Ung thư võng mạc ở trẻ nhỏ

29/01/2008 16:59 GMT+7

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, có tới 95% số bệnh nhân điều trị ung thư võng mạc (UTVM) là trẻ dưới 5 tuổi.

Lúc đầu, bệnh xuất hiện ở một mắt, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ lan sang mắt còn lại. Thậm chí, ung thư có thể di căn lên não,... khiến trẻ có nguy cơ tử vong.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Tần, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Mắt Trung ương, một trong những triệu chứng hay gặp nhất và có giá trị trong chẩn đoán UTVM là trẻ có đồng tử trắng hay còn gọi là ánh mắt mèo mù (trong bóng tối, mắt trẻ có ánh sáng xanh như mắt mèo). Lác là triệu chứng hay gặp phải sau đồng tử trắng của các bệnh nhân mắc UTVM.

Bên cạnh đó, những bệnh nhân này có thể có biểu hiện lâm sàng dị sắc mống mắt, mống mắt có màu đỏ. Nguyên nhân có thể do biến đổi sắc tố nhưng thường là do tân mạch ở mống mắt gây ra, khi tân mạch vỡ sẽ gây xuất huyết...

Khi thấy trẻ có triệu chứng của bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành soi đáy mắt kết hợp siêu âm nhãn cầu cùng các phương pháp chẩn đoán khác (siêu âm ký, chụp cắt lớp, chụp X-quang, cộng hưởng từ tính, xét nghiệm sinh hóa...). Tùy theo, giai đoạn tiến triển của bệnh, hình thái UTVM 1 mắt hay 2 mắt, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị thích hợp.

Nếu khối u mới phát triển ở một bên mắt, chưa bị di căn, các bác sĩ sẽ cắt bỏ nhãn cầu, cắt dây thần kinh thị giác của bệnh nhân, chữa trị bằng tia xạ,... bên mắt còn lại sẽ không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp phát hiện và điều trị muộn, khối u có thể di căn vào dây thị giác, gây ung thư cho bên mắt lành, nguy hiểm hơn, khối u có thể di căn lên não, trẻ sẽ tử vong.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Tần, việc phát hiện sớm và điều trị chính xác, kịp thời là rất cần thiết, điều đó sẽ giúp giữ cho trẻ bên mắt lành. Ngoài ra, bệnh nhân sau khi được tiến hành phẫu thuật khối u chưa di căn, cần phải đến thăm khám bên mắt còn lại định kỳ (2-3 tháng/lần) và tiến hành siêu âm cho chắc chắn.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.