Tuyển sinh đại học: Chưa thể tin vào điểm học bạ

Quý Hiên
Quý Hiên
13/04/2020 18:10 GMT+7

Theo GS Ngyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu trường đại học lấy chất lượng thí sinh làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển sinh thì cần cân nhắc, tránh chỉ dùng điểm học bạ làm căn cứ xét tuyển .

Cho đến nay, các trường phổ thông trên cả nước vẫn chưa biết khi nào có thể tổ chức dạy học trở lại, trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bộ GD-ĐT cũng đã phải điều chỉnh khung thời gian năm học lần thứ 2, theo đó kỳ thi THPT quốc gia 2020 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 8 - 11.8. Lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng phải lùi lại theo kế hoạch đã được điều chỉnh này.
Tuy nhiên, nhiều trường đại học vẫn lo lắng vì không dám chắc Bộ GD-ĐT có thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia 2020 theo kế hoạch đã điều chỉnh lần 2. Để chủ động ứng phó với tình hình này, nhiều trường bắt đầu tiến hành bàn bạc để lên phương án tuyển sinh. Trong đó, một số trường có xu hướng sẽ sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT để làm căn cứ xét tuyển (còn được gọi là phương thức xét điểm học bạ).

Với ngành "hot", nếu chỉ xét học bạ thì sẽ không công bằng

Trước thực tế đó, GS Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chia sẻ với báo chí một số lo ngại về chất lượng tuyển sinh nếu không có kỳ thi THPT quốc gia và các trường đại học chỉ xét tuyển dựa theo học bạ.
Theo GS Đức, các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống, uy tín và chất lượng khác nhau, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.
Ví dụ, một em có điểm toán 9, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác. Khi đó, chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, không công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như công nghệ thông tin, y, dược, kinh tế, luật,....
Thứ hai, thực tế cho thấy, một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh. Do đó, mặc dù có thể thí sinh có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học, các em lại rất khó có thể theo học được, nhất là với những ngành đòi hỏi cao về kiến thức cơ bản như toán, lý, công nghệ thông tin, hóa, y dược, tự động hóa, cơ điện tử...
Việc các em không theo học được, phải bỏ học giữa chừng, thì không chỉ lãng phí tuổi xuân cho thí sinh, mà còn thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.
Thứ ba, nếu xét tuyển bằng học bạ sẽ nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo. Theo quy chế đào tạo, nếu các em đang học trường này xin chuyển sang trường khác, thì một trong những yêu cầu tiên quyết là điểm đầu vào đại học của các em không được thấp hơn điểm chuẩn của trường mà các em muốn chuyển đến. Nay nếu xét học bạ thì không có mặt bằng điểm thi đầu vào, rất khó xử lý và dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khi ngành đó là ngành “hot” và thường những năm trước ở mức 27, 28 điểm mới trúng tuyển.

Chỉ nên dùng học bạ để làm căn cứ lọc hồ sơ

Từ những phân tích trên, GS Đức cho rằng, việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng khiến các trường đại học đối mặt với rủi ro lớn về chất lượng đầu vào.
Tuy trường đại học được quyền tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, nhưng không phải vì thế mà nhà nước thả nổi, để cho các trường tùy tiện, bất chấp vấn đề chất lượng đầu vào. Thước đo chất lượng đó phải là một kỳ thi có chất lượng, đánh giá được học lực của thí sinh trên mặt bằng chuẩn kiến thức chung và đó phải là một kỳ thi có quy mô toàn quốc. Sau đó, các trường trên cơ sở tự chủ của mình có thể có thêm các yêu cầu khác với thí sinh, tùy theo từng ngành.
Thực tế những năm gần đây, điểm thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức đã được xem như ngưỡng xét tuyển đầu vào trên mặt bằng chung để xét tuyển vào đại học.
Theo GS Đức, với năm nay, phương án lý tưởng là chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia như kỳ vọng. Trong tình thế Bộ GD-ĐT không thể nào tổ chức được kỳ thi, chúng ta đành phải chấp nhận giải pháp tình thế là để mỗi trường tự tìm phương án riêng.
Khi đó, nếu những trường thực sự có trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo chất lượng đầu vào thì nên xem việc xét học bạ chỉ như là sơ tuyển (trừ đối tượng học sinh giỏi ở các trường chuyên hoặc những em đoạt giải quốc gia, giải quốc tế thì có thể tuyển thẳng).
Sau đó, các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính). Với các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại thì tổ chức cho thí sinh làm bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn. Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học.
“Về lâu dài, sau khi tách kỳ thi THPT giao về các sở GD-ĐT tổ chức, chúng ta có thể giao cho một số trung tâm khảo thí độc lập tổ chức một kỳ thi chung, nhưng được tổ chức nhiều đợt trong năm, nhằm giúp các trường đại học có thể lấy kết quả để tuyển sinh đại học. Ma trận đề thi, độ khó dễ đề thi của các đợt phải có sự tương đồng, thống nhất, phải được Bộ GD-ĐT thẩm định và quản lý. Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất và công bằng, cũng như thuận lợi khi quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo”, GS Đức đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.