáo thì qua 5 năm (1999-2003) thực hiện chương trình, Trung tâm đã đầu tư xây dựng 22 công trình cấp nước tập trung và 1.598 công trình cấp nước nhỏ lẻ, với tổng vốn gần 19 tỉ đồng. Năm 2004, Trung tâm đã thi công 7 công trình cấp nước tập trung với khối lượng thực hiện hơn 7,2 tỉ đồng. Năm 2005, trung tâm xây dựng 8 công trình cấp nước, nhờ thế đến cuối năm 2005 sẽ có "chính xác" 336.788 người dân nông thôn dùng nước sạch, chiếm hơn 44% dân nông thôn cả Quảng Bình. Trong số các công trình cấp nước do Trung tâm đầu tư xây dựng từ 1999-2003, chỉ hỏng 2 công trình, số còn lại hoạt động hiệu quả, 100% công trình cấp nước nhỏ lẻ cũng hoạt động tốt...

Đó là báo cáo, còn thực tế lại rất khác. Có mặt ở những nơi có công trình cấp nước sạch do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình làm chủ đầu tư, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh người dân thiếu nước. Hệ thống bơm dẫn nước ở Đại Phong (Phong Thủy - Lệ Thủy) có vốn 1 tỉ đồng, công suất 257 m3/ngày, cung cấp nước cho 4.270 người dân Phong Thủy, được đưa vào sử dụng năm 2003 nhưng chỉ vận hành được một lần rồi... ngưng hẳn.

Hệ thống bơm dẫn nước An Thủy (Lệ Thủy) có vốn đầu tư gần 450 triệu đồng, công suất 250 m3/ngày, đưa vào sử dụng năm 2001, nay đã hư hỏng hoàn toàn.

Hệ thống nước tự chảy ở Thạch Hóa (Tuyên Hóa), công suất 180 m3/ngày, cung cấp nước cho 3.000 dân, vốn đầu tư hơn 350 triệu đồng nay cũng chẳng ai được dùng.
Công trình cấp nước ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch) công suất 186 m3/ngày, cung cấp nước cho hơn 3.000 dân, vốn đầu tư trên 1.260 triệu đồng, được bàn giao vào tháng 12/2002 nhưng chỉ sau một tháng đã hỏng.

Hệ thống dẫn nước tự chảy ở thôn Đồng Giang (Đồng Hóa - Tuyên Hóa), công suất 87 m3/ngày, cung cấp nước cho 3.000 dân thì lâu nay chỉ có 15% số dân nơi đây hứng được nhưng nước cũng không bảo đảm vệ sinh...

Hệ thống cấp nước sinh hoạt khu dân cư phía bắc thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) đầu tư 800 triệu đồng, cung cấp cho 2.500 dân, đưa vào sử dụng đầu năm 2004, cũng chỉ cung cấp được cho 15% hộ dân...

Hệ thống dẫn nước tự chảy Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy (Xuân Trạch - Bố Trạch) đầu tư 300 triệu đồng, cung cấp nước cho 1.200 dân, nay gần như không còn sử dụng được...

Hàng chục tỉ đồng bỏ ra nhưng dân vẫn không có nước để dùng, lãng phí lớn đến mức nhiều nông dân đâm ra "dị ứng" mỗi khi nhắc đến các công trình nước sạch. Tỉnh nghèo lại mang tiền tỉ ra... phơi nắng, thật không sao hiểu nổi!

Nguyễn Khánh Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.