Uống mấy ly thì vừa?

20/06/2011 09:19 GMT+7

Kiểu uống bia cũng quan trọng như lượng uống. Uống ừng ực, uống một hơi kiểu “dzô dzô 100%” hoàn toàn khác với nhâm nhi, lai rai uống mỗi ngày hay chỉ uống khi có dịp…

Bia, rượu nói chung là những thức uống có cồn (alcohol). Cụ thể, trong bia có khoảng 3,5%-5,5% cồn; tỉ lệ này trong rượu vang là khoảng 12%-15% và trong rượu nặng là khoảng 45%.

Chỉ uống ở mức trung bình

Vì sao cứ có bia, rượu vào là chúng ta thấy người hưng phấn, vui vẻ? Là bởi não có nhiều chất béo mà rượu thì lại dễ hòa tan trong các chất béo nên sau khi vào cơ thể, nồng độ rượu ở tổ chức não cao gấp 2 lần ở máu. Lúc đầu, rượu gây hưng phấn, kích thích nhưng sau đó lại ức chế gây ra mệt mỏi, buồn ngủ. Đó là lý do vì sao uống rượu, bia hay cơ thể chưa giải được cơn say mà tham gia giao thông hoặc lao động thì dễ bị tai nạn.

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Vấn đề đặt ra là nên uống bao nhiêu là vừa, là không say? Nên lưu ý rằng chất gây ảnh hưởng cho cơ thể có trong rượu, bia chính là cồn. Nồng độ cồn càng cao, mức độ ảnh hưởng càng nhiều. Khi vào cơ thể, cồn tồn tại trong máu cho đến khi được gan chuyển hóa. Gan cần khoảng một giờ để chuyển hóa 12-14 g cồn, nghĩa là tương đương 1 lon bia hoặc 113 g rượu vang hay 35 g rượu nặng.

Nếu chúng ta uống rượu, bia với tốc độ nhanh hơn tốc độ gan chuyển hóa cồn thì nồng độ cồn trong máu sẽ tăng lên. Mức độ say và các biểu hiện của cơ thể phụ thuộc nồng độ cồn trong máu và tùy vào “đô” của mỗi người. Người uống nhiều và uống thường xuyên thì “đô” sẽ cao hơn người uống ít.

Như đã nói ở trên, uống càng nhiều rượu, bia sẽ càng có hại cho nên chúng ta chỉ nên uống ở mức trung bình. Nghĩa là uống ở giới hạn mà lợi ích của rượu, bia đối với sức khỏe hơn hẳn nguy cơ.

Liều tiêu chuẩn: 1 lon

Nồng độ cồn trong máu 0,6%: Có thể tử vong

Nếu nồng độ cồn trong máu đạt 0,02% (tương đương uống 1 lon bia) thì với người uống ít hoặc uống trung bình sẽ thấy ấm người và thư giãn; 0,04% (tương đương uống 1,5 lon bia trong 1 giờ): đa số người bình thường sẽ cảm thấy thư giãn, nói nhiều, vui vẻ, da ửng đỏ và sự phối hợp vận động có ảnh hưởng; 0,05% (tương đương uống 2 lon bia/giờ): cơ thể mất khả năng xét đoán, suy nghĩ cũng như mất tính chủ động và huyết áp tăng; 0,08%: huyết áp tiếp tục tăng và khó kiềm chế cử chỉ, cử động bất thường; 0,1%: mất tự chủ, hay đi đi lại lại, nói lắp bắp, lung tung, nói líu nhíu; 0,2%: thần kinh bị tác động nghiêm trọng, đi lảo đảo, nói to, không mạch lạc, lái xe dễ gây tai nạn; 0,3%: vùng não bị tổn thương, tạo nên nhiều ý nghĩ sai lầm; 0,4%: nếu ngủ sẽ khó đánh thức và không còn chủ động trong hành động; 0,5%: hôn mê; 0,6%: có thể liệt hô hấp và tử vong.

Quan điểm mới nhất về liều lượng uống trung bình là không hơn 1-2 liều tiêu chuẩn/ngày đối với nam, không hơn 1 liều/ngày đối với nữ. Liều tiêu chuẩn được xác định là uống khoảng 12-14 g cồn, tương đương 1 lon bia hoặc 100 ml rượu vang hay một ngụm rượu nặng 40%.

Rượu được hấp thu nhanh và 90% lượng rượu uống vào được hấp thu tại ruột non, chỉ một ít được chuyển hóa ở dạ dày. Kích thước, giới tính, cân nặng, hàm lượng chất béo và số lượng thức ăn trong dạ dày sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu rượu vào máu. Thức ăn có mỡ hay hydratcarbon cao sẽ làm giảm tỉ lệ hấp thu này.

Những thức uống có cồn loại sủi bọt hay carbonat như champagne sẽ làm rượu được hấp thu nhanh hơn. Cụ thể, một người nam nặng khoảng 70 kg, sau khi uống 2 chai bia sẽ có nồng độ rượu trong máu khoảng 0,4%.

Khi uống cùng một lượng rượu, phụ nữ sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn đàn ông vì có sự khác nhau về sinh lý liên quan đến giới. Ví dụ, nếu cùng uống khoảng 8 g cồn thì sau 1 giờ đầu tiên, nồng độ cồn trong máu của người nam nặng 65 kg là 0,15 g/dl trong khi ở một người nữ 55 kg sẽ là 0,2 g/dl.

Kiểu uống cũng quan trọng như lượng uống. Uống ừng ực, uống một hơi kiểu “dzô dzô 100%” hoàn toàn khác với uống nhâm nhi, lai rai uống mỗi ngày hay chỉ uống khi có dịp…

Ăn nhiều mồi, rượu thì nhấp môi!

Nói như vậy để thấy khi gặp bạn vui vẻ hay để ngon miệng hãy chỉ nên uống 1-2 ly bia. Câu chuyện sẽ thêm phần rôm rả nếu chỉ uống vừa phải. Đừng uống lúc bụng đói và cũng đừng uống quá nhiều loại bia, rượu một lúc; nên ăn nhiều mồi còn rượu thì chỉ nhấp môi để khai vị. Nếu lỡ quá chén, tức là uống quá liều tiêu chuẩn, thì người mời không nên để bạn ra về ngay hay để bạn tự lái xe mà nên gọi taxi đưa về.

Ở nước ta, luật quy định nếu trong máu hay trong hơi thở của người lái xe có cồn là bị phạt và đặc biệt nghiêm cấm người đang điều khiển xe trên đường mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml máu hay nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Vì vậy, mỗi người phải biết lượng sức, đặc biệt là “rượu không nên ép” như người xưa đã dạy và cũng đừng vì quá vui mà say xỉn, biến mình thành nạn nhân hay là nguyên nhân gây tai nạn cho người khác.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.