Tuyển sinh lớp 10: Đề môn văn Hà Nội an toàn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/06/2019 07:37 GMT+7

Nếu như đề môn văn ở TP.HCM được đánh giá là hay, kích thích và phát huy được sự sáng tạo của học sinh (HS) thì đề thi môn này ở Hà Nội được cho là quen thuộc và an toàn.

Nhiều thí sinh (TS) hoàn thành buổi thi môn ngữ văn với tâm trạng thoải mái, “thở phào” vì đề thi dễ thở.
Cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận xét: “Đề thi văn của Hà Nội năm nay vừa sức và vẫn rất an toàn. Giá có một câu hỏi nhỏ để thử sức HS giỏi thì sẽ hay hơn”. “Theo tôi, phổ điểm văn năm nay sẽ cao hơn năm ngoái”, cô Nguyệt Anh đánh giá dựa trên đề thi, tuy nhiên cô cũng cho rằng điều này còn phụ thuộc vào hướng dẫn chấm thi.

Nhiều giáo viên đều có chung nhận định, sự “an toàn” của đề môn ngữ văn thể hiện ở chỗ đề vẫn giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận. Cụ thể, ở phần I, đề thi hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ…
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên văn của Hệ thống giáo dục Hocmai, điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở phần II, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây có thể là một bất ngờ với các TS nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kỹ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên TS cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Điểm mới nhỏ nữa so với đề thi năm ngoái ở chỗ, cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức trong sách giáo khoa, tuy nhiên ngữ liệu vẫn nằm trong sách. Câu hỏi liên quan đến nghị luận xã hội cũng mang tính mở hơn, yêu cầu HS trình bày những suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tiễn.
Phần nghị luận xã hội, đề ngữ văn yêu cầu HS bình luận về chủ đề: “Hoàn cảnh khó khăn là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình”. Nhiều HS đánh giá chủ đề này dễ viết, dễ bình luận. Tuy nhiên, các giáo viên dạy ngữ văn đều cho rằng, để đạt điểm cao ở phần này đòi hỏi TS phải đưa ra những bình luận ngắn gọn nhưng nêu bật được những ý chính, tránh lan man, kể lể. Có thể nêu được những ý chủ đạo như, khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống, hoàn cảnh khó khăn là môi trường rèn luyện bản lĩnh sống của mỗi người. Trong hoàn cảnh khó khăn, con người có thể khám phá được những khả năng tiềm ẩn của chính mình. Từ đó, phê phán thái độ sống nhu nhược, dễ khuất phục trước khó khăn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.