Thật ra đây là vở Tuyệt tình ca nổi tiếng một thời, Nhà hát Trần Hữu Trang đã lấy lại tên gốc của nó là Người đối diện lương tâm. Khán giả gần như thuộc lòng từng lời ca, lời thoại qua chất giọng của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Thanh Sang, Hoàng Giang, Kim Giác, Văn Chung, và bây giờ họ mua vé vào xem những nghệ sĩ mới như Trọng Phúc (vai ông Hương), Ngọc Đợi (vai bà Lan), Kim Luận (Lê Thị Trường An), Đoàn Minh (Lê Long Hồ), Thanh Thảo (vợ ông Hương), Hoàng Minh Vương (ông Kim Sa), Kim Thùy (bà Kim Sa), Điền Trung (Nhân, con ông Hương)… vừa như một sự tò mò, vừa như một sự chấp nhận.
Quả thật là tò mò, bởi khán giả muốn biết vở cải lương mình từng ái mộ giờ sẽ biểu diễn ra sao. Và trong sự mua vé đó cũng có phần nào chấp nhận thế hệ nghệ sĩ trẻ, nếu không dễ gì họ chịu tốn tiền và tốn thời gian, dễ gì họ chịu vỗ tay, tặng hoa.
Giọng ca và nét diễn của Trọng Phúc rất đằm thắm, đầy đặn, đảm nhận vai ông cò đau khổ vì xa cách vợ con trong ly loạn, khi gặp lại thì giằng xé giữa trọng trách của một cảnh sát trưởng và một người cha khi phải bắt giam con mình. Nhân vật bà giáo Lan đè nặng trên vai Ngọc Đợi, nhưng cô đã làm tròn, chỉ tiếc là cô hóa trang trông hơi trẻ, cơ thể cũng hơi tròn trịa khỏe khoắn trong khi bà Lan bị bệnh lao, tất phải gầy còm yếu ớt hơn. Giọng ca Ngọc Đợi vốn là Chuông vàng vọng cổ nên cũng khỏe và tươi, nếu có diễn suất sau chắc nên "xuống màu" một chút cho phù hợp. Ngay cả Trọng Phúc tuy giọng rất đẹp nhưng cũng nên phát âm nhẹ hơn để những câu vọng cổ "đinh" trong vở thêm chất mùi, cảm động.
Đáng chú ý, giọng ca ngọt ấm của Đoàn Minh trong vai Lê Long Hồ cũng khiến người ta bớt so sánh với "thần tượng" Thanh Sang...
Bình luận (0)