Thói quen mua sắm ở siêu thị ngày càng phổ biến đã khiến các hệ thống siêu thị ở TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải ở quầy tính tiền và cả bãi giữ xe.
Dài cổ xếp hàng
Theo thống kê của Saigon Co.op, những siêu thị tại TP.HCM doanh số cao gồm Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, Co.opMart Cống Quỳnh, Co.op Mart Lý Thường Kiệt... là những điểm thường xuyên xảy ra quá tải, ùn tắc kéo dài ở quầy tính tiền lẫn bãi giữ xe. Tại Co.op Cống Quỳnh, cứ mỗi buổi sáng vào tầm 8-9 giờ là người đi mua sắm đã xếp hàng vào gửi xe, lấn ra cả lòng đường. Đây vốn là khu vực đông đúc vì gần ngay giao lộ, bệnh viện, trường học nên thường gây kẹt xe ở khu vực bên ngoài. Tại Co.opMart Lý Thường Kiệt, mặc dù có bãi xe ở tầng hầm và cả khuôn viên phía trước, nhưng siêu thị này vẫn luôn chật cứng xe vào giờ cao điểm, khách đi mua sắm phải gửi xe tại các điểm giữ xe tư nhân tự phát. Anh N.T.T (Q.5) kể: “Tôi thường xuyên ghé siêu thị Co.opMart mua mấy món hàng tươi sống, thời gian chọn hàng chỉ vài phút nhưng thời gian tính tiền đến 15 - 20 phút, có lúc còn lâu hơn”. Chị Lê Thị Tuyết (Q.Tân Bình) cũng cho biết: “Đi làm về trễ nên chợ tan, mình tranh thủ ghé siêu thị BigC Hoàng Văn Thụ mua ít rau củ, cá thịt về nấu cơm nhưng lần nào cũng bị kẹt ở khâu thanh toán tiền. Mình nhẩm tính trước mấy thứ cần mua nên khi mua rất nhanh, chỉ tốn có vài phút nhưng ngán nhất là xếp hàng chờ tính tiền. Vào những buổi chiều tối cuối tuần thì chờ đến cả 15 phút mới thoát ra được”.
Có mặt tại siêu thị BigC Miền Đông, dù không phải giờ cao điểm nhưng bãi xe chính đã hết chỗ nhận xe, hai bãi còn lại khách phải chen chúc xếp hàng chờ tới lượt. Lựa đồ nhiều khi chỉ hết vài phút nhưng gửi xe và xếp hàng tính tiền mất cả tiếng khiến khách hàng bực dọc, than phiền.
|
Bỏ cuộc vì chờ đợi
Hầu hết các siêu thị lớn ở trung tâm TP.HCM đều gặp phải vấn đề trên. Vào giờ cao điểm, nhiều khách mua hàng xong nhưng không đủ kiên nhẫn xếp hàng, đành bỏ đồ lại về tay không. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các siêu thị có quầy ưu tiên cho khách mua ít, cho phụ nữ có thai và khách có thẻ VIP, nhưng vì các đối tượng này khá nhiều nên tình trạng không khác gì so với các quầy thông thường.
Để giảm tải một phần tình trạng này, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Co.opMart tăng cường những biện pháp như tăng số lượng nhân sự thời vụ để hỗ trợ bỏ bao tại cash thu ngân; phụ kho để chuyển hàng ra quầy kệ, bán hàng, giao hàng tận nhà; tăng cường đặt hàng qua điện thoại, đặt thêm những quầy thanh toán nhanh và kéo dài thời gian phục vụ khách hàng trong ngày, mở cửa sớm hơn và đóng cửa khi khách cuối cùng ra về. Mặc dù vậy nhiều siêu thị thuộc Co.opMart vẫn quá tải vào giờ cao điểm do người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc mua hàng qua điện thoại, ti vi dù Saigon Co.op đã mở ra các kênh phân phối này. Đây là cách để giảm tải hữu hiệu nhất nhưng chưa được người tiêu dùng tận dụng”.
Hệ thống siêu thị BigC cũng cho biết mở tất cả các quầy thu ngân và bố trí thêm các quầy tính tiền lưu động, tăng cường nhân viên trực tại các quầy để hỗ trợ khách xếp hàng hóa. Đối với bãi giữ xe, BigC cũng mở tối đa diện tích bãi giữ xe và tăng cường nhân viên sắp xếp bãi xe một cách khoa học, gọn gàng nhằm khai thác được tối đa diện tích bãi xe.
Nhưng bài toán ùn tắc, quá tải của siêu thị vẫn chưa có lời giải. Thậm chí tăng mạnh trong những tháng cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.
Quang Thuần - Hoàng Việt
Bình luận (0)