Ước gì con học ngu!

06/04/2019 14:36 GMT+7

Trong bữa ăn sáng ngày thứ bảy nhàn nhã, tôi hỏi con: Hôm qua buổi dự giờ môn toán có gì vui không con? Con gái nhăn nhó: Chẳng có gì vui. Con ước gì con học ngu để khỏi phải đi học nhiều lần hơn các bạn!

Con bé nói tiếp: Chiều hôm dự giờ chỉ có 18 bạn phải đi học thôi, còn nhiều bạn khác được nghỉ ở nhà sướng ơi là sướng.

Tôi làm bộ trợn mắt lên vì ước muốn lạ đời của con: Trời ơi, người ta ước học giỏi không được con lại ước học ngu? Mẹ không bắt con học giỏi nhưng học tốt vẫn hơn chứ con. Học nhiều lần thì sẽ hiểu bài hơn, thay vì mẹ phải dạy con ở nhà thì con được cô kèm ở trường, chẳng phải tốt hơn sao?
Con tiếp tục kể khổ: nhưng mà bài đó con được học 2 lần rồi. Cô dặn: cấm em nào mở miệng nói “cô ơi, bài này học rồi”. Đứa nào nói, cô cho ăn roi. Con còn bị bạn Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp gọi lên làm bài tập tới 3 lần luôn. Mà con đâu có thích lên nhiều lần.
Tôi thắc mắc: Sao các bạn khác lại không được lên bảng? Các bạn không làm được hay không xung phong?
Con trả lời với giọng điệu của một bà cụ non: Khổ lắm, vì mấy bạn kia chữ xấu mà con thì chữ đẹp.
Bữa ăn sáng cuối tuần của hai mẹ con kết thúc sau khi con đã trút hết bầu tâm sự về tiết thao giảng của cô chủ nhiệm. Tôi cứ tưởng sau vụ lùm xùm thi giáo viên dạy giỏi ở Hải Phòng hồi tháng 1 năm 2019, và nhất là những phát ngôn mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh các sở, phòng địa phương về công tác tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thao giảng, dự giờ theo hướng thực chất thay vì diễn nhưng hóa ra mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Giáo viên và cả học sinh vẫn tiếp tục diễn ngay cả đối với các tiết thao giảng trong nội bộ mỗi trường. Chỉ là dự giờ của các giáo viên cùng trường mà đã diễn như vậy thì thử hỏi thi giáo viên dạy giỏi các cấp thầy trò còn diễn đến mức nào?
Vốn dĩ tôi không quá quan tâm đến thành tích học tập của con mà để con tự học, con đi học ngày hai buổi nên tôi chỉ nhắc nhở con ngồi vào bàn học 30 phút mỗi tối. Tôi không để ý cụ thể xem mỗi năm con có mấy lần đi học nhiều hơn các bạn kiểu như thế nhưng vì lời ước lạ của con, tôi chợt nhớ lại năm lớp 2 con cũng có 1 lần phải đi học trong khi nhiều bạn được nghỉ. Năm ngoái trường con chưa áp dụng sổ liên lạc điện tử nhưng năm nay kể cả thông báo họp phụ huynh cũng được nhắn tin vào điện thoại. Vậy mà không hề có một tin nhắn nào được gửi để nhắc phụ huynh cho con đi học thêm vào buổi chiều thứ 6 (vốn là buổi được nghỉ của các con) mà cô giáo chỉ dặn miệng thôi. Có lẽ sau vụ nhắn tin làm bại lộ chuyện lùm xùm thi giáo viên dạy giỏi ở Hải Phòng nên nhiều trường rút được bài học quý chăng?
Dẫu biết rằng chính bản thân các thầy cô, nhà trường cũng có nỗi khổ tâm riêng mang tên “giáo viên dạy giỏi” các cấp từ trường cho đến huyện, thành phố, tỉnh nhưng không thể không tội nghiệp các em học sinh cứ phải trở thành “diễn viên phụ họa” bất đắc dĩ cho các “diễn viên chính” là thầy cô giáo của mình! Các em sẽ nghĩ sao về thầy cô, về nhà trường khi thầy cô công khai ép các em phải nói dối là bài mới nhưng thực tế là bài đã được học tới mấy lần? Bao giờ thầy trò mới thôi phải làm diễn viên?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.