Ước mơ trở thành ông chủ một tập đoàn truyền thông

12/01/2007 22:13 GMT+7

Một lần, trong bữa cơm gia đình, ba tôi kể: Một trường đại học danh tiếng ở Mỹ sang nước ta trực tiếp phỏng vấn tuyển sinh du học sau đại học, một anh đã viết bài luận bằng tiếng Anh giải thích lý do vì sao lại chọn đi du học ở Hoa Kỳ, đại thể là thế này: "Tôi sinh ra trong một gia đình thương gia có truyền thống và nổi tiếng ở Việt Nam. Gia tài tôi thừa kế có thể sống được cho nhiều đời sau. Nhưng tôi nhất định phải sang Hoa Kỳ học tập để trở thành một thương gia giàu có hơn triệu triệu lần, không chỉ để cho tôi mà còn làm giàu cho đất nước tôi. Tôi nhất định sẽ là ông chủ của một tập đoàn lớn để khi quay lại đất nước nơi tôi học tập, Tổng thống Hoa Kỳ phải long trọng tiếp tôi".

Anh là người VN duy nhất trúng tuyển và hiện đang học giỏi nhất trường anh đang học. Đó là một thanh niên chỉ hơn tôi vài tuổi.

Câu chuyện đã làm tôi suy nghĩ nhiều, để rồi quyết định hỏi ba: "Ba ơi! Trao học bổng và tuyên dương con nhà nghèo vượt khó học giỏi là đúng rồi, nhưng cũng cần phải tuyên dương con nhà giàu "vượt giàu" học giỏi, như thế mới công bằng, mới phát huy hết trí tuệ của lớp trẻ. Ba thấy đúng không?". Ba tôi trố mắt ngạc nhiên ít phút và gật đầu cho rằng tôi đã có một ý tưởng đúng và hay. Ông nói: "Đúng, thế hệ ba chỉ có một con đường thoát nghèo là phải học giỏi, cái đó đã khó nhưng có lẽ không khó bằng thế hệ các con bây giờ nhiều khi phải "vượt giàu" học giỏi, học giỏi để làm giàu hơn cho mình và cho đất nước, cái đó khó hơn nhiều. Ý con rất hay, rất đáng suy nghĩ".

Một lần đọc Báo Thanh Niên, tôi được biết Chính phủ cho phép một số tờ báo mạnh, trong đó có Thanh Niên, chuẩn bị thành lập tập đoàn truyền thông. Tại sao không? Tôi đã rất lấy làm thú vị về thông tin này và quyết định thi vào học báo chí. Quyết định như thế là vì tôi có một ước mơ tạm gọi là "hai trong một": Vào học báo chí, tôi sẽ được làm nghề mình yêu thích vốn là mơ ước lâu nay; Hơn thế, sau này, tôi còn có thể trở thành người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn truyền thông nào đó, nơi không chỉ làm nghề mà còn làm ra vô khối của cải cho gia đình và xã hội. Và tôi quyết định xây dựng một lộ trình cho ước mơ của mình. Nay mới chỉ vào năm đầu khoa báo chí, ngoài việc lên giảng đường học tập như các sinh viên khác, thời gian còn lại tôi dành cho việc học ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp - vốn cũng không đến nỗi tệ), sang năm học thứ hai, tôi sẽ ghi danh vào ngành Luật cũng tại trường này, với quyết tâm cùng lúc tốt nghiệp hai bằng ĐH và thông thạo ngoại ngữ. Tôi tin bằng khả năng của mình, tôi có thể tìm được một học bổng sau ĐH ở nước ngoài và sau đó về nước trực tiếp hành nghề báo chí. Lại tiếp tục học những gì mình còn thiếu - cả trường học lẫn trường đời. Đến khi khoảng 40 tuổi, nếu không tính đến yếu tố kinh nghiệm, tôi sẽ có đủ khả năng để lãnh đạo một tập đoàn truyền thông.

Thằng bạn thân của tôi đã hỏi rằng: "Thế thì tại sao mày không chọn con đường du học ngay từ đầu để rút ngắn thời gian?". Không sai, nhưng tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định học và hiểu báo chí VN trước khi nghiên cứu báo chí nước ngoài. Đó là cách lựa chọn của tôi! Và cũng bởi vì tôi còn rất trẻ!

Ba tôi đã vượt nghèo học giỏi, làm nghề giỏi, thế thì tại sao tôi không thể "vượt giàu" (tôi không có ý nói rằng mình giàu có) để học giỏi hơn và thành danh hơn ông? Sẽ có lúc, tôi trở thành "thần tượng" của... ba tôi. Tại sao không?

Tôi sẽ theo đuổi ước mơ của mình đến cùng!

Vũ Nguyễn (Sinh viên Báo chí ĐH Khoa học Huế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.