Ung thư tuyến tiền liệt và chứng thoát vị

20/06/2013 14:05 GMT+7

(TNO) Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp xạ trị hay phẫu thuật làm tăng từ 2 đến 4 lần nguy cơ bị chứng thoát vị.

(TNO) Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp xạ trị hay phẫu thuật làm tăng từ 2 đến 4 lần nguy cơ bị chứng thoát vị, theo Reuters ngày 19.6.

Đó là kết quả cuộc nghiên cứu do tiến sĩ Hanna Nilsson và các đồng nghiệp tại Trường đại học Umea (Thụy Điển) thực hiện.

Thoát vị là tình trạng một bộ phận của cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí giới hạn bình thường của nó. Có rất nhiều loại thoát vị và những trường hợp thoát vị được đề cập trong cuộc nghiên cứu này là thoát vị đùi và thoát vị bẹn.

Ung thư tuyến tiền liệt và chứng thoát vị
Phẫu thuật là cách duy nhất chữa chứng thoát vị - Ảnh: Shutterstock

Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu của 28.000 nam giới tại Thụy Điển điều trị ung thư tuyến tiền liệt từ năm 1998 đến 2010.

Trong số này, có gần 15.000 người cắt bỏ tuyến tiền liệt với phẫu thuật hở (open surgery), 4.650 người phẫu thuật ít xâm lấn và 9.000 người tiến hành xạ trị.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh số trường hợp thoát vị ở những đối tượng trên với 105.000 nam giới không bị ung thư tuyến tiền liệt.

Sáu năm sau khi điều trị ung thư, 14% nam giới phẫu thuật hở, 10% nam giới phẫu thuật ít xâm lấn và 8% nam giới xạ trị đã phải phẫu thuật chữa chứng thoát vị.

Trong khi đó, chỉ có 4% nam giới không bị ung thư tuyến tiền liệt bị thoát vị và phải phẫu thuật, theo nghiên cứu được đăng tải trên Annals of Surgery.

Căn cứ vào số liệu trên, nhóm nghiên cứu ước tính nguy cơ thoát vị ở người điều trị ung thư tuyến tiền liệt tăng từ 2 đến 4 lần, so với người không bị ung thư tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân có thể là do quá trình điều trị ung thư làm hư hại các mô, dẫn đến chứng thoát vị.

Đức Trí

>> Khó ngủ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
>> Có thể nhận biết sớm ung thư tuyến tiền liệt
>> Xạ trị trong điều trị ung thư
>> Tác dụng ngược của hóa trị và xạ trị
>> Tai biến nguy hiểm do thoát vị bẹn
>> Thoát vị bẹn: coi chừng nghẹt! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.