UBND TP.HCM khẳng định hệ số K tăng hơn 30% là phù hợp

Đình Sơn
Đình Sơn
12/07/2019 14:00 GMT+7

UBND TP.HCM cho rằng đề xuất tăng hệ số K cho năm 2019 tăng từ 19 đến 30,7% so với năm 2018 là phù hợp, không ảnh hưởng đến người dân.

Ngay sau khi Báo Thanh Niên có bài viết Phập phồng đề xuất tăng hệ số K, phản ánh việc UBND TP.HCM có tờ trình gửi HĐND TP.HCM điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019 trên địa bàn TP, với mức đề xuất tăng từ 19 đến 30,7% so với năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP báo cáo về việc này.

19 đơn vị thống nhất tăng hệ số K

Ngày 8.7, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Phó chủ tịch UBND TP ông Võ Văn Hoan ký, khẳng định rằng đề xuất tăng hệ số K năm 2019 lên 0,4 so với hệ số K năm 2018 là phù hợp với nguyên tắc, phương pháp định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật. Mức tăng này so với thực tế giá đất trên thị trường hiện nay là phù hợp, không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ đối với phần diện tích trong hạn mức.
Đồng thời nhằm từng bước điều chỉnh sự chênh lệch không công bằng về giá đất khi áp dụng phương pháp hệ số K (khu đất có giá trị dưới 30 tỉ đồng) với xác định giá đất cụ thể (khu đất có giá trị từ 30 tỉ đồng trở lên). Do đó, không gây xáo trộn tâm lý người dân, doanh nghiệp khi điều chỉnh hệ số K năm 2019. Tuy nhiên đến nay TP.HCM vẫn chưa ban hành hệ số K năm 2019 là chậm so với quy định.
Theo UBND TP.HCM, trước khi đề xuất hệ số K năm 2019, UBND TP đã lấy ý kiến đóng góp của 29 đơn vị. Trong đó có 19 đơn vị thống nhất đề xuất tăng hệ số K lên 0,4. Như vậy, với mức hệ số K tăng 0,4 thì tùy tỷ lệ tăng của từng khu vực như sau: Khu vực 1 (gồm Q.1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận) hệ số K từ 2,1 tăng lên 2,5, tỷ lệ tăng 19%. Khu vực 2 (gồm Q.2, 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú) hệ số K từ 1,9 lên 2,3, tỷ lệ là 21%. Khu vực 3 (gồm Q.8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức) hệ số K từ 1,7 lên 2,1, tỷ lệ tăng 26,6%. Khu vực 4 (gồm: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn) hệ số 1,5 tăng lên 1,9, tỷ lệ tăng 26,6%. Khu vực 5 (huyện Cần Giờ) hệ số K tăng từ 1,3 lên 1,7, tỷ lệ tăng 30,7%.

Hệ số K được đề xuất điều chỉnh tăng cao so với năm 2018

Sơn Sơn

Không ảnh hưởng đến người dân

UBND TP, cho rằng về nguyên tắc khu vực có giá đất theo bảng giá đất thấp nhất thì hệ số K tính bồi thường bình quân càng cao. Do đó, khi hệ số K năm 2019 của các khu vực cùng tăng như nhau nhưng các khu vực có giá đất thấp hơn sẽ có tỷ lệ hệ số K tăng cao hơn và ngược lại, các khu vực có giá đất theo bảng giá đất cao sẽ có tỷ lệ tăng hệ số K tăng thấp hơn. Như quận 1 (khu vực 1), tuyến đường có giá đất cao nhất theo bảng giá đất là 162 triệu đồng/m2. Hệ số K năm 2018 là 2,1 thì giá đất là hơn 340 triệu đồng/m2. Nếu hệ số điều chỉnh là 2,5 (tăng 0,4) thì giá đất là 405 triệu đồng/m2, mức tăng là hơn 64,8 triệu đồng/m2. Huyện Nhà Bè (khu vực 4) tuyến đường có giá đất cao nhất theo bảng giá đất là 8 triệu đồng/m2. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là 1,5 thì giá đất 12 triệu đồng/m2. Nếu hệ số điều chỉnh là 1,9 (tăng 0,4) thì giá đất là 15.200.000 đồng/m2; mức tăng là 3,2 triệu đồng/m2.
Do đó, việc đề xuất tăng hệ số K năm 2019 lên 0,4 so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 trên địa bàn TP.HCM là phù hợp với nguyên tắc, phương pháp định giá đất cụ thể theo quy định pháp luật. Mức tăng này so với thực tế giá đất trên thị trường hiện nay là phù hợp.
Không những vậy, việc điều chỉnh tăng hệ số K của nhóm 1 không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ đối với phần diện tích trong hạn mức. Việc tăng hệ số K tác động đến tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi thuê đất hoặc giao đất không thông qua hình thức đấu giá (theo bảng giá đất) có giá dưới 30 tỉ đồng. Tuy nhiên việc tăng hệ số K 0,4 thì giá đất bằng khoảng 30-50% so với giá thị trường. Đồng thời việc điều chỉnh tăng hệ số K nhằm từng bước điều chỉnh sự chênh lệch không công bằng về giá đất khi áp dụng phương pháp hệ số K (khu đất có giá dưới 30 tỉ đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.